Thursday, July 21, 2016

Có hay không phi vụ “rửa tranh” tại Bảo tàng Mỹ Thuật Sài Gòn?

Bảo tàng Mỹ thuật tại Sài Gòn cho biết, khả năng 17 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung có mặt trong triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” khai mạc hôm 10-7-2016 tại Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn, sẽ được ông Chung dọn mang đi.

Bức "Cô gái" của Nguyễn Sáng tại triển lãm bị cho là tranh giả.
Hôm 19-7, Hội đồng thẩm định những bức tranh thuộc sở hữu của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật tại Sài Gòn, cho biết một tin chấn động: có 15 bức tranh đang triển lãm, không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện; có 2 bức tranh trong bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả họa sĩ Tạ Tỵ và họa sĩ Sỹ Ngọc.
Tính đến ngày 21-7, đã 2 ngày sau khi có kết luận chất lượng đối với bộ sưu tập “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, nhưng phía bảo tàng vẫn chưa ra thông báo gì mới về sự kiện này, ngoài lời xin lỗi đến công chúng. Phòng triển lãm vẫn mở cửa đón khách.
Theo Bảo tàng Mỹ Thuật, sáng ngày 22-7, nếu như không có gì thay đổi thì ông Chung sẽ dọn tranh đi.
Giới chuyên môn đang đặt nghi vấn vụ triển lãm tranh “Những bức tranh trở về từ châu Âu” bị cho là giả, có thể là một vụ “rửa tranh”, mà mắt xích câu chuyện này là nhà sưu tập Hà Thúc Cần nhưng ông đã không còn nữa để hóa giải.
Ông Hà Thúc Cần là người chơi đồ cổ, từng về Việt Nam xin tranh, mua tranh mang ra nước ngoài, trong đó có nhiều tranh giả.
Những bức tranh giả được buôn đi bán lại lòng vòng. Mỗi lần như vậy là có người thu lợi. Sau cùng, vì chúng là giả nên lại bị “hắt” trở lại Việt Nam.
“Người Việt Nam tự làm hàng giả của chính mình. Người nước ngoài chỉ giúp sức, cộng tác ở cái khâu 'chứng nhận dùm', quảng cáo, bán hàng dùm. Vậy là nỗi nhục lại quay trở về Việt Nam. Thật ê chề” - nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương cay đắng nói.
Theo họa sĩ Ngô Đồng, nếu việc “rửa tranh” thành công ở nơi có uy tín như Bảo tàng Mỹ thuật Sài Gòn, thì những bức tranh (nghi) giả sẽ nghiễm nhiên trở thành tranh thật.
Đây không phải lần đầu tiên Bảo tàng Mỹ thuật tại Sài Gòn bị rơi vào tình huống này. Từ năm 1996, trong một cuộc triển lãm ở bảo tàng, họa sĩ Trịnh Cung và Đỗ Quang Em phát hiện người làm tranh đã cố tình ký giả tên mình, sự việc được nhiều báo chí thời đó phản ảnh.
Tiếp đó vào năm 2011, Triển lãm bộ sưu tập tranh quý của ông Tira Vanichtheeranot, một nhà sưu tập người Thái Lan cũng bị phanh phui khi công chúng phát hiện bức tranh “Nông thôn” của họa sĩ Nguyễn Văn Bình là tranh giả và một bức khác nhái phong cách của danh họa Bùi Xuân Phái…
Dư luận mạng than rằng ở xã hội Việt Nam ngày nay sự giả dối lên ngôi, sự trung thực không còn chỗ đứng. Bằng cấp giả, thầy tu giả, và nay là tranh giả. Lý tưởng làm giàu bằng mọi cách đang thống trị một xã hội đạo đức bị băng hoại tận gốc.
07/21/2016 - 07:23
Vũ Minh Ngọc / SBTN

No comments:

Post a Comment