Có những quốc gia đời sống xã hội quá bình lặng, như các nước Bắc Âu chẳng hạn, quanh năm chẳng mấy khi có được một thông tin hay sự kiện gì có thể làm dư luận phải xôn xao. Ngược lại, ở VN thì ngày nào tuần nào cũng có vô số tin tức, sự kiện, câu chuyện…có thể gây nên trong người dân đủ mọi phản ứng, cung bậc cảm xúc khác nhau, mà đáng tiếc, hầu hết là tiêu cực!
Cho đến bây giờ thì những vụ cướp giết hiếp, ngay cả những vụ thảm sát dã man vài ba người trong cùng một gia đình; những cái chết vì tai nạn giao thông, tai nạn lao động trong những hoàn cảnh rất xót xa; hoặc kể cả những cái chết oan ức, tức tưởi từ trên trời rơi xuống vì sự tắc trách của y bác sĩ, vì sự cẩu thả của người khác như một em nhỏ bị tấm tôn chở trên xe xích lô cứa trúng cổ, em bé bị cái tủ ở trường mầm non ngã đè chết, người đi đường bị cây xanh trốc gốc ngã đè trúng v.v…cũng đã trở thành “bình thường” vì quá nhiều bi kịch khác nhau xảy ra.
Những vụ án tham nhũng, “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, làm ăn thua lỗ, thất thoát hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng VN…cũng trở thành “bình thường”. Tin tức về thức ăn bị nhiễm bẩn, bị phun, ướp, chế biến với đủ loại chất độc hại…cũng là “bình thường”!
Điều kinh khủng là nó làm cho người dân quen dần với mọi sự tồi tệ đang xảy ra hàng ngày hàng giờ. Trong khi ở những quốc gia khác, chỉ cần một trong số những sự kiện như vậy là đã chấn động, là có rất nhiều người phải chịu trách nhiệm, phải từ chức, vào tù, dẫn tới những vụ kiện với những số tiền bồi thường “khủng” đến choáng váng…Còn trong một xã hội như VN, có cái gì là “không bình thường” được nữa?
Có. Có những sự kiện mà tầm mức của nó ảnh hưởng đến hàng vạn, thậm chí hàng triệu con người, như vụ thảm họa môi trường nghiêm trọng do nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra trong thời gian vừa qua chẳng hạn. Lúc đầu vụ việc này đã tạo ra cơn phẫn nộ lan truyền trong dư luận, vô số phản ứng, bài viết trên các trang mạng xã hội, báo chí độc lập bên ngoài và cả báo chí trong nước. Đã có những cuộc biểu tình diễn ra tại Sài Gòn, Hà Nội, các tỉnh miền Trung, lên đến hàng ngàn người. Đã có những niềm hy vọng rằng biết đâu từ vụ việc này một cuộc “cách mạng cá” sẽ nổ ra như cách mạng bánh mì, cách mạng hoa hồng, cách mạng hoa lài…tửng xảy ra trong lịch sử thế giới, xưa và gần đây.
Sức ép của dư luận khiến nhà cầm quyền phải vội vã chống đỡ, đưa ra đủ thứ lý do cá chết rất tào lao trước khi thừa nhận Formosa là thủ phạm, làm đủ thứ trò mị dân như quan chức rủ nhau ăn cá, tắm biển, rồi hể hả tuyên bố Formosa đã đền bù 500 triệu USD, song càng khiến cho người dân phẫn nộ hơn vì số tiền quá bèo bọt…
Nhưng rồi thời gian trôi qua, đến bây giờ đã nửa năm kể từ khi xảy ra thảm họa, dù báo chí còn đưa tin hay không thì thực tế là cá vẫn chết, biển vẫn chết, hàng ngàn hộ ngư dân vẫn đang điêu đứng vì không thể ra khơi và nếu có bắt được cá cũng chả ai dám mua, các ngành thủy hải sản, du lịch… vẫn bị ảnh hưởng nặng, những đồng tiền gọi là đền bù vẫn chưa đến được tay ngư dân…Trong khi đó thì Formosa vẫn tiếp tục tồn tại và sẽ còn tồn tại 70 năm nữa theo hợp đồng đã ký kết với VN, chua chát hơn, số tiền mà Formosa bồi thường cho VN cuối cùng lại được phía VN hoàn thuế 14,000 tỷ VND, còn nhiều hơn con số Formosa phải bỏ ra.
Thế nhưng cái sự khốn nạn chưa dừng lại ở đó. Một dự án nhà máy thép khác, còn “khủng” hơn về mức độ quy mô đầu tư, số lượng sản xuất và xả thải, dự án nhà máy thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận đang chuẩn bị được thông qua. Không khác gì dự án Formosa trước kia, dự án này cũng tràn đầy rủi ro, cũng do những con người chỉ nghĩ đến lợi nhuận bất chấp sức khỏe, tính mạng của đồng loại, lợi ích lẫn an ninh lâu dài của đất nước, và cũng có bóng dáng Trung Cộng phía sau.
Trong khi cầm quyền hành xử theo một kiểu trơ lỳ, không thèm rút kinh nghiệm từ bài học Formosa cũng không thèm quan tâm đến phản ứng của người dân, lẽ ra người dân càng phải phản ứng mạnh hơn nữa, liên tục, thường xuyên hơn nữa cho tới khi tống cổ được Formosa và ngăn chặn được vụ Cà Ná. Thế nhưng người dân lại đã có những mối quan tâm khác để mà quan tâm rồi, và những mối quan tâm ấy thì quá nhiều, kể không xuể.
Với những người bình thường thích những vụ việc ly kỳ, “hấp dẫn” thì đã có những vụ như quan chức xử nhau ở Yên Bái đầy uẩn khúc, quan chức Việt học theo quan chức Tàu có bồ nhí- người thì bị tố cáo, người thì bị lộ video clip sex, rồi hiện tượng “một người làm quan, cả nhà….cùng làm quan” lại được xới lên khi một ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cả nhà có đến 8 người ngồi ở những vị trí, chức vụ khác nhau trong cùng một tỉnh. Rồi một vụ án đại gia-hoa hậu có kèm theo “hợp đồng tình cảm” hay “hợp đồng tình dục”, cho thấy một khía cạnh nữa của xã hội VN bây giờ, ở đó đồng tiển có thể mua được nhiều thứ và có một tầng lớp người có tiền, giàu nhanh nhưng chưa kịp học để sống cho tử tế, có văn hóa…Thêm vào đó là vụ một quan chức bỏ trốn, gửi mail tố cáo ông Tổng, được báo chí nhà nước lẫn mạng xã hội đưa tin nóng sốt, lôi kéo sự quan tâm của bao nhiêu người.
Những người quan tâm đến đời sống chính trị, thực trạng của đất nước thì lại đang bức xúc với việc Bộ Giáo dục định xây dựng chương trình dạy thí điểm tiếng Nga tiếng Trung từ năm lớp 3, hay hai phiên tòa có “yếu tố chính trị” mới vừa xảy ra. Một phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào ngày 20.9, tại Tòa án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội, xét xử bà Cấn Thị Thêu, một dân oan bị cướp đất, bản án 20 tháng tù giam với tội danh “gây rối trật tự công cộng” theo Điều 245 BLHS. Và phiên tòa phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, diễn ra vào ngày 22.9, xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm, và trợ lý Nguyễn Thị Minh Thúy về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS 1999. Rồi vụ một phóng viên báo Tuổi Trẻ bị một nhóm nghi là công an huyện Đông Anh, Hà Nội hành hung v.v…
Nghĩa là ngày nào tuần nào cũng tràn ngập các sự kiện buộc con người phải quan tâm, cái này chưa xong đã tới vụ khác, riết rồi các sự việc xảy ra dù nghiêm trọng đến đâu cũng chỉ gây bão được một thời gian. Dân tình thì vốn dễ quên. Đó là chưa kể đến sự cố tình lèo lái thông tin, đánh lạc hướng dư luận của nhà cầm quyền, mỗi khi muốn người dân quên đi thực tế đang có chuyện gì đó nghiêm trọng hơn. Báo chí quốc doanh thì nhiều tờ bị nhiễm tính chất “lá cải” nên khi có vụ gì “hấp dẫn”, có yếu tố “tiền tình tù tội” là lao vào khai thác.
Còn báo chí “lề trái” cũng có những sự lèo lái, hướng dẫn dư luận trong những vụ đấu đá nhau như những trang blog Quan làm báo, Chân dung quyền lực…hoặc đôi khi có những cá nhân không biết vì lý do gì, vì muốn câu view, muốn nổi tiếng hay cố tình gây nhiễu thông tin, ví dụ như vụ tung tin ông Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chết hay nói như thánh phán về cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh, về nội bộ đảng cộng sản…Tất cả góp phần làm thành sự rối nhiễu về thông tin, người đọc không tỉnh táo sẽ cứ bị cuốn theo hết vụ này đến vụ khác.
Cuối cùng nhìn lại những sai sót, những tội ác kinh khủng nhất đối với đất nước, dân tộc dần dần cũng bị chìm xuồng. Chả ai bị truy tố gì, chả ai phải chịu trách nhiệm, trừ một vài “con tốt” thí. Những lợi nhuận khủng vẫn chui vào túi của những quan tham và những kẻ làm ăn bất chấp tất cả. Đất nước này vẫn đang bị cho thuê, cầm cố, bán sỉ, bán lẻ với giá rẻ mạt. Người dân vẫn đang phải còng lưng gánh đủ thứ thuế, nợ và đủ thứ tai ương bệnh tật do môi trường độc hại gây nên. Kẻ thù vẫn đang từng bước, chậm rãi và chắc chắn, thực hiện âm mưu biến VN thành một quốc gia nghèo đói, phụ thuộc, không chỉ có thế, biến VN thành mảnh đất chết về nhiều nghĩa.
Nhà cầm quyền thì vẫn tiếp tục tồn tại mặc cho những tiếng chửi của mọi tầng lớp nhân dân. Từ anh chạy xe ôm, bà bán hàng thịt hàng cá ngoài chợ, người nông dân, công nhân, ngư dân cho tới đội ngũ trí thức, giới viết báo, viết blog lề trái… Chửi từ ông Tổng ông Thủ chửi xuống. Chửi từ đám công an, tuyên giáo, đám quan chức văn hóa, giáo dục... chửi lên. Nếu tiếng chửi mà làm sụp được một chế độ thì chắc chế độ này đã sụp. Nhưng như đã nói, tiếng chửi không đủ làm cho một chế độ sụp đổ, và nhà nước cộng sản VN thì rất hiểu điều đó.
No comments:
Post a Comment