Tuesday, April 12, 2016

Nợ lương, ngành giáo dục Bạc Liêu chi tiền tỷ in sách…’tự sướng’

Mặc dù không có tiền trả lương giáo viên, phải “cầu cứu” ngân sách nhưng, ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu đã hào phóng bỏ ra số tiền hàng tỷ đồng làm ấn phẩm kỷ yếu của ngành.

Sở GD-ĐT Bạc Liêu đã có văn bản liên kết với Công ty truyền thông Sang Lê thực hiện “chiêu trò” là ấn phẩm kỉ yếu
Điều đáng nói là sau khi cuốn sách trị giá tiền tỷ được phát hành chưa đầy 5 tháng, Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh này lại chuẩn bị thực hiện tiếp ấn phẩm “tự sướng” khác trị giá cao hơn, gây lãng phí không cần thiết và gây bức xúc trong dư luận.
Trước những luồng dư luận trái chiều cho rằng, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu “ép” các trường, phòng giáo dục phải bỏ tiền tham gia vào cuốn sách “Chân dung nhà quản lý” với số tiền lớn. Phóng viênNgười Đưa tin đã ngược về vùng đất đước mệnh danh “công tử Bạc Liêu” xa hoa nhất vùng tìm hiểu thực hư sự việc.
“Sống phải biết trời là ai, đất là ai”
Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hồng Dân cho biết, chuyện đơn vị ông chuẩn bị tham gia cuốn sách “Chân dung nhà quản lý” là có thật. “Chúng tôi đã chọn ra 20 trường trên địa bàn có điều kiện để tham gia cuốn sách vì kinh phí ấn phẩm này là 18 triệu đồng/gương quản lý nên khá tốn kém, không phải đơn vị nào cũng tham gia được”, ông Tuấn thành thật nói.
   Nợ lương, ngành giáo dục Bạc Liêu chi tiền tỷ in sách...'tự sướng' - Ảnh 2
Ấn phẩm do Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trác Văn Đây làm chủ biên và cùng đứng tên biên tập, biên soạn với tác giả Lê Sang. Sách do Công ty TNHH truyền thông Sang Lê thực hiện.
Theo lời của ông Tuấn, trước khi đơn vị ông có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, ông đã xin ý kiến của UBND huyện Hồng Dân và đã được Chủ tịch UBND huyện đồng ý bằng văn bản. Theo đó, kinh phí thực hiện cuốn sách “Chân dung nhà quản lý” được trích 40% tiền học phí thu của học sinh để lại cho trường. Đối với những trường không thu học phí thì tạm ứng từ ngân sách để thực hiện. “Chúng tôi biết bỏ rõ số tiền đó tương đối lớn, gây khó khăn cho các trường, nhưng sống phải biết trời là ai, đất là ai nên chúng tôi phải ‘bóp bụng’ thực hiện”, ông Tuấn buồn rầu nói.
Để làm rõ thực hư sự việc, chúng tôi tiếp tục liên hệ với bà Nguyễn Hồng Hoa – Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân. Bà Hoa cho biết, trước đó, bà nhận được điện thoại từ Sở GD-ĐT nên bà mới ra công văn chấp thuận. “Cứ ngỡ là chỉ tham gia viết bài, giới thiệu trên ấn phẩm nên mới có công văn với mục đích tạo điều kiện cho anh em dễ dàng tiếp xúc, làm việc chớ nào có ngờ viết mỗi cái gương giáo dục mà phải trả đến 18 triệu đồng như vậy”, bà Hoa nói. Theo vị Chủ tịch huyện này, từ khi có dư luận gây lùm xùm vụ việc, bà đã gửi văn bản đính chính văn bản chấp thuận mà bà đã cho ban hành trước đó.
‘‘Cháy nhà …lòi mặt chuột’’
Trước đó, trong ngành giáo dục Bạc Liêu đã xuất hiện một ấn phẩm với tên gọi “Ngành giáo dục đào tạo Bạc Liêu – chặng đường 20 niên học”. Ấn phẩm dày gần 600 trang, do Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trác Văn Đây làm chủ biên và cùng đứng tên biên tập, biên soạn với tác giả Lê Sang. Sách do Công ty TNHH truyền thông Sang Lê (TP.HCM) phát hành. Nội dung cuốn sách này là những bài giới thiệu của những vị trưởng phòng, hiệu trưởng trên 200 trường học trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các phòng GD-ĐT trên địa bàn.
Nợ lương, ngành giáo dục Bạc Liêu chi tiền tỷ in sách...'tự sướng' - Ảnh 3
Văn bản số 661/SGDĐTVP của Sở GD-ĐT về việc phối hợp với Cty TNHH truyền thông Sang Lê thực hiện ấn phẩm là do ông Trác Văn Đây – Phó giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu ký, thúc ép mỗi trường chi vài chục triệu để viết giới thiệu trên kỉ yếu.
Lãnh đạo một số trường học trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cho biết, để có bài đăng trong cuốn sách “kỷ yếu” này, các đơn vị phải chi cho Cty Sang Lê từ 12 – 24 triệu đồng/đơn vị. “Do sở có văn bản chỉ đạo, buộc lòng chúng tôi phải thực hiện, chứ nhà trường làm gì có số tiền lớn ‘tự sướng’ như vậy”, một Hiệu trưởng (đề nghị giấu tên) cay đắng nói.
Mặc dù ai cũng biết công văn số 661/SGDĐTVP của Sở GD-ĐT về việc phối hợp với Cty TNHH truyền thông Sang Lê thực hiện ấn phẩm nêu trên là do ông Trác Văn Đây (Phó giám đốc sở – PV) ký nhưng khi trả lời báo chí, vị phó giám đốc sở này một mực phủ nhận: “Tôi chưa hề gặp mặt Lê Sang, cũng không biết có cuốn sách nào mang tên như vậy”.
Trong khi đó, nhiều cán bộ, giáo viên xác định, ngoài việc ban hành công văn, ông Đây còn liên tiếp điện thoại cho lãnh đạo nhiều đơn vị để ‘thúc” việc thực hiện cuốn ấn phẩm nói trên.
Trao đổi xung quanh vụ việc này, ông Nguyễn Bá Long – Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu đã đề nghị các đơn vị, địa phương ngừng ngay việc tham gia cuốn kỷ yếu “Chân dung nhà quản lý” đồng thời rà soát lại quy trình thực hiện ấn phẩm “Ngành giáo dục và đào tạo Bạc Liêu – chặng đường phát triển trong 20 niên học”…
Ông Hồ Quang Huy – Giám đốc Sở GDĐT Bạc Liêu cũng khẳng định, Sở GD-ĐT không có chủ trương chỉ đạo làm kỷ yếu như thông tin Cty Sang Lê trao đổi với các đơn vị trường học. Theo ông Huy, hiện Sở GD-ĐT tiến hành kiểm tra, rà soát và kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra sơ xuất đối với những cá nhân có liên quan.
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương thông tin cho các bộ quản lý các cấp được biết để kịp thời ngăn chặn, không để tiếp diễn hành vi lừa đảo nói trên, tổ chức kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân vì sao để diễn ra sự cố này, qua đó rút kinh nghiệm quản lý trong thời gian tới; thống kê nội dung số tiền thiệt hại mà Lê Sang đã gây ra cho các đơn vị; số đơn vị trường học bị lừa đảo; đồng thời khẩn trương tổng hợp báo cáo tình hình vụ việc thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý, để gửi về Sở GDĐT trước ngày 8/4…
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Tấn Khương – Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu cho PV Người Đưa tin biết, đang trình thường trực UBND tỉnh, đang chờ ý kiến chỉ đạo để xử lý vụ việc.
Dư luận cho rằng, công tác quản lý ngành giáo dục Bạc Liêu đang có vấn đề. Bởi, người đứng đầu Sở GD-ĐT khẳng định là đơn vị không có chủ trương, nhưng người ký trực tiếp văn bản 661/SGDĐTVP của Sở GD-ĐT là ‘‘sếp phó’’ Trác Văn Đây nói rằng không hề quen biết đối tác là Cty truyền thông Sang Lê, liệu có bất ổn ? Và hành vi này có được xem là dấu hiệu của vi phạm hình sự của hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi”?
12-04-2016

No comments:

Post a Comment