Tuesday, April 12, 2016

Cuba ‘cần học nhiều từ Việt Nam’

Châu Bảo Nguyễn thực hiện 

Theo BBC-5 giờ trước 

Image copyrightAFP
Image captionCuba và Mỹ đã nối lại quan hệ ngoại giao
“Cuba có thể học tập nhiều từ chính sách của Việt Nam, đặc biệt là công cuộc Đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường, cải thiện khả năng tự cung tự cấp thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tích cực hội nhập quốc tế”.
Ông Thomas Bass, tác giả hai cuốn sách Vietnamerica: The War Comes Home và cuốn The Spy Who Loved Us (về thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn), đã bình luận như vậy về chuyến đi thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam vào tháng 5 năm 2016.
Ông cũng so sánh sự kiện này với chuyến thăm đặc biệt của tổng thống Obama đến Cuba hồi tháng 3/2016 sau 55 năm cắt đứt quan hệ ngoại giao với quốc đảo này.
Nhận xét về ý nghĩa loạt thăm ngoại giao chính thức của tổng thống Obama những tháng đầu năm 2016, ông Bass cho rằng chính quyền Obama muốn ghi dấu ấn ngoại giao của mình bằng việc chuyển hóa mối quan hệ song phương đối với các nước vốn là cựu thù sang quan hệ hữu nghị bạn bè.
Cựu thù ở đây là những nước từng có chiến tranh hoặc có xung đột ý thức hệ với Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay Việt Nam và Cuba đều đang trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế, vì thế đối với Hoa Kỳ họ không còn là kẻ thù mà là đối tác thương mại và bạn đồng minh tiềm năng, ông Bass nói với BBC.

Quan hệ đặc biệt

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Cuba được cho là đặc biệt hiếm có trong quan hệ quốc tế gắn kết trong suốt nửa thế kỷ 20. Điều này xuất phát từ rất nhiều điểm tương đồng giữa hai dân tộc mặc dù nằm ở hai nửa Đông-Tây của địa cầu.
Sau khi thiết lập hòa bình, cả hai đất nước đều chịu cấm vận nặng nề về kinh tế và đóng băng quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ (đối với Việt Nam cho đến năm 1995, và Cuba là đến năm 2015).
Nhà văn Thomas Bass có dịp đến Cuba ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Obama vào tháng 3/2016. Ông cho biết thủ đô Havana được trang hoàng và vỉa hè đường phố được lát lại, đặc biệt là những nơi xe của Tổng thống Obama sẽ đi qua. Tuy nhiên theo quan sát cá nhân, Cuba vẫn đang ở rất xa so với Việt Nam về mặt đổi mới kinh tế, ông Bass nói với BBC.
Image copyrightGetty
Image captionChủ tịch Cuba Raul Castro gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi thăm Việt Nam năm 2012
Trong một thời gian dài, Cuba dừng dần như toàn bộ việc nhập khẩu từ nước ngoài và về cơ bản hòn đảo này vẫn là một nền kinh tế bao cấp tập trung. Điều này nghĩa là những nhu yếu phẩm cơ bản như sữa, trứng, thịt vẫn ở trong tình trạng khan hiếm. Những buổi sáng ra đường, rất dễ bắt gặp người dân xếp hàng dài trước các cửa hàng tạp hóa để đổi những tờ tem phiếu lấy các nhu yếu phẩm cần thiết hàng ngày, ông Bass nói.
Ngoài ra, những tiện ích như wifi cũng không sẵn có vì người dân và khách du lịch phải đến công viên trung tâm và dùng thẻ cào wifi do chính phủ cung cấp. Ngoài ra hầu như tất cả các xe hơi đang hoạt động ở Cuba đều được sản xuất bởi Mỹ từ những năm 30, 40, 50 thế kỷ trước.

TPP: Lạc quan thận trọng

Ông Thomas cho rằng Cuba có thể học tập nhiều từ chính sách của Việt Nam, đặc biệt là chính sách đổi mới nền kinh tế theo hướng thị trường, cải thiện khả năng tự cung tự cấp thực phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tích cực hội nhập quốc tế.
Việt Nam đang tận dụng tốt chiến lược tái cân bằng của Hoa Kỳ nhằm củng cố sự có mặt về ngọai giao và ảnh hưởng của nước này tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương.
Hiện tại Việt Nam là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Trong khi đó, Việt Nam cũng đứng thứ 8 thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng du học sinh tại Mỹ. Mặt khác, lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam ngày càng tăng chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Image copyrightReuters
Image captionViệt Nam đặt nhiều hy vọng vào TPP
Khi so sánh với Cuba, Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm về hội nhập kinh tế. Trong một báo cáo trước đó của viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp đã nêu ra chỉ dấu quan trọng của chính sách đổi mới của Việt Nam xuất phát từ sự theo đuổi quyết liệt đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA) những năm gần đây. Việc này dẫn đến việc Việt Nam đã và đang đàm phán và ký kết gần 15 hiệp định đa phương lẫn song phương về hợp tác thương mại.
Trả lời phỏng vấn của BBC, ông Bass cho rằng Hiệp định Thương mại Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một vấn đề quan trọng trong nghị trình chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama. Tuy nhiên ông cảnh báo rằng mặc dù được xếp loại như một hiệp định thương mại tự do nhưng TPP có thể không “tự do” đến như vậy.
Lý do ông đưa ra là hiệp định TPP khá đồ sộ gồm 30 chương với những điều khoản quản lý phức tạp về thương mại. Trong đó bao gồm một số điều gây nhiều tranh cãi ví dụ như TPP sẽ làm gì đối với giá thành thuốc men.
Ngoài ra theo ý kiến cá nhân, ông Bass cho rằng TPP được thiết kế để xây một ‘bức tường kinh tế’ bao quanh Trung Quốc, cũng là nước chưa ký kết hiệp định này. Chính vì thế nếu TPP có hiệu lực có thể dẫn đến những tác động chiến lược khó dự đoán. Chính Tổng thống Hoa Kỳ ông Obama từng nói TPP nên được coi là một trường hợp “lạc quan thận trọng” (cautiously optimistic).

‘Bị động về ngoại giao’

Nói về chuyến thăm sắp tới đến Việt Nam, ông Bass cho rằng Tổng thống Obama trong bài phát biểu của mình có thể đề cập đến nguyên tắc hợp tác trên cơ sở tôn trọng Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam cũng là một thành viên ký kết.
Theo điều khoản số 19 của Tuyên ngôn này, mọi người đều có quyền tự do tư duy và ngôn luận; bao gồm quyền không bị gây khó khăn vì quan điểm của mình và quyền được tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông và qua mọi biên giới.
Nhận xét về chuyến thăm Cuba trước đó, ông Bass cho rằng Tổng thống Obama đã rơi vào thế bị động khi đối thoại với Chủ tịch Cuba ông Raul Castro về vấn đề Nhân quyền. “Ông Obama cần làm bài tập về nhà của mình,” ông Bass nói ví von.
Điều này bắt nguồn từ video ghi hình buổi họp báo chung giữa ông Obama và ông Castro ngày 21/3 trong khuôn khổ chuyến thăm Cuba. Sau khi phóng viên đặt câu hỏi tại sao Cuba không thả tù nhân chính trị, ông Castro tuyên bố “chúng tôi không có tù nhân chính trị” và nói “hãy đưa cho chúng tôi danh sách tù nhân chính trị chúng tôi sẽ thả họ ngay sáng mai”.
Ông Bass cho rằng nếu lúc đó nếu Tổng thống Obama chuẩn bị và có trong tay danh sách các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, và blogger hiện đang ở tù hoặc quản chế tại gia ở Cuba; thì ông này đã có thể nhân cơ hội đó gây sức ép hiệu quả hơn đến Chủ tịch Raul Castro.
Là một giáo sư và một nhà văn, ông Thomas Bass đã có bằng ưu cử nhân đại học Chicago và tiến sỹ đại học California, Santa Cruz. Ông giảng dạy và viết nhiều sách về lịch sử, văn học thế giới, trong đó có hai quyển về Việt Nam là Vietnamerica: The War Comes Home và đặc biệt là The Spy Who Loved Us về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn.

No comments:

Post a Comment