Tuesday, April 12, 2016

Có nên xé bỏ Hiến pháp ?

04/12/2016 - 02:18 

Trước tiên, tôi xin phép không đồng ý với ông Bùi Quang Vơm, khi trong bài « Vẫn lại chuyện vi hiến » ông cho rằng việc Quốc hội 13 bãi nhiệm gần như toàn bộ chính phủ để bầu chính phủ mới trong kỳ họp cuối cùng của mình là một chuyện tào lao. Tôi không đồng ý, vì nếu coi việc cơ quan lập pháp của một nước vi hiến là chuyện tào lao, nếu coi việc bầu bộ máy lãnh đạo cao cấp nhất của một nước là chuyện tào lao, thì sẽ không còn chuyện gì là quan trọng hết. Vậy còn chuyện gì là không tào lao đây ? Nếu vậy thì tất cả mọi chuyện đều tào lao hết. Chính quan niệm này là một trong những nguyên nhân của những vấn nạn trầm trọng ở Việt Nam ngày nay. Bởi vì, nó dẫn tới chỗ người dân Việt Nam để cho chính phủ muốn làm gì thì làm, không phản ứng, không bày tỏ thái độ, không bày tỏ quan điểm của mình về những việc làm của chính phủ. Và vì thế dân Việt Nam bị cho là dân trí thấp, và bị thế giới chê trách là « dân nào chính phủ ấy ».
Tôi phải trở lại một lần nữa với việc bãi nhiệm và bổ nhiệm của Quốc hội, bởi vì đây là một việc quá quan trọng, quan trọng trên rất nhiều khía cạnh. Việc xác định Quốc hội 13 có vi hiến hay không là một việc tối quan trọng. Một khi cơ quan lập pháp của một quốc gia có các quyết định vi hiến thì có nghĩa là quốc gia đó không phải là một quốc gia được quản lý và điều hành bằng pháp luật.
Mặc dù điều 70 của Hiến pháp quy định Quốc hội có quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức vụ lãnh đạo do Quốc hội bầu và phê chuẩn, mặc dù sau các phản ứng của dư luận chính phủ đã quyết định là để cho Quốc hội khóa 14 bầu lại chính phủ mới, nhưng Quốc hội 13 vẫn không tránh khỏi vi hiến khi bãi nhiệm gần như toàn bộ chính phủ do chính mình bầu lên mà không có một lý do pháp lý nào.
Việc này vi phạm điều 87 và điều 97 của Hiến pháp. Điều 87 quy định : « Nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước. ». Điều 97 quy định : « Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ. »
Theo các quy định này, sau khi Quốc hội 13 giải tán (tức là sau ngày 22/5, khi Quốc hội 14 được bầu xong), Chủ tịch nước và Chính phủ của nhiệm kỳ 2011-2015 sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi Quốc hội khóa 14 họp phiên đầu tiên và bầu xong chính phủ mới của nhiệm kỳ 2016-2021. Nếu không có lý do chính đáng về mặt luật pháp (xin nói thêm rằng trong Hiến pháp 1946, điều 50 còn quy định rõ đối với chức vụ Chủ tịch nước, trong thời gian tại vị người giữ chức vụ này được miễn trừ trách nhiệm trước luật pháp, trừ khi phạm tội phản quốc) thì Quốc hội không thể bãi nhiệm Chủ tịch nước và chính phủ.
Trên thực tế, Quốc hội 13 đã giải tán gần như toàn bộ chính phủ, xin nhắc lại không có lý do về pháp lý, để bầu lên chính phủ mới. Điều cần phải xét tiếp là : nếu việc bãi nhiệm của Quốc hội 13 là vi hiến, thì việc Quốc hội 13 bầu chính phủ mới có hợp pháp hay không ? Câu này cần phải có các chuyên gia luật trả lời.
Quốc hội 13 muốn không vi hiến có lẽ chỉ có một cách duy nhất : xé toạc Hiến pháp, vứt nó xuống sông Hồng, cho nó trôi ra Biển Đông nơi giờ đây đang trở thành ao nhà của Trung Quốc. Có lẽ chỉ còn cách ấy mà thôi.
Thực ra Quốc hội 13 đã tự vứt bỏ Hiến pháp rồi, hãy đọc phát biểu của ông Lê Văn Cuông, đại biểu Quốc hội, trên infonet, ngày 22/3/2016, giải thích lý do vì sao Quốc hội 13 bầu lại chủ tịch nước và chính phủ. Cảm ơn Infonet đã đăng bài này. Đối với Quốc hội 13, hiến pháp không là gì hết, xin trích nguyên văn phát biểu của ông Lê Văn Cuông :
« trao đổi với phóng viên Infonet tối 22/3, ông Lê Văn Cuông, Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12 (Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa) cho biết, việc này đã có tiền lệ từ Quốc hội khóa 11.
Theo ông Lê Văn Cuông, trong nhiệm kỳ của Quốc hội, theo sự phân công của Đảng, vì Đảng lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của đất nước, trong đó có lãnh đạo về công tác nhân sự cho nên công tác cán bộ là công tác của Đảng. Vì vậy, sau Đại hội Đảng, Đảng có sự phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách cơ quan của Đảng, Nhà nước, trong đó có Quốc hội, Chính phủ. Vì thế, vấn đề trên diễn ra bình thường và không có gì là mới hay chưa có tiền lệ.
Ông Lê Văn Cuông cho biết, trước đây thường đến khi bầu Quốc hội khóa mới xong mới kiện toàn bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, từ nay đến thời gian bầu xong Quốc hội khóa 14 xa quá. Do vậy, không thể để có một “khoảng trống quyền lực” được.
Hơn nữa, từ nay đến đó, các đồng chí đứng đầu nhà nước như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng lại không ở trong Ban Chấp hành Trung ương khóa 12, không ở trong Bộ Chính trị thì sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng cũng bị ảnh hưởng. 
Theo ông Lê Văn Cuông, mỗi khi Trung ương họp hay là Bộ Chính trị họp để bàn những vấn đề trọng đại của đất nước liên quan đến công việc của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ mà những đồng chí đứng đầu lại không tham gia và không có ý kiến, không có sự lãnh hội các chủ trương đó để thực hiện thì rất khó. » (Hết trích).
Xé bỏ Hiến pháp đi có lẽ còn tốt hơn là để Hiến pháp, bởi vì nó giúp cho mọi việc trở nên rõ ràng : đây là một quốc gia không có luật. Và như thế thì đỡ phải nói dối. Còn nếu để cho Hiến pháp tồn tại thì Quốc hội sẽ còn phải tiếp tục vi hiến.
Điều 88 bộ luật hình sự kết tội nặng những người mới chỉ « tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ».
Điều 79 bộ luật hình sự kết tội rất nặng những người « hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ». Tức là điều luật này kết tội những người mà nhà nước quy cho là chỉ mới có ý đồ « nhằm » lật đổ chính quyền nhân dân, chứ chưa hề đụng đến được chính quyền, đã bị kết tội rất nặng.
Thế mà, trên thực tế, Quốc hội 13 đã lật đổ cả một chính phủ, vậy có thể xếp hoạt động này vào điều 79 không ? Có thể kết tội Quốc hội 13 không ? Dĩ nhiên, Quốc hội 13 không những chẳng bị kết tội, mà còn được đảng và chính phủ ghi công lớn.
Viết đến đây, tôi không kìm được nỗi xót xa cho những người bị kết tội theo điều 88 và điều 79, những người thuộc « thành phần lương thiện nhất của dân tộc» Việt Nam, và không thể không nhớ lại « Bản yêu sách của nhân dân An nam » của nhóm An Nam yêu nước, trong đó có Nguyễn Ái Quấc, tức là Hồ Chí Minh sau này. Xin dẫn lại 5 trong số 8 yêu sách mà trước đây Hồ Chí Minh sử dụng như là các mục đích để tập hợp người dân An Nam dưới lá cờ của đảng cộng sản, và giờ đây người dân Việt Nam sau hơn 40 năm độc lập vẫn chưa được hưởng:
  1. Ân xá tất cả các tù chính trị bản xứ.
  2. Cải tổ luật pháp Đông dương, bằng cách đảm bảo cho người bản xứ điều kiện về luật pháp như người Châu Âu. Xóa bỏ các tòa án đặc biệt vốn là những công cụ khủng bố và đàn áp thành phần lương thiện nhất của dân tộc An Nam.
  3. Tự do báo chí và tự do tư tưởng.
  4. Tự do lập hội và hội họp.
  5. Thay thế Chế độ pháp lý.
Bao giờ Quốc hội Việt Nam mới cho phép người dân của mình được hưởng những quyền này? Nếu không cho nhân dân của mình hưởng các quyền đương nhiên này thì có lẽ Quốc hội tới đây nên xé bỏ Hiến pháp.
Paris, 12/4/2016
Nguyễn Thị Từ Huy

No comments:

Post a Comment