Monday, September 26, 2016

Nghệ An: Công an ngăn chặn, đe dọa đoàn xe chở dân đi kiện Formosa

Ðoàn xe chở ngư dân huyện Quỳnh Lưu đi kiện đòi bồi thường thiệt hại. (Hình: FB Trần Minh Nhật)
VINH (NV) – Hàng trăm người dân huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đã bị nhà cầm quyền CSVN ngăn chặn không cho nộp đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại vì thảm họa môi trường do nhà máy gang thép Formosa gây ra.
Theo các tin tức, hình ảnh và video clips phổ biến trên mạng xã hội, từ sáng sớm ngày 26 tháng 9, 2016, hơn 600 ngư dân từ nhiều địa phương khác nhau trong huyện Quỳnh Lưu không phân biệt tôn giáo, đã tập trung ở giáo xứ Phú Yên, Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã lập các chốt chặn cản trở.
Theo blogger Trần Minh Nhật, đoàn ngư dân dự trù thuê 20 xe để chở họ đến tòa án huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh để nộp đơn kiện, nhưng chỉ có 11 chiếc xe buýt đến nơi vì nhiều nhà xe đã bị công an đe dọa.
Linh Mục Ðặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên đã bị nhiều người gọi đến từ những số điện loại lạ những lời chửi bới, đe dọa vì ông tích cực giúp đỡ giáo dân và các người nghèo khổ bảo vệ quyền sống.
Tuy đoàn người đi kiện đến được thị xã Kỳ Anh sau hành trình dài 200km, nhưng vào trưa cùng ngày 26 tháng 9 nhưng không biết có đến được tòa án để nộp đơn hay không trong khi bị một lực lượng công an chìm nổi dày đặc theo dõi.
Theo luật CSVN, người dân không được nộp đơn kiện tập thể mà từng người phải nộp đơn kiện riêng rẽ.
Hồi tuần trước, ngày 22 tháng 9, 2016, khoảng 1,100 gia đình tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, đã gửi đơn đến nhà cầm quyền trung ương, Quốc Hội của chế độ yêu cầu trả tiền bồi thường thiệt hại vì môi trường biển bị đầu độc, sinh kế của họ không còn. Họ đòi trích ra hơn 2,000 tỉ đồng trong số 11,500 tỉ đồng mà Formosa bồi thường, chia cho họ, bao gồm cả những gia đình tuy không phải là ngư dân mà là những người buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ dọc theo biển.
Những người dân đi kiện đòi Formosa bồi thường nghe Linh Mục Ðặng Hữu Nam thuyết trình. (Hình: FB Trần Minh Nhật)
Những người dân đi kiện đòi Formosa bồi thường nghe Linh Mục Ðặng Hữu Nam thuyết trình. (Hình: FB Trần Minh Nhật)
Tin tức nói rằng Formosa đã nộp đủ số tiền $500 triệu đô la cam kết bồi thường thiệt hại vì xả chất thải độc hại ra biển giết biển 4 tỉnh miền Trung nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn không thấy nhúc nhích gì ngoài việc phát gạo cầm hơn cho một số gia đình ngư dân, lại có cả gạo mốc.
Bức thư của dân Kỳ Anh viết rằng, “Số tiền yêu cầu bồi thường của từng hộ gia đình được tính dựa trên thiệt hại thu nhập trung bình trên thực tế trong 6 tháng qua, thiệt hại tài sản vật chất dùng cho việc sản xuất kinh doanh, tổn hại tinh thần, và thiệt hại thu nhập trung bình trong 5 năm tới do hậu quả tàn phá môi trường biển bởi công ty Formosa gây ra.”
Ðược biết vào ngày 15 tháng 9, 2016 nhà cầm quyền Hà Tĩnh đã tổ chức buổi họp với người dân ở đây để phổ biến thông tin về việc kê khai thiệt hại, nhưng đã vấp phải sự phản đối của người dân.
“Kiện Formosa là để cứu anh em chúng ta, và cứu cả họ. Cứu họ để họ không tiếp tục làm điều xấu xa nữa. Chấm dứt việc tác hại cho anh em, không phải chỉ hôm nay, không phải chỉ cho bốn tỉnh miền Trung, không phải chỉ năm mươi năm, mà là lâu dài. Kiện Formosa còn là cứu cả dân tộc này.” Ðức cha Hoàng Ðức Oanh, nguyên giám mục giáo phận Kontum nói với người dân giáo xứ Phú Yên trong chuyến viếng thăm bất ngờ vào ngày 21 tháng 9, 2016.
Một viên chức tòa án thị xã Kỳ Anh nói với hãng tin Reuters qua điện thoại rằng, “Tòa án có hồ sơ kiện của họ. Họ đang tập trung rất đông.”
Trong một viedeo clip phổ biến trên mạng xã hội, Linh Mục Ðặng Hữu Nam cho hay ngư dân vẫn còn sợ biển bị ô nhiễm và họ đang gặp khó khăn trong cuộc sống vì không thể ra khơi đánh cá, không có lợi tức để sống. “Họ đang đối diện với nguu cơ đói và nợ ngân hàng.” Ngài nói.
Những tháng qua, ngư dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đã nhiều lần biểu tình đòi đóng cửa nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh. Không ai tin những gì nhà cầm quyền tuyên truyền bịp bợm như lời ông bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà là “người dân miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và cả một môi trường biển sạch, đẹp, an toàn.”
Ngày 20 tháng 9, 2016, báo cáo của Bộ Y Tế CSVN nói rằng “hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13.5 hải lý đã phát hiện 132/1,040 mẫu hải sản của 4 tỉnh có Phenol” và “đều nằm trong vùng từ 5-25 km (tương đương với khoảng từ 2.7-13.5 hải lý) với tỉ lệ mẫu nhiễm cao nhất tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, và thấp nhất tại biển Lăng Cô-Thừa Thiên Huế.” Cho nên khuyến cáo rằng người dân “không sử dụng các loại hải sản” ở tầng đáy sống trong vòng 20 hải lý.

Cho đến những ngày gần đây, người ta vẫn thấy cá biển chết dạt vào bờ. (TN)

No comments:

Post a Comment