Thursday, July 21, 2016

Có thể làm gì sau phán quyết tòa PCA?

TS. Vũ Cao Phan Nhà nghiên cứu, Đại học Bình Dương 

Theo BBC-21 tháng 7 2016 

Image copyrightREUTERS
Image captionNgười dân Việt Nam bày tỏ quan điểm và cảm xúc của mình sau khi tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết hôm 12/7.
Việt Nam không phải là một bên theo đuổi vụ kiện mà Tòa Trọng tài (PCA) đã đưa ra phán quyết “có tính ràng buộc pháp lý và chung thẩm” ngày 12/7/2016 nhưng chắc chắn Việt Nam đã hưởng lợi từ phán quyết ấy không ít.
Vấn đề là từ đó, nước này sẽ tận dụng quyền của mình như thế nào, huy động khả năng của mình đến đâu để tranh đấu cho lợi ích của chính mình.
Đây là một vụ kiện và người kiện – Philippines – đã giành được công lý nên nhiều người đã nghĩ ngay tới việc Việt Nam cần đưa Trung Quốc ra tòa, chẳng hạn nên bắt đầu ngay bằng vụ Hoàng Sa, nơi mà các bằng chứng lịch sử và pháp lý đều đứng về phía Việt Nam?
Tòa PCA được lập ra do Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc và việc phục vụ Công ước ấy không cho phép Tòa tham gia vào các vụ kiện tụng tranh chấp chủ quyền đầy rắc rối hoặc chỉ tham gia với hai điều kiện cần và đủ: các bên đều thừa nhận có tranh chấp và thuận đưa tranh chấp ấy ra tòa sau khi đã không thương lượng, đàm phán được với nhau. Còn một điều kiện thứ ba không hoàn toàn bắt buộc nữa: trưng cầu dân ý với dân bản địa tại khu vực tranh chấp (khái niệm bản địa lại cũng gây tranh chấp) như đối với các vụ kiện tụng về Manvinat/Falkland, Gibraltar, Tây Sahara…
Với một đội ngũ luật sư mà Trung Quốc phải thừa nhận là giỏi nhất thế giới và tiếc nuối vì đã tìm đến trễ, Philippines ra hầu tòa không phải để yêu cầu chủ quyền mà để hỏi xem những gì mà người khác (Trung Quốc) đã làm trên Biển Đông có phù hợp với UNCLOS – Công ước về Luật biển của Liên Hợp Quốc hay không. Chỉ đặt vấn đề như vậy, nhưng Philippines vẫn hồi hộp vì một quy định của Công ước (Điều 288), rằng việc có thẩm quyền để xét xử hay không phải do “chính tòa án (được thành lập theo Công ước) quyết định” và họ đã vỡ òa khi ngày 29/10/2015 tòa này ra phán quyết khẳng định họ có thẩm quyền.
Và như ta đã biết, mặc dù các phán quyết vừa qua của PCA như vấn đề tính pháp lý của đường 9 đoạn, quy chế của các cấu trúc trên Biển Đông… không phải là phán quyết về chủ quyền nhưng Trung Quốc vẫn gân cổ cãi, “không chấp nhận, không thừa nhận, không thi hành”.
Các kiện cáo về chủ quyền cũng có thể đi đường vòng, và còn có thể tìm đến các tòa án khác ngoài PCA như Tòa án quốc tế về Công ước Luật biển (ITLOS), hay tòa cao nhất, Tòa Công lý quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc nhưng đều vướng các chế tài tương tự. Điều quan trọng nữa là Chính phủ có vượt qua được chính mình trong quyết tâm tìm đến công lý? Như thế ta có thể hiểu rằng việc kiện tụng, đưa nhau ra tòa là một việc hoàn toàn không đơn giản, không dễ dàng.

Đàm phán khả thi hơn kiện?

Image copyrightAFP
Image captionTrung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông dựa trên lập trường đi kèm một bản đồ đường chín đoạn (hay đứt đoạt hoặc Lưỡi Bò) ở khu vực tranh chấp này.
Trong khi đó, con đường thương lượng, đàm phán để tìm đến chân lý là khả thi hơn, nhất là sau phán quyết vừa rồi của PCA. Tại sao?
Đối với những tranh chấp đa phương, với thực thể mà nhiều phía nhận quyền sở hữu, sẽ phải theo con đường đàm phán đa phương; còn những tranh chấp song phương thì chẳng thể, chẳng cần thêm vào một bên thứ ba nào khác ngoại trừ đó là quan tòa. Tôi đang nói về Hoàng Sa.
Việt Nam có đủ các căn cứ pháp lý, lịch sử và đã dùng các căn cứ pháp lý, lịch sử ấy để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình đối với quần đảo này. Nhưng do thực tế, Trung Quốc đã cưỡng chiếm Hoàng Sa (từ tay Việt Nam) và đang quản lí quần đảo này, Việt Nam yêu cầu đàm phán, nhiều lần yêu cầu đàm phán. Trung Quốc át giọng bác bỏ, bằng thái độ nước lớn, rằng không có tranh chấp ở đây, không đàm phán. Vấn đề do đó, đã hầu như bế tắc.
Nhưng bế tắc ấy có thể phá vỡ, với những lý do sau đây:
Một, Trung Quốc đã phi lý, sử dụng tiêu chuẩn kép trong tranh chấp chủ quyền. Ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (Đông Hải) trong khi Nhật Bản chiếm giữ thì Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đòi hỏi đàm phán (dù họ chưa từng một ngày hiện diện ở đây). Còn ở Hoàng Sa thì sau khi đánh chiếm quần đảo này từ tay Việt Nam, bồi đắp rồi xây dựng căn cứ ở đấy, Trung Quốc tuyên bố không có tranh chấp và bác bỏ đàm phán.
Hai, Trung Quốc hay nói đến lịch sử thì lịch sử ghi nhận rằng: Năm 1976, khi người đứng đầu nhà nước Việt Nam, ông Lê Duẩn yêu cầu đàm phán về Hoàng Sa thì ông Đặng Tiểu Bình cho rằng lúc đó đang có nhiều việc bận, vấn đề này nên để lại xem xét sau. Cách đề cập như vậy đã gián tiếp thừa nhận có “vấn đề Hoàng Sa” giữa hai nước, điều mà sau này Trung Quốc quay lại bác bỏ.
Ba, phán quyết đưa ra ngày 12/7 của Tòa trọng tài khẳng định “ngư dân Philippines có quyền đánh cá truyền thống ở bãi Scarborough”. Sự khẳng định này là cơ sở quan trọng cho lập lý của Việt Nam, về quyền đánh cá truyền thống của ngư dân mình ở quần đảo Hoàng Sa.

'Không thể không đàm phán'

Image copyrightAP
Image captionPhán quyết của Tòa trọng tài thường trực bất lợi cho Trung Quốc, có lợi cho Philippines và có thể được Việt Nam khai thác có chọn lọc, tùy theo lợi ích, theo giới nghiên cứu.
Không thể không đàm phán về quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù có thể thấy trước là đàm phán sẽ kéo dài, rất dài, thậm chí không có được hồi kết thỏa mãn, nhưng phải đàm phán, vì chính lợi ích rất cụ thể của người dân mình, thay vì chỉ là… (im lặng).
Việt Nam đã tính phải bỏ bớt ngư trường, chuyển đổi nghề cho ngư dân quanh vùng vì vụ Formosa (không phải chỉ vì xả thải độc hại mà vì lầm lẫn lớn hơn là bằng lòng xây một nhà máy thép đồ sộ ở đây).
Còn ở hải phận Hoàng Sa, đã thấy trước cứ tình hình này, ngư dân cũng sẽ không còn nơi đánh cá, kiếm cơm. Ngư trường dân mình thu lại còn bao nhiêu?
Người viết đã từng đề cập không chỉ một lần, trên diễn đàn này (của BBC), việc Việt Nam phải đòi hỏi bằng được một cuộc đàm phán cho Hoàng Sa, chỉ vì trước hết và trên hết là quyền đánh cá của ngư dân mình. Tháng nào cũng vài vụ, một năm mấy chục vụ người dân Hoàng Sa bị bắt, bị cướp (họ gọi là tịch thu) ngư cụ và hải sản đánh bắt được, bị đâm cho chìm thuyền.
Vụ mới nhất, ngày 9/7 vừa rồi, người Trung Quốc ép ngư dân Việt nhảy xuống biển rồi đâm chìm tàu, sau đó còn càn rỡ nói họ đã cứu 5 ngư dân Việt bị tai nạn trong khi hành nghề.
Có ai xúc động, đau đớn trước tình cảnh thống khổ diễn đi tái lại ấy của ngư dân mình? Hỏi đã mấy lần Việt Nam đòi Trung Quốc bồi thường và đã có lần nào họ chịu đáp ứng?
Không ai biết sự phản đối của Việt Nam đến đâu trên thực tế, trong khi người Trung Quốc luôn luôn nhấn mạnh:
“Quan hệ giữa hai nước đi đúng quỹ đạo, giữ vững đại cục, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau...”
Có kiên quyết đòi hỏi và theo đuổi đàm phán hay không là hoàn toàn ở Chính phủ. Có cơ hội nhưng Chính phủ có thực sự quyết tâm không lại là chuyện khác.
Tôi cũng kính trọng những người yêu nước hô hào phải có một vụ kiện. Bằng cách nào, ở đâu, hãy giúp cho Chính phủ. Hay cũng chỉ lên giọng dân túy, chẳng khác mấy một vị quan to đã đem đời con, đời cháu ra thề...
Bài viết thể hiện văn phong và phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế từ Đại học Bình Dương, Việt Nam.

No comments:

Post a Comment