Linh Phương-09:48 | 16/02/2016
Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ vừa lên tiếng kêu gọi Trung Quốc minh bạch hơn về ý định của họ ở Biển Đông để làm giải tỏa sự quan ngại của cộng đồng quốc tế.
Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ
Phát biểu với các nhà báo tại Singapore hôm 15/2, khi đề cập đến những động thái gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, Phó Đô đốc Aucoin cho biết: “Chúng tôi không chắc họ (Trung Quốc) định làm gì. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tàu, máy bay và tiến hành hoạt động ở những vùng nước này, như chúng tôi vẫn thực hiện từ trước tới nay”.
Chỉ huy Hạm đội 7 cũng khẳng định thêm rằng, phi cơ của Mỹ sẽ vẫn bay trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Các nhà phân tích an ninh Trung Quốc và khu vực đều dự đoán Bắc Kinh sẽ bắt đầu sử dụng các đường băng mới được họ xây dựng phi pháp trên các đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa cho các hoạt động quân sự trong vài tháng tới.
Trước đó, ngay trong những ngày đầu năm 2016, Trung Quốc đã điều nhiều máy bay dân sự cất cánh từ đảo Hải Nam bay và hạ cánh thử nghiệm trên đường băng 3.000 m mới xây xong trên bãi Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Động thái phi pháp này của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại trong các nước láng giềng và nhiều nước khác trên thế giới như Mỹ, Nhật, Anh… về nguy cơ Trung Quốc đang dần quân sự hóa khu vực Biển Đông - nơi có những tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới.
Về khả năng này, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho hay, ông không thể đưa ra dự đoán về thời điểm các máy bay quân sự Trung Quốc bắt đầu hoạt động tại quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, ông Aucoin khẳng định việc Trung Quốc điều phi cơ chiến đấu làm nhiệm vụ tuần tra tại Biển Đông chắc chắn sẽ gây mất ổn định, dù rằng điều này sẽ không thể ngăn chặn được các chuyến bay của Mỹ ở khu vực này.
Từ cuối tháng 10 năm ngoái, Mỹ đã 2 lần điều chiến hạm áp sát các đảo Bắc Kinh yêu sách chủ quyền và cải tạo, bồi lấp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Washington gọi đó là các hoạt động tự do hàng hải (FONOP), trong khi Bắc Kinh tỏ ra giận dữ và gọi đó là hành động khiêu khích.
Tháng 12/2015, Bắc Kinh cũng lên tiếng phàn nàn về việc một phi cơ ném bom B-52 của Mỹ bay sát bãi Đá Châu Viên, một trong những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trái phép tại quần đảo Trường Sa.
Những phi cơ vận tải và do thám khác của Mỹ cũng thường xuyên bay qua Biển Đông. Chiến hạm và tàu dân sự Trung Quốc thường xuyên hăm dọa các chiến hạm Mỹ quanh các đảo nhân tạo, song Aucoin khẳng định quan hệ giữa hải quân hai nước vẫn tích cực.
“Luật quốc tế về Biển đã giúp Trung Quốc trong nhiều năm. Chúng tôi chỉ muốn họ tôn trọng các quyền này để tất cả chúng ta có thể tiếp tục phát triển thịnh vượng”,Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ nhấn mạnh.
Theo Petrotimes.vn
No comments:
Post a Comment