Tuesday, February 23, 2016

Kinh tế năm con khỉ

Những chuyện khỉ gió năm Bính Thân


Theo Người Việt- 02-22-2016 3:51:56 PM 
Nguyễn-Xuân Nghĩa
Bỗng dưng nhớ đến... Mậu Thân 68!

Năm đó, một tổng thống Hoa Kỳ thấy giấc mơ “cải tạo xã hội” của ông tan ra mây khói và cuộc chiến thừa hưởng từ vị tiền nhiệm lại chuyển từ bại thành liệt khiến quần chúng phẫn nộ mở ra làn sóng mị dân, dưới tên gọi mỹ miều là đại chúng, populist, làm rung chuyển đại hội đảng.

Tổng thống đó là Lyndon B. Johnson. Cuộc chiến đó là Việt Nam. Sự phẫn nộ của quần chúng thổi lên nhân vật phản chiến Eugene McCarthy, làm đảo lộn nghị trình tranh cử của đảng Dân Chủ vào tới sự hỗn loạn trong đại hội đảng tại Chicago.

Hình như là năm Bính Thân này cũng thế, mà hơi trái ngược, vì kinh tế cũng là chính trị!
***

Nói về kinh tế, kề từ năm 1962, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ được bơm thuốc bổ và tăng vọt hơn 80% rồi bể tan tành sau năm 1969 vì nạn vay mượn quá nhiều và đưa kinh tế vào giai đoạn suy trầm, với đỉnh cao là việc chính quyền Richard Nixon thả nổi đồng Mỹ kim từ Tháng Tám năm 1971. Cuộc chiến Việt Nam là một nguyên nhân, nhưng không là tất cả.

Chạy vội qua chuyện kinh tế ngày nay thì Hoa Kỳ còn mắc nợ nhiều hơn nửa thế kỷ trước.

Chánh sách cải tạo xã hội của Tổng Thống Barack Obama và cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo gặp những hạn chế của kế toán quốc gia: bội chi và công trái. Khi Hành pháp bị tê liệt, và còn bị ách tắc từ đảng Cộng Hòa đối lập bên Lập pháp, Ngân Hàng Trung Ương phải một người một ngựa lao vào cứu nguy kinh tế với những biện pháp tiền tệ cực kỳ bất thường.

Ðó là hạ lãi suất tới số không, rồi ba đợt bơm tiền qua phương pháp “quantitative easing” - tăng mức lưu hoạt có định lượng - và cũng lại thổi lên trái bóng cổ phiếu. Giới đầu tư có tài sản thì hài lòng với biện pháp tiền tệ ấy, giới đầu tư cò con muốn lập xí nghiệp kinh doanh thì chết kẹt vì chánh sách cải tạo của Hành pháp. Thành phần trung lưu bất mãn, người nghèo thì phẫn nộ và kết tội các chính khách chuyên nghiệp.

Ấn bản Bính Thân 16 của lập luận mị dân đại chúng Mâu Thân 68 là hai ứng cử viên nổi danh của hai đảng. Bên Dân Chủ, Bernie Sanders là chính khách bất tài có quá khứ thân Cộng nhưng mang dáng vẻ chân thật. Bên Cộng Hòa là tỷ phú Donald Trump, người nói càng sống sượng lại càng được quần chúng ủng hộ! Các ứng cử viên nhiều kinh nghiệm thì bị hoài nghi là giảo hoạt - Hillary Clinton - hay tẻ nhạt, trường hợp của Jeb Bush vừa bỏ cuộc sau nhiều cựu thống đốc tài danh khác!

Chẳng vậy mà vừa bóc tờ lịch Bính Thân, người người đều lo rằng thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sẽ sụt giá nữa, như đã thấy từ đầu năm 2016, và kinh tế Mỹ sẽ lại bị suy trầm. Vậy mà tình hình Hoa Kỳ vẫn có vẻ khá hơn cả, nếu ta không nhìn qua Trung Quốc của Chủ Tịch Tập Cận Bình và những xoay trở khôn nguôi.

Hoặc nhớ đến Âu Châu với Ngân Hàng Trung Ương ECB đã hạ lãi suất tới mức âm, y như ba nước Âu Châu là Thụy Sĩ, Thụy Ðiển và Ðan Mạch. Ðầu năm nay, đến lượt Ngân hàng Trung ương Nhật cũng từ bỏ chánh sách bất thường là áp lãi suất vào số không (ZIRP - Zero Interest Rate Policy) để áp dụng biện pháp còn bất thường hơn, là “lãi suất âm” (NIRP, Negative Interest Rate): nếu ký thác ngoài mức dự trữ pháp định thì bị phạt, phải trả tiền lời.

Khác với kinh tế Mậu Thân 68, khi người ta e sợ lạm phát, kinh tế Bính Thân 16 là khi các nước lo ngại nạn giảm phát, và cần khuyến khích tiêu thụ. Kẹt một nỗi, khi đã mắc nợ quá nhiều thì càng tiêu lại càng tán!
***
Trước hoàn cảnh quá sức bất thường này, ta bình luận thế nào về chuyện kinh tế và chính trị?

Trước hết là nạn khủng hoảng chính trị lan rộng trong nhiều quốc gia khiến các chính quyền bị tê liệt và khó áp dụng biện pháp kích thích kinh tế cổ điển, như tăng chi để kích cầu. Gánh nợ quá lớn chồng chất từ năm 2008 khiến các chính quyền không thể tăng chi mãi mãi theo lòng hào hiệp hay do nhu cầu mua phiếu. Mà giảm chi để phần nào quân bình ngân sách thì bị đả kích là bảo thủ, vô tâm, khắc khổ, và thất cử.

Vì vậy, các chính quyền đều trông chờ vào một định chế độc lập là Ngân Hàng Trung Ương.

Các định chế này cũng áp dụng biện pháp tiền tệ là làm cho tiền nhiều và rẻ tới độ bất thường. Mà vẫn chưa thấy kết quả. Chánh sách kích cầu, nhằm nâng mức cầu, là sở trường của khuynh hướng Keynesian (từ kinh tế gia John Maynard Keynes người Anh), cũng không có tác dụng.

Ngay trong khuynh hướng kinh tế thiên tả ấy, người ta đã thấy có tranh luận về lãi suất. Giới chức hữu trách của hệ thống Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cho rằng nếu tình hình kinh tế có vẻ khả quan hơn - thực tế là chưa - thì họ nên tăng lãi suất. Tháng Mười Hai vừa qua, lãi suất ngắn hạn đã từ số không nhích lên được 25 điểm căn bản (0.25%), rồi cứ nằm im ở đó.

Cũng thuộc lý luận kinh tế thiên tả, các chuyên gia kinh tế Mỹ ngồi ngoài Ngân Hàng Trung Ương thì tiếp tục chủ trương bất thường, là đừng tăng mà nên chuẩn bị hạ lãi suất nữa nếu tình hình thiếu khả quan. Từ 0.25% có khi sẽ trở lại 0% hay còn thấp hơn nữa, như trường hợp Âu Châu và Nhật Bản! Tức là lại đọc thần chú, từ ZIRP về NIRP!

Ai đúng ai sai đây?

Dù chẳng biết gì nhiều về kinh tế học thì ta cũng có thể đoán rằng tình hình chưa mấy khả quan nên giữa hai trường phái của cùng một học thuyết mới có cuộc tranh luận của các thầy thuốc trước con bệnh kinh tế. Nói theo Ðông Y là nên “bổ,” là hạ lãi suất, chứ nếu “tả” là tăng lãi suất thì cả kiến trúc kinh tế tài chánh này sẽ sụp đổ!

Bệnh nhân mà hiểu ra thì tưởng mình đang ở trong nhà thương điên....

Khi ấy, người ta mới thắc mắc, là vì sao giới kinh tế lại không dự đoán nổi tình trạng bất thường ấy, từ những năm 2007-2008 hay 2010-2012? Người viết này có một cách lý giải rất khoa học: giới kinh tế toa rập với các thầy bói, để chứng minh rằng bói toán chính xác hơn kinh tế học!

Chỉ vì kinh tế học không là một khoa học chính xác như vật lý. Vì vậy, nếu chịu khó theo dõi dự báo kinh tế của các tổ chức quốc tế đáng kính nhất, người ta đều thấy chung một nét là quá lạc quan, sau khi đã liên tục điều chỉnh cho bớt nét hoảng tiều. Vì thời lượng có hạn nên xin miễn nhắc tới nhiều dự đoán trật chìa của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân Hàng Thế Giới WB, hay tổ chức OECD, thậm chí của cơ quan CBO tại Hoa Kỳ...

Phụ trách cột mục này, người viết không thể cứ hoài nghi giới chuyên gia mà cũng phải có một lý luận dù chỉ đáng ba xu về tình trạng bất thường tới bi đát ấy.

Mọi sự không xảy ra từ năm Mậu Thân 68 mà gần hơn, từ năm Mậu Tý 2008!

Chúng ta, cả thế giới, chưa ra khỏi cơn chấn động bất ngờ của 2008 và nạn Tổng suy trầm sau đó vào năm 2008-2009. Khi ấy, nếu không hốt hoảng mà nhìn lại thì người ta có thể thấy ra nhiều chuyển động âm thầm mà mạnh mẽ. Người ta không trả nợ mà còn mắc nợ nhiều hơn. Khuynh hướng đẻ con cũng giảm khiến dân số nói chung tăng rất chậm. Ðà gia tăng năng suất từ sau Thế Chiến II cũng chậm dần khiến lợi tức của thành phần trung lưu tăng không kịp thành phần thượng lưu có tiền.

Những định chế rường cột của nền dân chủ, điển hình là các chính trị gia, quốc hội và truyền thông báo chí, đều mất niềm tin của dân chúng và khuynh hướng cực đoan nổi lên từ cả hai cánh tả hữu.

Trong khi ấy, bối cảnh quốc tế là những vụ khủng hoảng liên tục, có hay không có súng nổ. Và riêng Hoa Kỳ thì bị thế giới coi thường và lãnh đạo Hoa Kỳ bị dân Mỹ khinh thường!

Vì vậy, bài này mở đầu với chuyện Mậu Thân và kết thúc với Marx.

Không, không phải Karl Marx mà một nhân vật đáng yêu hơn nhiều. Nghệ sĩ Groucho Marx. Danh hài này có một câu khả dĩ là khẩu hiệu tranh cử cho các chính trị gia Hoa Kỳ năm nay: “Tôi là người cực kỳ tôn trọng nguyên tắc. Nhưng nếu quý vị không đồng ý với nguyên tắc này của tôi thì tôi lại có sẵn nguyên tắc khác...”


Nếu còn sống, Groucho Marx có thể là phát ngôn viên của Bernie Sanders hay Donald Trump. Hay của cả hai. Ai bảo kinh tế học là khoa học u ám?

No comments:

Post a Comment