QUẢNG NAM (NV) – Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia, viên chức và dân chúng tại tỉnh này về các công trình thủy điện nằm ở thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn.
Cách nay 15 năm, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia về kinh tế, môi trường, chính quyền Việt Nam vẫn phóng tay phê duyệt cả ngàn dự án thủy điện trên khắp Việt Nam. Những dự án này đã tạo ra một thảm họa mới cả về kinh tế, môi trường lẫn dân sinh cho khu vực Tây Nguyên và miền Trung.
Riêng tại khu vực Tây Nguyên, ngoài chuyện nhiều dự án thủy điện được xây dựng rất cẩu thả nên đã xảy ra hàng loạt tai nạn nghiêm trọng khiến người chết, nhà cửa, ruộng vườn bị hư hại, các dự án thủy điện còn làm Tây Nguyên mất 80,000 héc ta đất, gây xáo trộn sinh hoạt, sinh kế của 26,000 gia đình, phần lớn là người thiểu số.
Năm 2014, chính quyền Việt Nam chính thức thú nhận, những dự án thủy điện tại Tây Nguyên là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng. Chưa kể, chuyện xả lũ vô tội vạ của các công trình thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết thêm hàng trăm người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng.
Tiếng là để tăng thêm nguồn điện nhưng từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở khu vực Tây Nguyên và miền Trung cùng thiếu. Hạn hán đang theo xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.
Ở miền Trung, chỉ Quảng Nam đã có đến 62 dự án thủy điện được phê duyệt. Các dự án thủy điện làm hàng triệu dân của tỉnh Quảng Nam lúc nào cũng nơm nớp vì không biết chúng sẽ giáng họa xuống đầu mình lúc nào.
Năm 2009, do lượng nước từ thượng nguồn tràn về vừa nhanh, vừa lớn, nhà máy thủy điện A Vương đột ngột xả lũ. Lượng nước khổng lồ từ trên cao tràn xuống biến làng Thác Cạn ở xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc thành bình địa.
Năm 2012, song song với sự kiện đập chắn nước của nhà máy thủy điện sông Tranh 2 bị nứt, các huyện Nam Trà My và Bắc Trà My bắt đầu liên tục có động đất, mỗi năm hàng chục lần. Theo thời gian, cả tần suất lẫn cường độ của các trận động đất càng ngày càng lớn.
Hồi trung tuần tháng này, một trong các van của hầm dẫn dòng cho nhà máy thủy điện sông Bung 2 bị bục, nước trào ra khiến hai công nhân chết mất xác. Một ngôi làng có tên là Pa Oi, tọa lạc tại xã La e, huyện Nam Giang bị xóa sổ.
Thủy điện sông Bung 2 là một trong sáu nhà máy thủy điện với các qui mô khác nhau nằm dọc sông Bung theo kiểu bậc thang, may mắn là chỉ có 28 triệu khối nước tràn xuống vào lúc hồ chứa nước của năm nhà máy thủy điện bên dưới đang cần tích nước nên không xảy ra tình trạng vỡ dây chuyền.
Theo ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam thì theo quy hoạch, khu vực thượng nguồn Vu Gia – Thu Bồn, hiện đã có ba dự án thủy điện hoàn tất: Sông Tranh 2 (hồ chứa 740 triệu m3 nước), A Vương (hồ chứa 343 triệu khối nước), ĐăMil 4 (hồ chứa 310 triệu khối nước), sắp tới khi Sông Bung 2 và Sông Bung 4 hoàn thành sẽ có thêm hai hồ nữa chứa khoảng 500 triệu khối nước.
Đó cũng là lý do các chuyên gia ví von, đang có hàng chục quả bom nước, dung tích hàng trăm triệu khối lơ lửng trên đầu dân chúng Quảng Nam. Với lối quản lý – điều hành các công trình thủy điện như hiện nay và với diễn biến thời tiết hết sức khó lường như vừa qua, chẳng biết những quả bom nước này sẽ gieo họa lúc nào.
Trò chuyện với báo điện tử Vietnamnet, ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam, thừa nhận, chưa thấy nơi nào trên thế giới có nhiều “sự cố” về thủy điện vừa và nhỏ như Việt Nam. Ông Giang nói thêm, tự thân thủy điện không có lỗi, lỗi là ở con người.
Từ 2014, nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam đã từng chỉ trích kịch liệt việc phát triển thủy điện theo phong trào, khiến Việt Nam mất thêm hàng chục ngàn héc ta rừng và khiến dân chúng sống ở khu vực hạ lưu của các công trình thủy điện thường xuyên lo âu vì những rủi ro không thể dự báo. Những đại biểu Quốc hội này cho rằng, phải truy cứu trách nhiệm cá nhân trong chuyện cho phép thực hiện tràn lan các công trình thủy điện. Tuy nhiên chẳng có cơ quan nào đáp ứng các đòi hỏi này. Lúc đó đã vậy và bây giờ cũng vậy. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment