Tuesday, February 16, 2016

Việt Nam ‘thoát Trung’ nhờ các hội nghị như Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN?

Tổng thống Obama đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị 10 nước ASEAN tại Sunnylands, thành phố Rancho Mirage, bang California, ngày 15 tháng 2, 2016.
Tổng thống Obama đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị 10 nước ASEAN tại Sunnylands, thành phố Rancho Mirage, bang California, ngày 15 tháng 2, 2016.
Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN diễn ra trong lúc một số nước thành viên ASEAN đang ở trong giai đoạn chuyển giao quyền lãnh đạo, trong đó có Việt Nam. Ngay cả Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người chủ trì cuộc họp, cũng đang ở vào cuối nhiệm kỳ. Thế nhưng cuộc họp 2 ngày ở Sunnylands, bang California, mà một số chuyên gia đánh giá là chỉ ‘mang tính biểu tượng’, lại là một trong những ‘cơ hội’ để giúp Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, theo nhận định của Giáo sư Tạ Văn Tài của Đại học Harvard, Mỹ. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết qua cuộc phỏng vấn sau đây.
Thượng đỉnh mang tính biểu tượng
VOA: Một số người nhận định hội nghị này mang tính biểu tượng hơn đem lại một kết quả thực sự.
GS. Tạ Văn Tài: Đúng. Cái đó đúng. Biểu tượng là thế này, bởi vì ASEAN là tổ chức quyết định theo ‘đồng thuận’, tức là mọi quyết định là phải mọi người cùng quyết định, nhưng có hai nước ‘sợ Trung Quốc’ là Cambốt và Lào. Họ bị mua chuộc và họ sợ, nên luôn luôn họ ngáng ngay. Khi Campuchia làm chủ tịch hàng năm ASEAN thì họ gạt vấn đề Biển Đông ra khỏi nghị trình, thành ra chẳng bao giờ ASEAN quyết định được vấn đề gì một cách quyết liệt được. Ngay cả việc muốn biến đổi Declaration of Conduct (DOC) - tức tuyên bố về cách hành xử ở Biển Đông, không có tính cách bắt buộc, thành Code of Conduct (COC) – tức bộ luật về ứng xử ở Biển Đông, mà bàn đến bao nhiêu năm nay rồi cũng không biến thành Code of Conduct được. Ông Tàu lên tiếng phản đối, thế là mấy ông nước nhỏ như Lào, Cambốt sợ. Miến Điện ngày xưa sợ, nhưng bây giờ không sợ nữa. Họ hết chế độ quân nhân, họ chán Trung Quốc và bắt đầu đi theo Tây phương. Rõ ràng Trung Quốc càng ngày càng bị cô lập.
Vấn đề ‘thoát Trung’
VOA: Vậy còn nhận định cho rằng thượng đỉnh lần này sẽ không thực sự mang lại kết quả?
GS. Tạ Văn Tài: Nói vậy là bi quan, bởi vì ngoại giao, nguyên vấn đề các nước đồng thuận ký kết một tuyên bố gì, về nguyên tắc, đó là thắng lợi rồi. Tôi nghĩ lần này, ASEAN với Mỹ sẽ tuyên bố những câu có lợi cho lập trường gần Tây phương hơn. Đó là thắng lợi về mặt ngoại giao. Còn họ sẽ bàn về vấn đề mở rộng thương mại trong khu vực ASEAN, trong đó sẽ thu tóm dần và có thể có thêm hội viên vào hiệp ước TPP. Khi làm như vậy, ông Tàu sẽ bị bất lợi về vấn đề kinh tế mà bấy lâu nay ông vẫn khống chế các nền kinh tế Đông Nam Á bằng hàng hóa rẻ, rẻ nhưng hư thối, hỏng, nhất là về Việt Nam. Việt Nam có hy vọng ‘thoát Trung’ được là nhờ những ngoại giao như thế này.
VOA: Giáo sư vừa nói đến việc Việt Nam thoát Trung được hay không là nhờ những hội nghị như thế này…
GS. Tạ Văn Tài: …tức là phải kinh tế độc lập. Vấn đề kinh tế trong nước là không cho ông Tàu tranh độc quyền. Vấn đề ngoại thương thì cần phải mở rộng ra buôn bán với những nước khác, cần gì phải bán hàng sang Trung Quốc. Ông Tàu bây giờ muốn gạ Việt Nam thân với ông để ông đột nhập vào nền kinh tế Việt Nam, đem nguyên liệu, thành phần sản xuất sang Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam, lúc ấy sẽ là hàng Việt Nam để đem sang Hoa Kỳ và các nước thuộc tổ chức TPP để bán dưới hình thức là hàng của Việt Nam, nhưng kỳ thực 70% là nguồn gốc Trung Quốc. Ông định đánh cái lối ‘du kích ngoại thương’, cũng như Việt Nam ngày xưa cũng đánh du kích ngoại thương như vậy khi còn bị cấm vận. Bây giờ ông Tàu cũng chơi trò đó, nhưng Việt Nam khôn ra thì không thèm dùng nguyên liệu của Trung Quốc, tìm nguyên liệu ở các nước khác, sản xuất hàng trong nước Việt Nam và xuất sang các nước TPP. Như vậy mới thoát Trung được.
VOA: Nhưng liệu điều đó có khả thi hay không?
GS. Tạ Văn Tài: Cái đó phải gỡ rối dần dần thôi vì thay đổi nguồn cung cấp, cũng giống như trong thương mại của người dân, mình phải coi xem chỗ nào có đã rồi mình mới đá cái anh cung cấp này đi, tức là phải nghiên cứu thị trường thế giới rất kỹ.
Không ai thương Việt Nam bằng Việt Nam
VOA: Ở những hội nghị như thế này, theo giáo sư, Việt Nam nên có một kế sách khôn ngoan như thế nào?
GS. Tạ Văn Tài: Bao giờ quyền lợi quốc gia cũng phải giữ trong tâm khảm. Cái kim chỉ nam là quyền lợi quốc gia. Không ai thương Việt Nam bằng Việt Nam. Đừng có nghĩ xã hội chủ nghĩa (XHCN) là nó thương XHCN, bởi vì Tàu nói rằng ‘XHCN theo lối Tàu’, tức là họ đã nghĩ đến quyền lợi quốc gia của họ trước hết. Từ mấy đời chủ tịch nước của họ đã nói những câu như vậy thì đừng nghĩ là họ thương Việt Nam vì XHCN. Bây giờ họ có XHCN nữa đâu. Bây giờ họ là tư bản chủ nghĩa trá hình.
VOA: Cám ơn giáo sư rất nhiều.

No comments:

Post a Comment