Hai chiếc tàu nằm trên mặt đất nứt nẻ vì hạn hán tại tỉnh Cà Mau, Việt Nam, ngày 18/4/2016.
VOA-18-04-2016
Một báo cáo mới đây của chính phủ Việt Nam cho hay thiệt hại từ đầu năm đến nay về nông nghiệp do hạn hán và xâm nhập mặn lên đến 250 triệu đôla, gần 70% số đó là ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Hạn hán và xâm nhập mặn làm lĩnh vực nông nghiệp sụt giảm 2,69% trong quý 1 năm 2016 và tăng trưởng kinh tế chung chỉ đạt 5,56%, mức thấp nhất trong 2 năm qua. Chính phủ Việt Nam nói 240 nghìn hectare lúa đã bị hư hại.
Nước mặn vào sâu tới 90 kilomet đã gây thiệt hại cho nhiều vùng trồng trọt ở ĐBSCL, là nơi sản xuất một nửa sản lượng gạo và 60% tôm cá của Việt Nam, nước xuất khẩu gạo nhiều thứ ba thế giới. Đây là mức xâm nhập mặn chưa từng thấy.
Có phần chắc người dân ĐBSCL sẽ phải quen với tình trạng như vậy vì nguồn nước sông Mekong chảy qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang bị các con đập chặn lại.
Ông Dương Văn Nị, một giảng viên tại Đại học Cần Thơ, nói: “Các con đập đang giết chết sông Mekong. Thiếu đất màu là một cái chết không thể tránh khỏi”.
Các nước Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia đang xây hoặc có kế hoạch xây ít nhất 39 đập thủy điện trên dòng sông để đáp ứng nhu cầu phát triển của họ. Riêng ba nước Thái Lan, Campuchia và Lào dự kiến xây 11 đập mới có thể ảnh hưởng đến 82% lượng nước sông Mekong.
Các nhóm môi trường đã tiến hành các chiến dịch vận động trong nhiều năm nhằm dừng việc xây đập song không đạt kết quả gì.
Tổ chức Sông ngòi Quốc tế có trụ sở ở Mỹ nói Trung Quốc “có khả năng kiểm soát tuyệt đối” sông Mekong và “khu vực đang bị giữ làm con tin vì việc phát triển thủy điện”.
Theo Channelnewsasia.com, Scmp.com
No comments:
Post a Comment