Tuesday, February 23, 2016

‘Đổi mới không đổi màu’: Nguồn gốc đẻ ra tham nhũng và ‘thế lực thù địch’

Đầu xuân 2016, Trung tướng về hưu Nguyễn Quốc Thước một lần nữa kiên định quan điểm “Đổi mới nhưng dứt khoát không được đổi màu” trong một bài trả lời phỏng vấn báo Giáo Dục Việt Nam.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trên báo Giáo Dục: "Đổi mới nhưng dứt khoát không đổi màu". (Ảnh: Giáo Dục VN)
Ông Thước còn lo ngại về “cơ hội cho các thế lực thù địch chống phá nhà nước ta”.
Cùng với một ít tướng lĩnh quân đội và đại biểu quốc hội, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước được giới quan sát trong nước đánh giá là người có tiếng nói phản biện tương đối mạnh mẽ về các vấn đề chống tham nhũng, xây dựng đảng “trong sạch vững mạnh” và đặc biệt về chủ quyền biển đảo.
Do đó, sự khẳng định lại quan điểm “đổi mới không đổi màu” của ông Thước cũng mang tính đại diện cho một tầng lớp cán bộ hưu trí và đương chức vẫn giữ gần như nguyên vẹn não trạng bảo thủ “còn đảng còn mình”.
Ngược lại, nhiều trí thức phản biện độc lập trong và ngoài Việt Nam đã phân tích về nguồn gốc lớn nhất đẻ ra tệ tham nhũng vô giới hạn trong giới quan chức là chế đội độ đảng. Một khi không ít nhất “cải cách thể chế” và xem xét lại vai trò quá lạc hậu lẫn độc đoán của điều 4 hiến pháp, tham nhũng vẫn tồn tại và cho dù có đến hàng chục Nguyễn Phú Trọng cũng không thể dẹp loạn.
Đáng chú ý, lý luận “đổi mới không đổi màu” đã phát sinh từ sau thời “Đổi mới” của cố tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Đặc biệt sau thời mở cửa kinh tế vào những năm đầu của thập lỷ 90 thuộc thế kỷ XX, đảng Cộng sản bắt đầu nhận ra hệ lụy “ruồi muỗi bay vào nhà”, do đó đã đưa ra khẩu hiệu “Đổi mới không đổi màu”. Phương châm này nhằm chống lại “âm mưu diễn biến hòa bình” của Mỹ và phương Tây muốn biến Việt Nam thành một cuộc cách mạng thay đổi chế độ như ở Liên xô và Đông Âu.
Sau một phần tư thế kỷ từ thời mở cửa kinh tế, sự thật đáng lo ngại là khẩu hiệu “Đổi mới không đổi màu” vẫn hằn sâu trong tư duy và nếp nghĩ của một số cán bộ cao cấp về hưu như tướng Nguyễn Quốc Thước. Nếp hằn này càng có vẻ được củng cố với đà thắng thế gần như tuyệt đối của phe đảng sau đại hội 12 của đảng cầm quyền – diễn ra vào tháng Giêng năm 2016.
Không thể phủ nhận một thực tế là để bảo vệ quyền lực và vị trí lâu dài của mình, nhiều nhóm chính trị và lợi ích kinh tế ở Việt Nam đã dựa vào khẩu hiệu “Đổi mới không đổi màu” để duy trì sự tồn tại của đảng Cộng sản và cả quy chụp, triệt hạ nhau nếu cần. Vài tướng lĩnh dù có thể trong sạch nhưng quá “hồn nhiên” như tướng Nguyễn Quốc Thước đã vô hình trung bị các nhóm lợi ích biến thành bình phong để bảo vệ cho lợi ích nhóm của họ.
Một trong những nhóm lợi ích ghê gớm nhất ở Việt Nam được cho là “sân sau” và có liên quan đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Trong thời gian trước đại hội 12, tướng về hưu Nguyễn Quốc Thước từng bày tỏ khá nhiều về lập trường ủng hộ Thủ tướng Dũng trong phản ứng với Trung cộng. Những phát biểu của tướng Thước có thể khiến một số dư luận cho rằng Thủ tướng Dũng, chứ không phải là Tổng bí thư Trọng hay Chủ tịch nước Sang, mới là nhân vật mang quan điểm “thoát Trung” mạnh nhất.
Tuy nhiên trong thực tế ngoài vài câu nói vu vơ về “”tình hữu nghị viển vông”, Thủ tướng Dũng đã chưa từng có hành động rõ ràng nào phản ứng với Trung cộng – điều tương tự việc ông từng đề cập đến “giương cao ngọn cờ dân chủ” nhưng lại chưa hề làm được điều gì tốt đẹp cho nhân quyền Việt Nam, nếu không muốn nói là ngược lại.
02/22/2016 - 17:10
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment