Tuesday, February 23, 2016

Trung Quốc xây một loạt radar tối tân ở Trường Sa

WASHINGTON (NV) Không ảnh cho thấy Trung Quốc có thể đang xây dựng một chuỗi những giàn radar tối tân trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa nhằm kiểm soát khu vực Biển Ðông, theo tổ chức CSIS.

Phân tích gia Gregory Poling của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, dựa trên các không ảnh của tổ chức Digital Globe, nói rằng có vẻ Trung Quốc đang thiết lập giàn radar siêu tần số (HF radar) trên đảo nhân tạo Cuarteron Reef (Việt Nam gọi là đá Châu Viên, Trung Quốc gọi là Huayang Jiao - Hoa Dương Tiêu).


Không ảnh đá Châu Viên Cuarteron Reef) với đài radar siêu tần số (HF radar) đang được xây dựng, chụp ngày 24 tháng 1, 2016. (Hình: CSIS/DigitalGlobe)

Ðá Châu Viên là một trong 7 bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1988 nay đã được họ bồi đắp thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ. Hải cảng, phi đạo, các cơ sở quân sự cao tầng đang hoàn thiện hoặc đã hoàn tất.

“Nếu đó là các giàn radar siêu tần số, chúng sẽ giúp Trung Quốc tăng cường rất nhiều cho khả năng kiểm soát tàu bè và máy bay trên Biển Ðông.” Ông Poling nói với báo Washington Post qua điện thư.

“Ðá Châu Viên là điểm hợp lý cho việc thiết lập loại radar này vì nó là bãi đá nằm xa nhất ở phía nam của quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc chiếm cứ. Nghĩa là nó ở vị trí tốt nhất nếu họ muốn cảnh báo sớm về các tàu hay máy bay đến từ phía eo biển Malacca và các vùng khác xa tận phía nam như Singapore.”

“Ðây là sự kiện rất quan trọng trong chiến lược chống xâm nhập của Trung Quốc nhằm giới hạn khả năng đi lại tự do của tàu chiến và máy bay Hoa Kỳ hoạt động trên Biển Ðông, bao gồm cả việc đưa lực lượng xuyên qua Biển Ðông trong trường hợp có khủng hoảng ở đông bắc Á Châu.” Ông Poling viết.

Eo biển Malacca nằm giữa Indonesia và Malaysia là hải lộ quan trọng hàng đầu thế giới với một phần ba hàng hóa thương mại vận chuyển ngang qua đây hàng năm, nối liền Ấn Ðộ Dương với Biển Ðông rồi Thái Bình Dương.

Không ảnh những tháng gần đây cho thấy ít nhất 3 trong 7 đảo nhân tạo của Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa có các phi đạo dài tới 3,000 mét, đủ để cho những phi cơ quân sự lớn nhất của Trung Quốc lên xuống. Giới phân tích thời sự quốc tế nhiều lần báo động Trung Quốc sẽ biến các đảo này thành những căn cứ quân sự quy mô và khổng lồ trên biển để khống chế tòa bộ Biển Ðông. Việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) sớm hay muộn chỉ còn là vấn đề thời gian.

Qua những không ảnh của tổ chức Digital Globe phổ biến qua CISI và báo Washington Post, tương tự như trên đảo nhân tạo Châu Viên, những giàn radar siêu tần số tương tự cũng đang trên đường hoàn tất tại các đảo nhân tạo Gaven Reef (Việt Nam gọi là đá Ga Ven, Trung Quốc gọi là Nanxun Jiao - Nam Huân tiêu), đá ngầm Hughes Reef (Việt Nam gọi là đá Tư Nghĩa, Trung Quốc gọi là Dongmen Jiao - Ðông Môn tiêu), và đá ngầm Johnson South Reef (Việt Nam gọi là đá Gạc Ma, Trung Quốc gọi là Chigua Jiao - Xích Qua tiêu).

Trên đảo nhân tạo Châu Viên, Trung Quốc còn thiết lập một hải đăng cùng với cơ sở và dụng cụ viễn thông vệ tinh, giàn radar và nhiều cơ sở quân sự kiên cố.

Hôm Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016, nhân dịp ngoại trưởng Trung Quốc đến Hoa Kỳ, phát ngôn viên Ngoại Giao Hoa Xuân Oánh bình luận về các lời Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry cáo buộc Bắc Kinh gia tăng quân sự hóa khu vực Biển Ðông khi đem các giàn hỏa tiễn phòng không HQ-9 đến đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa, rằng Mỹ chỉ “làm cho vấn đề Biển Ðông trở thành giật gân” và “thổi phồng sự căng thẳng.”

Dịp này, bà Oánh cũng lập lại lời từng nói trước đây là Mỹ “không nên dính vào chuyện tranh chấp Biển Ðông.” Không có dấu hiệu gì cho thấy Bắc Kinh chậm lại hay dừng lại các hoạt động quân sự hóa của họ ở hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa.

Bà này chống chế rằng Trung Quốc đưa hỏa tiễn phòng không tới Phú Lâm là cần thiết cũng như Mỹ phòng thủ Hawaii. (TN)

02-22-2016 8:35:14 PM 

No comments:

Post a Comment