Mới đây, việc ban hành Thông tư 01/2016 của Bộ Công an đã quy định rằng, từ ngày 15/2/2016, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) được trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc hay các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển phương tiện đã khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ.
Điều này được coi là một hành động vi phạm Hiến pháp (vi hiến) của Bộ Công An, vì thông tư này đã không chỉ mâu thuẫn và trái với quy định tại điều 169, khoản 2 điều 21 của Hiến pháp Sửa đổi 2013, về bí mật thư tín. Mà còn trái với Luật trưng thu, trưng dụng tài sản ngày 3/6/2008 của Quốc hội ban hành. Theo TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã thấy rằng, quyền “trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc...” mà Thông tư này quy định là một thứ “quyền treo”, không thực hiện được vì “cán bộ tuần tra kiểm soát giao thông không có thẩm quyền trưng dụng”.
Sự cần thiết của Tòa án Hiến pháp
Ví dụ nói trên chỉ là một ví dụ trong hàng nghìn, hàng vạn trường hợp các thông tư, nghị định, các văn bản dưới luật vi phạm các quy định của Hiến pháp - văn bản luật pháp cao nhất của một quốc gia. Mà điển hình nhất là việc cưỡng chế đất đai của người dân cho cả “mục đích phát triển kinh tế”, điều đó đã khiến cho việc hình thành một tầng lớp dân oan mất đất đai và tư liệu sản xuất đông đảo và bị đẩy vào bước đường cùng. Trong lúc Hiến pháp quy định chỉ cho phép “vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”, thì Luật Đất đai lại cho phép thu hồi đất . Đây là một việc làm vi hiến rất nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực làm luật cũng vậy, những hành vi vi hiến có thể biểu hiện dưới dạng nhà nước chây ỳ không chịu ban hành luật để công dân thực hiện các quyền đã được hiến định. Như các quyền biểu tình, lập hội, trưng cầu dân ý v.v… như hiện nay. Điều đã khiến cho nhiều quan chức cao cấp của nhà nước phải bức xúc trong thời gian vừa qua.
Theo quy định, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp không có thẩm quyền thụ lý khiếu nại của dân về các vấn để văn bản pháp luật. Vì thế, trong trường hợp người dân thấy một thông tư, nghị định có dấu hiệu trái luật hoặc vi hiến thì họ như đã kể ở trên thì họ phải làm gì? Xin thưa, đó là chức năng của Toà án Hiến pháp, tuy vậy tổ chức bảo vệ Hiến pháp này đến nay vẫn chưa được thiết lập ở Việt nam.
Tòa án Hiến pháp phán quyết về các vi phạm hiến pháp theo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp. Tính độc lập ấy sẽ đảm bảo tính cân bằng trong quan hệ quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Tòa án Hiến pháp một tòa án có liên chủ yếu đến việc bảo vệ Hiến pháp. Sự có mặt của tổ chức này sẽ giúp cho việc hoàn thiện vòng tròn giám sát, đưa luật lên vị trí tối thượng, tạo một nhà nước pháp quyền, không cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào đứng trên pháp luật.
Về nguyên tắc, Tòa án Hiến pháp là nơi xem xét và quyết định các luật do chính quyền ban hành có vi phạm Hiến pháp hay không? Hoặc các luật hay văn bản dưới luật có xung đột với các quyền tự do của công dân do Hiến pháp quy định hay không? Ngoài ra, Tòa án Hiến pháp cũng có trách nhiệm giải thích Hiến pháp hoặc đưa ra phán quyết đối với những tranh chấp về thẩm quyền xét xử và những khiếu nại về hiến pháp. Đặc biệt, Tòa án Hiến pháp còn có quyền giải quyết tranh chấp trong các cuộc bầu cử và trưng cầu ý dân; Xem xét các vấn đề và đưa ra các quyết định tư pháp để buộc tội hoặc giải thể một đảng chính trị; Miễn nhiệm nghị sỹ và cách chức các quan chức cấp cao của Nhà nước; Tham gia luận tội các quan chức cấp cao của nhà nước…
Một khi Tòa án Hiến pháp được thành lập, để đảm bảo các phán quyết của Tòa án này không chịu áp lực hay sự can thiệp của bất kỳ tổ chức và cá nhân nào, thì các thành viên của Tòa án này sẽ được lựa chọn công khai với sự tham gia của các tổ chức và các cá nhân có uy tín tên tuổi và cuối cùng sẽ được Quốc hội phê chuẩn. Các thành viên Thẩm phán Tòa án Hiến pháp sẽ là các luật gia, học giả có tên tuổi và uy tín xã hội đủ để họ công tâm phụng sự đất nước. Đồng thời họ sẽ được ở vị trí đó đến hết đời, với một khoản thù lao thỏa đáng của nhà nước, để đảm bảo họ có điều kiện làm việc và xét xử một cách công tâm các vấn đề liên quan tới Tòa án Hiến pháp. Đặc biệt không ai có quyền tước quyền của họ.
Tại sao Việt nam không có Tòa án Hiến pháp?
Hệ thống tổ chức chính trị ở Việt nam có sự khác biệt và không giống như với các nước khác đang áp dụng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các thiết chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực không có điều kiện đẻ phát huy tác dụng. Chính vì thế, nên việc các cơ quan nhà nước ban hành các văn bản luật hay dưới luật theo lối tùy hứng, không tuân thủ các quy định của Hiến pháp nhưng không bị một cơ quan nào phán xét cả.
Lý do chính cũng bởi nó chịu ảnh hưởng của một hệ thống tổ chức chính trị nhà nước theo trục dọc, với tính thống nhất cao và xuyên suốt, trong đó Đảng CSVN là tổ chức lãnh đạo toàn diện nhà nước trên cả ba hệ thống hành pháp – tư pháp – lập pháp. Đồng thời trong ngành tư pháp, các cơ quan tư pháp cũng tổ chức theo trục dọc từ trung ương đến địa phương, theo nguyên tắc cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng trung ương. Có lẽ đó cũng là lý do khiến ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng "Hiến pháp là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng". Trong khi ở các quốc gia khác trên thế giới thì các chính đảng, dù bất cứ chính đảng nào đi chăng nữa thì quyền lợi của đảng đó cũng không thể lớn hơn một quốc gia và đứng trên Hiến pháp như Việt nam hiện nay. Kể cả việc Đảng CSVN dẫu là tổ chức đảng chính trị duy nhất nắm toàn bộ quyền lực của nhà nước, song theo quy định của điều 4 Hiến pháp đó là “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Từ những lý do trên tạo ra một lỗ hổng lớn, tạo điều kiện cho đảng CSVN đứng trên và đứng ngoài pháp luật, điều này đồng nghĩa với việc đảng CSVN có quyền lực cao nhất nhưng không hề bị ràng buộc và khống chế của một tổ chức có quyền tài phán (phân định phải trái và xử lí theo luật pháp) cần thiết. Đảng lãnh đạo toàn diện mọi mặt trên mọi lĩnh vực kể cả lãnh đạo cả Quốc hội và Chính phủ, tuy vậy nhưng không ai hay tổ chức nào giám sát hoạt động của đảng. Từ những nguyên nhân và các vướng mắc nói trên, cho thấy đòi hỏi cần có một tổ chức của nhà nước hoạt động độc lập, có quyền lực để phân xử và xử lý mọi hành vi trong hoạt động của bất kể tổ chức nào.
Các nhà lập pháp Việt nam cho rằng, chỉ khi nào sự phân lập quyền lực giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp (tam quyền phân lập) thì mới cần thiết có Tòa án Hiến pháp. Theo họ, Tòa án Hiến pháp chỉ cần thiết khi có sự tranh giành quyền lực giữa các đảng phái hay sự xung đột quyền lực giữa 3 nhánh quyền lực nói trên và Tòa án Hiến pháp chủ yếu là để phân định quyền lực của các đảng phái chính trị, phân định quyền lực giữa sự tranh chấp của các nhánh quyền lực. Sự vắng mặt của Tòa án Hiến pháp theo họ, không ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia và lợi ích nhân dân. Chứ không liên quan đến các vấn đề của công dân đối với pháp luật (!?).
Chính vì thế, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền thấy rằng: “Nước ta đặt toàn bộ xã hội và nhà nước dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Chúng ta lại có hệ thống chính trị với rất nhiều tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, chúng ta lại thực hiện dân chủ hóa... thì có cần phải có một bộ máy để phân chia các quyền lực nhà nước hay không khi mà quyền lực ở nước ta là thống nhất và thuộc về nhân dân? Theo nguyên lý đó thì tôi thấy ở nước ta, không cần có tòa án hiến pháp và hội đồng bảo hiến”.
Kết
Trước đây, vào năm 2013 trong qua trình sửa đổi Hiến pháp chủ trương thành lập Hội đồng Hiến pháp đã được đề cập tới. Khi ấy người ta đã bàn luận nhiều về sự cần thiết cần phải có một Tòa án Hiến pháp, nhưng tiếc rằng vấn đề này đã không được quan tâm và đến nay đã không còn ai nhắc đến tổ chức bảo vệ Hiến pháp này nữa.
Trong các tổ chức nhà nước pháp trị, Hiến pháp được coi là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Chính vì thế Hiến pháp phải là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đa số dân chúng và thường được trưng cầu dân ý trước khi đưa vào áp dụng. Đồng thời, nó còn là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất và Hiến pháp phải được viện dẫn trực tiếp, làm căn cứ để phán quyết những hành vi vi hiến trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính vì thế, mọi tổ chức, cá nhân phải coi Hiến pháp là văn bản chính trị pháp lý cao nhất của một quốc gia.
Để bảo vệ tính tối cao của Hiến pháp, thì việc cần có một tổ chức phán quyết các vi phạm hiến pháp của các cơ quan nhà nước như Tòa án Hiến pháp là điều hết sức cần thiết, vì nếu không có sự phán quyết các vi phạm Hiến pháp thì sự có mặt Hiến pháp cũng như không. Chính vì thế, sự có mặt của Tòa án Hiến pháp sẽ là nên tảng để xây dựng một xã hội pháp trị, ở đó không chỉ là mọi công dân hay các tổ chức, mà kể cả các tổ chức nhà nước phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hiến pháp và pháp luật, kể cả trong việc ban hành luật pháp. Khi đó, công dân có quyền làm những điều pháp luật không cấm và các tổ chức nhà nước chỉ được làm những điều pháp luật cho phép.
Trong một xã hội mà luật pháp có cũng như không như ở Việt nam, thì việc có một Tòa án Hiến pháp là một trong những đòi hỏi bức bách và hết sức cần thiết. Điều đó sẽ chấm dứt nạn sử dụng cũng như xây dựng pháp luật một các tùy hứng, vì quyền lợi của nhà cầm quyền, mà những nhà làm luật làm mọi thứ nếu họ muôn bất kể những điều mà Hiến pháp đã quy định. Đó là cơ sở để đảm bảo rằng, Đảng CSVN đảng chính trị hợp pháp duy nhất hiện nay phải hoạt động trong khuôn khổ của luật pháp quy định, như điều 4 của Hiến pháp.
Ngày 23/02/2015
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.
No comments:
Post a Comment