Monday, September 26, 2016

Các nhà máy nhiệt điện than Trung Cộng đe dọa đồng bằng sông Cửu Long

Vụ bạo động ở Vĩnh Tân năm 2015 vì nhà máy nhiệt điện sử dụng máy móc Trung Cộng gây ô nhiễm. Ảnh: Thanh Niên
Mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đang dần dần đóng cửa những nhà máy nhiệt điện than nhằm tránh để môi trường bị tàn phá, nhưng chính quyền CSVN lại làm ngược lại. Họ cho mở rất nhiều nhà máy nhiệt điện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mới đây, các nhà khoa học đã phải lên tiếng báo động về mật độ nhà máy nhiệt điện than quá nhiều ở miền Tây Nam sẽ bức tử những con sông ở nơi này.
Theo quy hoạch của chính quyền CSVN, từ nay cho đến năm 2030, tại Miền Tây Nam phần sẽ có đến 14 nhà máy nhiệt điện than với công suất 18,268MW. Tại Trà Vinh có đến 4 nhà máy, Bạc Liêu 1 nhà máy, Hậu Giang 2 nhà máy, Long An 2 nhà máy, Sóc Trăng 3 nhà máy và Tiền Giang 2 nhà máy.
Tất cả 14 nhà máy nhiệt điện than này đóng góp cho khoảng 46% năng lượng điện của cả nước. Có một điều đáng bàn, hầu hết công nghệ, máy móc, dây chuyền đều của Trung Cộng, vốn đã lạc hậu mà họ muốn phế bỏ.
Khi cho xây dựng nhà máy nhiệt điện than, chính quyền địa phương và ngay cả trung ương đều rất xem nhẹ những đánh giá tác động về môi trường. Các chủ đầu tư hầu như không tính đến những tác động của nhà máy lên thủy sản, động vật, phát triển kinh tế địa phương...Người dân cũng không được tham vấn về những nguy hại của việc xây dựng nhà máy. Họ đứng ngoài lợi ích của chủ đầu tư.
Công nghệ làm sạch môi trường cũng không được các nhà máy nhiệt điện than chú trọng. Điều này làm gia tăng ô nhiễm môi trường. Khí thải SO2 được xả ra từ các ống khói nhà máy sẽ tạo thành những cơn mưa acid, ảnh hưởng trực tiếp đến đồng ruộng, sông ngòi, nguồn nước tại đây.
Đó là chưa nói, việc xây dựng những nhà máy nhiệt điện than tốn rất nhiều nước. Chỉ riêng nhà máy nhiệt điện Long An 1, một ngày cũng đã tốn gấp 3 lần hệ thống cấp nước sạch cho Hà Nội.
Cùng với đó, việc sử dụng công nghệ, dây chuyền, máy móc của Trung Cộng sẽ phụ thuộc nước này về nguyên liệu. Mới đây, báo điện tử Dân Trí cho biết, thay vì mua 44 Mỹ kim/tấn than từ Indonesia, thì Việt Nam phải nhập cảng với giá 71 Mỹ kim/tấn than từ Trung Cộng. Và ngày càng cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc từ công nghệ và nguyên liệu từ Trung Cộng trong lĩnh vực xây dựng nhà máy nhiệt điện than.
Còn nhớ, vào tháng 4/2015, tại xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đã xảy ra vụ bạo động kinh hoàng giữa người dân và cảnh sát cơ động. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xả khói, bụi xỉ gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến nguồn nước, sức khỏe của người dân.
Ngọc Quân/SBTN

No comments:

Post a Comment