JAKARTA (NV) - Hải quân Indonesia vừa bắn cảnh cáo, buộc một tàu đánh cá của Trung Quốc dừng lại và bắt giữ con tàu này ngay trước mũi những con tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc.
Theo Bộ Chỉ huy Hạm đội phía Tây của Indonesia, ngày 27 tháng 5, hải quân Indonesia phát giác tàu đánh cá Gui Bei Yu 27088 của Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép tại vùng biển quanh quần đảo Natuna, thuộc hải phận Indonesia và thuyền trưởng của Gui Bei Yu 27088 đã cắt bỏ lưới cho tàu tháo chạy.
KRI Oswald Siahaan 354 của hải quân Indonesia - chiến hạm đã bắt tàu đánh cá của Trung Quốc hôm 27 tháng 5. (Hình: The Jakarta Post)
|
Hải quân Indonesia đã bắn cảnh cáo, buộc Gui Bei Yu 27088 phải ngừng lại để tiến hành bắt giữ. Toàn bộ sự kiện này xảy ra trước mũi các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc nhưng lần này, lực lượng hải cảnh Trung Quốc chỉ quan sát chứ không dám làm gì.
Vào ngày 19 tháng 3-2016, hải quân Indonesia từng bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc cũng vì xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển quanh quần đảo Natuna. Ngay sau đó, hai tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã sấn vào, gây áp lực với tàu của hải quân Indonesia để đoạt lại tàu đánh cá đó.
Trước đây, yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông chỉ được xem là xâm hại đến chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan nhưng sau này, Indonesia nhận ra “đường chín đoạn” đe dọa cả chủ quyền của mình tại quần đảo Natuna và bắt đầu lên tiếng phản đối.
Do cả tàu đánh cá lẫn các tàu của lực lượng hải cảnh, chiến hạm của hải quân Trung Quốc đổ đến quần đảo Natuna càng lúc càng nhiều và càng ngày càng thường xuyên, cuối năm ngoái, Indonesia liên tục dọa sẽ đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền đối với vùng biển quanh quần đảo Natuna.
Giữa tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc xác định, chủ quyền quần đảo Natuna thuộc về Indonesia nhưng lại xảy ra sự kiện 19 tháng 3.
Dù cũng là thành viên ASEAN, thậm chí chủ quyền cũng bị yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông xâm hại song Indonesia luôn duy trì “thái độ trung lập”, mặc kệ Việt Nam và Philippines – hai thành viên khác của ASEAN – bị Trung Quốc “ép”. Ngoài yếu tố là đối tác thương mại quan trọng nhất, Trung Quốc còn là quốc gia dẫn đầu về những hứa hẹn liên quan đến cho vay và đầu tư phát triển ở Indonesia. Cũng vì vậy, phản ứng của Indonesia trước sự kiện 19 tháng 3 khiến cả Trung Quốc lẫn cộng đồng quốc tế bất ngờ.
Ngay sau khi xảy ra sự kiện 19 tháng 3, Indonesia triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Indonesia đến để yêu cầu trả lời tại sao Trung Quốc đã xác nhận vùng biển quanh quần đảo Natuna nằm ngoài yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Đông mà tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn xâm nhập khu vực này để đánh bắt trái phép và hải cảnh Trung Quốc lại đứng phía sau, hỗ trợ những hoạt động bất hợp pháp đó (?).
Lối giải thích mà Trung Quốc thường dùng trước phản ứng của các quốc gia khác về việc tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải, đánh bắt hải sản trái phép: Natuna là một trong những “ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc”… khi đem ra dùng với Indonesia giống hệt như bơm thêm dầu vào lửa.
Cuối tháng 3, Hạ viện Indonesia yêu cầu chính phủ Indonesia nhanh chóng xây thêm căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna để tăng khả năng phòng thủ ở miền Trung, nơi tiếp giáp với nhiều quốc gia. Quân đội Indonesia đã điều động bốn đơn vị phòng không đến quần đảo Natuna và đề nghị cấp thêm ngân sách để tăng quân số đồn trú tại quần đảo Natuna từ 1,000 thành 2,000 cùng với việc điều động tám chiến đấu cơ đến quần đảo Natuna.
Đến đầu tháng 4, Indonesia chính thức yêu cầu Trung Quốc giải giao con tàu mà lực lượng hải cảnh Trung Quốc đánh tháo hôm 19 tháng 3.
Đến đầu tháng 4, Indonesia chính thức yêu cầu Trung Quốc giải giao con tàu mà lực lượng hải cảnh Trung Quốc đánh tháo hôm 19 tháng 3.
Giới quan sát thời sự quốc tế cho rằng, việc chính quyền Trung Quốc sử dụng ngư dân nhằm hỗ trợ yêu sách về chủ quyền trên biển và xem tất cả các vùng biển trên thế giới đều là “ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc” đang gây ra nhiều tác hại lớn cho cả chính quyền lẫn ngư dân Trung Quốc.
Số lượng tàu đánh cá của Trung Quốc bị các quốc gia bắt và số ngư dân Trung Quốc bị tống giam đang tăng rất nhanh.
Hôm 27 tháng 5-2016, sau hai giờ rượt đuổi, cảnh sát biển Philippines đã bắt thêm một tàu đánh cá của Trung Quốc và tống giam 10 ngư dân Trung Quốc. Tàu đánh cá này không chỉ xâm nhập hải phận của Philippines để đánh bắt trái phép mà còn đâm vào tàu của cảnh sát biển Philippines khi bị chặn lại.
Lực lượng cảnh sát biển của Philippines đã điều động một tàu khác đuổi theo để bắt cho bằng được tàu đánh cá đó. Cảnh sát biển Philippines đang hành xử rất mạnh mẽ trong việc săn đuổi, bắt giữ các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập hải phận của Philippines để đánh bắt trái phép. Cũng vì vậy, nhiều tàu đánh cá của Trung Quốc đã hạ cờ Trung Quốc, treo cờ Philippines khi xâm nhập hải phận Philippines.
Con tàu đánh cá của Trung Quốc bị bắt hôm 27 tháng 5 và hai tàu đánh cá khác của Trung Quốc, với 25 ngư dân bị cảnh sát biển Philippines bắt hôm 16 tháng 5 đều treo cờ Philippines.
Trước đó một tháng, vào cuối tháng 4, hải quân Indonesia đã bắt một tàu đánh cá của Trung Quốc vừa vì tàu này đánh bắt trái phép trong lãnh hải Indonesia, vừa nhằm thực hiện đề nghị của Văn phòng Interpol tại Argentina. Theo Interpol của Argentina, vào cuối tháng 2, tàu đánh cá đó đã xâm nhập và đánh bắt trái phép trong lãnh hải Argentina. Khi bị cảnh sát biển của Argentina ngăn chặn, nó đã đâm vào tàu của lực lượng cảnh sát biển Argentina để tầu thoát.
Vài năm nay, các tàu đánh cá của Trung Quốc trở thành nổi tiếng khắp thế giới vì thường xuyên đánh bắt trái phép trong lãnh hải của nhiều quốc gia. Đáng lưu ý rằng khi bị ngăn chặn hoặc bị đuổi, chúng thường lao vào tấn công tàu công vụ của chính quyền sở tại để tìm đường thoát.
Đã có lúc, lực lượng thi hành công vụ của nhiều quốc gia phải nhượng bộ tàu đánh cá của Trung Quốc, bởi các hành động cứng rắn có thể dẫn tới nhiều rắc rối trong quan hệ giữa chính quyền của họ với Trung Quốc. Tuy nhiên gần đây, sự thể đã khác. Sau Nhật, tới lượt Nam Hàn nổ súng vào tàu đánh cá của Trung Quốc. Tháng trước, hải cảnh Argentina bắn chìm một tàu đánh cá của Trung Cộng khi nó lao vào tàu của họ.
Ngày 31 tháng 3, Malaysia từng triệu tập Đại sứ Trung Quốc đến để chính thức phản đối việc tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc hộ tống hàng trăm tàu đánh cá của Trung Quốc tràn vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Malaysia cũng đã tung ra một hải đội kèm cảnh cáo sẽ thẳng tay với bất kỳ tàu đánh cá nào xâm nhập hải phận của mình để đánh bắt trái phép.
Cộng đồng quốc tế không còn ngạc nhiên về “ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc” trải rộng đến châu Úc, châu Mỹ, châu Phi. Sự ngạc nhiên đã được thay bằng sự phẫn nộ. Hồi tháng ba, các quốc gia ở châu Phi đã thông qua một tuyên bố, đòi Trung Quốc phải có biện pháp vì ngư dân Trung Quốc đã đổ đến, đánh bắt hơn hai triệu tấn cá ở vùng biển Tây Phi.
Phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đang khiến nhiều ngư dân Trung Quốc lo lắng. Cam kết của chính quyền Trung Quốc về việc sẽ cử các tàu hải cảnh, hải quân hộ tống việc đánh bắt hải sản trên biển không đủ để trấn an họ nữa. Dù một chuyến hải hành được chính quyền hỗ trợ đến 180,000 nhân dân tệ nhưng một vài ngư dân Trung Quốc vừa nói với báo chí Singapore rằng họ đang tìm cách đổi nghề.
Kế hoạch biến ngư dân thành “dân quân trên biển” tham gia vào việc “bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia” của chính quyền Trung Quốc dường như đang lung lay. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment