Theo BBC-8 giờ trước
Chỉ hơn một nửa người dân Việt Nam biết tên Thủ tướng Việt Nam năm 2015, Nguyễn Tấn Dũng.
Đây là một phần kết quả khảo sát năm 2015 với 13.995 người ở toàn bộ 63 tỉnh/thành phố Việt Nam, được công bố trong báo cáo PAPI hôm 12/4.
Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), được làm lần đầu từ 2009, là sản phẩm của UNDP, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng.
Chỉ có 56.86% biết tên Thủ tướng, 43.39% biết tên Chủ tịch nước, 28.49% nêu tên Tổng Bí thư, và 21.91% biết tên Chủ tịch Quốc hội.
Theo các tác giả, PAPI được xem là công cụ phản ánh tiếng nói và nguyện vọng của người dân, đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền Việt Nam.
Trong khảo sát, chỉ có 14% biết sẽ diễn ra bầu cử Quốc hội trong năm 2016 và chỉ 11% biết Đại hội Đảng toàn quốc diễn ra vào năm 2016.
61% nói họ biết đi bầu thay, bầu hộ là không hợp pháp, và 39% biết việc cán bộ gợi ý bầu cho ứng cử viên là không hợp pháp.
Đó là một số nội dung trong phần về việc tiếp cận thông tin và tham gia chính trị của người dân Việt Nam.
Truyền hình vẫn là kênh thông tin chính trị phổ biến nhất, với 84% xem tin tức qua tivi.
Việc dựa vào báo chí (19%) và internet (17%) tỏ ra thấp, khi mà tỉ lệ nghe đài vẫn cao hơn (33%).
Bầu cử
Báo cáo nhận xét trong việc đi bầu trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, nam giới, người dân tộc Kinh và thành viên của các tổ chức đảng, đoàn thể có xu hướng đi bầu trực tiếp nhiều hơn so với những người còn lại.
Để huy động người dân tham gia bầu cử và xây dựng chính sách, báo cáo khuyến nghị giảm tính hình thức của hoạt động bầu cử thông qua việc không chấp nhận phiếu bầu thay; triển khai giám sát bầu cử độc lập; đa dạng hóa thành phần ứng cử viên để người dân lựa chọn.
Báo cáo cũng kêu gọi cách không khuyến khích nam giới đi bầu hộ, đồng thời tăng số lượng ứng cử viên đại diện cho phụ nữ và người dân tộc thiểu số để những nhóm dân cư này có thêm lựa chọn và có tiếng nói đại diện.
Trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử Quốc hội ngày 22/5, báo cáo chỉ ra rằng cử tri chỉ có hai tuần giữa ngày ra thông báo tổ chức bầu cử và ngày bầu cử để tìm hiểu thông tin về ứng cử viên. Họ cũng chỉ biết về các ứng viên thông qua lý lịch vắn tắt được niêm yết.
Báo cáo đề nghị Việt Nam đổi mới quy trình bầu cử và cách đưa thông tin về ứng cử viên để thu hút sự quan tâm của cử tri.
No comments:
Post a Comment