Báo Thanh Niên cho hay, hôm 31 tháng 5, nhà cầm quyền thành phố giao cho Công an phối hợp Sở Giao thông, ủy ban các quận 10, quận Tân Bình... và các cơ quan chức năng có liên quan điều tra các vụ phá hại cây xanh trong thời gian gần đây.
Cây sọ khỉ cổ thụ tại đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 1, nghi bị bức tử bằng hóa chất. ( Hình: Thanh Niên)
|
Theo Sở Giao thông, thời gian qua, việc xâm hại cây xanh đường phố diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp từ việc đốn hạ trái phép; chặt ngang thân, gốc cây hoặc sử dụng hóa chất để đầu độc cây chết dần để buộc phải đốn bỏ.
Điển hình nhất là vụ 2 cây viết và 1 cây sọ khỉ cổ thụ ở đường Cách Mạng Tháng Tám, bị chặt sát gốc và bỏ hóa chất cho chết; 1 cây sọ khỉ khác ở đường Tân Quý, quận Tân Phú bị đốn hạ trái phép, sau đó tự tái lập lại vỉa hè để xóa dấu tích; cây dầu cổ thụ ở đường Hòa Hảo, quận 11 đột ngột héo lá, qua kiểm tra xung quanh gốc cây bị đào xới, đồng thời mùi hóa chất nồng nặc xung quanh gốc cây; cây dầu cổ thụ ở đường Tôn Thất Tùng, quận 1, có dấu hiệu bị đầu độc khi cây xuống lá dần từ ngọn và hiện một nửa tán cây bị khô, héo; 2 cây lim sét trên đường Nguyễn Văn Hưởng, quận 2, bị xuống lá đột ngột, có dấu hiệu bị xâm hại...
Nghiêm trọng hơn, vụ 6 cây me tây liền kề trồng trên vỉa hè ở đường Trường Sơn, quận Tân Bình, đang phát triển tốt, tuy nhiên vào giữa tháng 3 tháng 2016, đồng loạt bị xuống lá và chết dần, trong khi các cây lân cận khác trên tuyến đường vẫn bình thường. Qua kiểm tra phát hiện dưới các gốc cây có mùi hóa chất lạ, kiểng cỏ trồng xung quanh cũng bị héo, chết... buộc phải đốn bỏ cây trồng thay thế cây khác.
Theo ông Trần Thế Kỷ, phó giám đốc Sở Giao thông cho biết, trước khi bị chết, các cây có tán cây phát triển rất xanh tốt nên có phần che khuất các bảng quảng cáo của một công ty quảng cáo được đặt trên đường Trường Sơn. Thế nhưng: "Hiện vẫn chưa thể xác định được cá nhân, tổ chức nào đã cố tình phá hại các cây xanh này", ông Kỷ nói.
Tin cho hay, Sở Giao thông Sài Gòn đã loan tin cho báo chí biết, trước thực trạng báo động này, các đơn vị trực tiếp quản lý cây xanh ở các quận nội thành đều có văn bản gửi chính quyền thành phố đề nghị hỗ trợ, phối hợp điều tra, xử lý, song thường không được cấp trên phản hồi hoặc nếu có thì cũng không có kết quả do không bắt được quả tang. (Tr.N)
31-05-2016 4:40:17 PM
No comments:
Post a Comment