Monday, April 18, 2016

Quy chế công tác sinh viên của Bộ GDĐT: Đầy rẫy vi phạm về nhân quyền!

Theo VNTB -19-04-2016
Phương Thảo (VNTB) Bộ Giáo Dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy và quy chế này sẽ có hiệu lực từ ngày 23/05/2016. Gọi là quy chế nhưng thật ra đây là một danh mục dài các hành vi bị cấm đoán trong các trường đại học. Thế nhưng có phải đó chỉ đơn giản chỉ ban lệnh cấm dưới hình thức quy chế? 

Cấm liệu có được?

Quy chế đã nêu rõ các hành vi sinh viên không được làm như: xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm đến thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác. Thế nhưng quy chế lại không có nói đến trường hợp ngược lại khi sinh viên bị đối xử như thế, ai sẽ là người bảo vệ sinh viên khi bị xúc phạm nhân phẩm, danh dự và thân thể? Có sinh viên nào dám lên tiếng khi bị các nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức bị bạo hành bằng ngôn từ, bị quấy rối tình dục và chỉ ngậm bồ hòn làm ngọt cho qua chuyện? 

Gian lận trong học tập và thi cử bị cấm. Học là để thu thập kiến thức cho riêng minh, gian lận chỉ giúp cho đạt điểm thi nhưng kiến thức thì hoàn toàn hổng đó là điều ai cũng hiểu. Nhưng nếu đưa ra một ví dụ gian lận trong thi cử nổi tiếng và vẫn leo lên được chức bộ trưởng Bộ Thương Binh Xã Hội của ông Đào Ngọc Dung thì chẳng có sinh viên nào không muốn gian lận. Cứ gian lận, có bị trừ điểm thì rồi cũng được thăng tiến vù vù. 


Học hộ, thi hộ giờ là một thị trường béo bở cho sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập. Người được học hộ, thi hộ phần lớn là các sinh viên tại chức, liên thông vì công việc hay gia đình không có thời gian theo học đầy đủ theo quy định. Nói đến cấm học hộ, thi hộ có lẽ phải nhớ đến ông Đoàn Văn Hoài - Trưởng Công an xã Mỹ Chánh Tây (huyện Phù Mỹ) bị lừa bằng đại học giả với giá 8 triệu đồng. Thế nhưng người được thuê học hộ mờ mắt vì tiền, ngồi trên lớp một buổi được 100.000 đồng, người đi thuê chỉ tốn chút tiền mà vẫn có bằng để thăng tiến, hai bên cùng có lợi chưa kể trường học vẫn có được sinh viên vậy thì tại sao lại phải cấm? 

Cấm làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp có lẽ cũng nên mách cho các trường học ở nước ngoài bởi trên mạng xã hội cũng nhan nhản quảng cáo của các sinh viên Việt nam nhận viết tiểu luận, khóa luận bằng tiếng anh cho các đồng hương thừa tiền du học nhưng lại thiếu tư duy. Ở đâu có cung thì ở đó có cầu, chỉ cần đánh từ khóa làm hộ tiểu luận thì sẽ có hàng loạt các website nhận dịch vụ làm hộ với giá vài triệu đồng kèm theo cam kết đạt điểm cao, không mắc lỗi sao chép. Có người lại còn cho rằng đây là công việc tiềm năng cho các cử nhân thất nghiệp. Thật tốt quá!

Vậy còn chuyện giám thị, giáo viên làm ngơ cho sinh viên quay cóp để có đủ sinh viên thu nạp vào mỗi năm là việc làm không nên bị cấm? Đương nhiên là không rồi, vì nếu không có sinh viên thì cả trường sẽ bị mất đi thu nhập và chẳng chóng thì chầy sẽ dẫn đến việc các giáo viên, nhân viên của trường bị thất nghiệp. Vì thế cho nên bằng mọi cách phải kiếm cho được sinh viên. Chưa hết việc giáo viên/giảng viên nhận tiền để sửa điểm nâng điểm cũng không nên cấm vì đó là thu nhập của giáo viên và là nhu cầu chính đáng của sinh viên lười nhưng muốn đủ điểm. 

Quy chế phạm luật?

Khi đọc bản Quy chế này lại phải vỗ ngực kêu trời khi ban bệ lập ra bản quy chế này đã vi phạm nặng nề các điều luật nhân quyền của Việt nam và thế giới cũng như hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam. 

Theo quy chế thì sinh viên bị cấm tổ chức hoặc tham gia tụ tập đông người, biểu tình, khiếu kiện trái pháp luật. Việc này đã vi phạm Điều 20 của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền năm 1948 mà VN là thành viên từ năm 1988. Điều 20 nêu rõ mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội, một cách ôn hòa thế nhưng sinh viên lại bị cấm tụ tập đông người. Khoản 3b điều 2 của Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Chính Trị và Dân Sự năm 1966, VN là thành viên từ năm 1982 cũng quy định phải Bảo đảm cho các nạn nhân quyền được khiếu nại tại các cơ quan tư pháp, hành chánh hay lập pháp quốc gia, hay tại các cơ quan có thẩm quyền và phát triển quyền khiếu tố trước toà án.

Ngoài ra sinh viên không đươc phổ biến các tài liệu, ấn phẩm, thông tin phản động, đồi trụy và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước, không được tổ chức, tham gia truyền bá các hoạt động tôn giáo trong cơ sở giáo dục đại học như thành lập, tham gia các hoạt động mang tính chất chính trị trái pháp luật. Đặc biệt, việc đăng tải, bình luận, chia sẻ bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, bạo lực, đồi trụy, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên internet.

Những quy định này đã vi phạm nghiêm trọng Quyền tiếp cận thông tin theo Công ước Aarhus 1998, điều 18 của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền năm 1948 về quyền tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo, điều 19 cũng của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền năm 1948 về tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm cũng như tự do tìm kiếm thu nhận và quảng bá thông tin. 

Thêm vào đó hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam ccũng đã có quy định về quyền khiếu nại tại điều 30, quyền tự do tín ngưỡng ở điều 24, Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình tại điều 25. Như thế chỉ trong một bản quy chế mà bộ Giáo Dục và Đào Tạo không những chỉ vi phạm các quy ước về quyền con người mà con vi phạm một loạt các điều đã được quy định trong hiến pháp. 

Khoản 2, Điều 26 của Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền năm 1948 có quy định rõ Giáo dục phải được điều hướng để phát triển đầy đủ nhân cách, và củng cố sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục phải nhằm cổ vũ sự cảm thông, lòng khoan dung, và tình hữu nghị giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo, và hỗ trợ việc phát triển các sinh hoạt của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình. 


Thế nhưng với một quy chế đầy rẫy các vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền và hiến pháp thì bản quy chế này hoàn toàn không thỏa mãn được yêu cầu phát triển nhân cách, củng cố sự tôn trọng nhân quyền cũng như các quyền tự do căn bản khác. Sinh viên tới trường không được dạy về những kiến thức khoa học, những điều hay lẽ phải mà được dạy về sự gian dối, tiêu cực, thực dụng, hợp pháp hóa sự vi hiến như thế thì đáp án cho câu hỏi về sự xuống cấp xã hội không cần phải đi tìm ở đâu xa.

No comments:

Post a Comment