Tuesday, February 16, 2016

17/2/1979 và cuộc chiến trong tôi thời trưởng thành - Phần I

02/16/2016 - 22:03  

Một thời giáo dục và nhận thức
Sau 1975, là một thanh niên mới lớn, tôi thường hay chú ý đến các vấn đề thời sự trong nước và quốc tế qua hệ thống báo chí và truyền thanh. Thuở ấy, nhà nào có cái radio là thuộc diện hiếm hoi. Những bộ đội từ miền Nam về phép hành lý mang theo là con búp bê bằng nhựa và cái khung xe đạp là chính, thỉnh thoảng lắm mới có cái radio phải lên đăng ký ở xã mới được dùng.
Những tin tức từ trong nước đến quốc tế, tất tật đều qua hệ thống tuyên truyền của nhà nước. Thỉnh thoảng, người ta lén nghe đài BBC tiếng Việt như một hành động tội phạm, chẳng may chính quyền bắt được thì đó là một tai họa. Ở các quán nước, hàng ăn, nơi công cộng... người ta vẫn thấy những câu khẩu hiệu đại loại như:
Nghe đài, đọc báo của ta
Chớ nghe đài địch ba hoa nói càn.
Hệ thống báo chí và đài Tiếng nói Việt Nam mấy năm liền sau cuộc chiến 1975, chủ yếu là ca ngợi "thắng lợi vĩ đại" và công ơn đảng.... Đề tài chính là ca ngợi đại hội Đảng, "đưa nghị quyết và cuộc sống", và hô hào "tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng" để "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa xã hội" bằng những cuộc "Cải tạo Công thương nghiệp tư bản, tư doanh" rồi chuyện đánh tư sản mại bản ở miền Nam, chuyện các chiến sỹ, các đội biệt động thành ném bom như không vào nhà hàng Mỹ Cảnh, vào Câu lạc bộ sỹ quan, khách sạn Caravelle, rạp hát Kinh Đô, Sân vận động Cộng Hòa.... (Hình: Vụ biệt động quân tấn công Nhà hàng Mỹ Cảnh)
Những vụ đánh bom, nổ mìn, hạ gục các quan chức chính quyền cũ được mệnh danh là "ác ôn" thi hành bằng lệnh miệng và mìn ném vào xe, với những chiến sỹ thoắt ẩn, thoắt hiện gây ra cảnh máu me lênh láng với những xác người... được kể thành các câu chuyện ly kỳ, rùng rợn và hấp dẫn trên các tờ báo dành cho thanh, thiếu niên như Tiền Phong, Thiếu Niên Tiền phong... Những câu chuyện đó đã lôi cuốn thế hệ thanh niên thời đó được định hướng, mơ ước và lý tưởng hóa các hành động bạo lực mà sau này người ta không thể gọi bằng cái tên nào khác là "Khủng bố". Cũng qua đó, giáo dục cho cả nước lòng căm thù giữa con người với con người chỉ có thể giải quyết bằng bom đạn và súng.
Qua hệ thống đó, những thanh niên mới lớn chúng tôi cứ như thấy trước mắt, cảnh "đồng bào miền Nam đau thương dưới chế độ Mỹ - Ngụy" với muôn vàn bẩn thỉu và sự nghèo khổ của người dân. Chỉ có miền Bắc Xã hội chủ nghĩa là tươi đẹp với một tương lai rạng ngời.
Rạng ngời đến nỗi, khi chúng tôi học cấp 3, các thầy giáo đã bơm vào đầu thanh niên bằng những câu chuyện hoặc có, hoặc không chỉ có Trời mới biết. Thỉnh thoảng, nhà trường còn tổ chức những buổi nói chuyện thời sự hoặc văn thơ cách mạng về đảng, về "bác Hồ". Nếu ngày nay nghe lại những buổi đó, thì cỡ "Giáo sư" Hoàng Chí Bảo ngày nay còn chạy dài.
Chẳng hạn, câu chuyện "bác Hồ" là người tiết kiệm, giản dị vô cùng, ông đã ngồi tỉ mẩn dùng giấy loại, cuộn mẩu bút chì đã mòn đến lúc không thể cầm được nữa, để dùng tiếp được trong vài năm, rồi những hình ảnh "bác" đang tắm và phơi quần áo bằng sào tre được đưa ra để minh chứng. Hay câu chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau khi đi thăm Đông Âu, ông hỏi và được biết giá của mấy quả chuối sau khi ăn trong khách sạn đã về nước tuyên bố rằng: "Sau này, đất nước chúng ta chỉ cần trồng chuối cung cấp cho các nước anh em trong phe XHCN cũng đủ giàu rồi".
Chúng tôi cứ há hốc mồm đọc theo những bài viết, những câu nói của các thầy cô và các cán bộ đến nói chuyện thời sự. Bởi đơn giản như một công thức mà đám Dư luận viên ngày nay đang đóng đinh cố hữu trong đầu rằng: Đã là đảng, thì hẳn nhiên là quang vinh, sáng suốt và tài tình. Đã là "bác" thì đương nhiên là vĩ đại, là cao cả, là giản dị, là thánh nhân.
Chẳng ai đủ kiến thức, hoặc có đủ cũng chẳng ai dám đặt câu hỏi nghi ngờ nội dung những câu chuyện đó, dù bạn có thể suy nghĩ rằng: Tại sao đảng tài tình đến thế mà sau chiến tranh, đất nước dần dần đi vào đói kiệt quệ? Tại sao một người đứng đầu đất nước với trăm công ngàn việc trong nhiệm vụ của mình lại bỏ ra cả đống thời gian vô giá trị chỉ vì một mẩu bút chì không đáng giá nửa xu? Hoặc những hình ảnh "bác" ăn mặc quần áo rách rưới trên rừng, ngồi phơi quần áo trên cái sào tre được đưa lên khắp nơi. Vậy nhưng vào thời đó, những thước phim và thời gian chụp, in tráng, lưu trữ những hình ảnh ấy đáng giá mấy ngàn bộ quần áo đẹp, tại sao không dùng số tiền đó mua cho bác bộ quần áo đẹp nhất thế giới cho đàng hoàng... Hoặc người dân đâu biết đến giá quả chuối ông Thủ tướng ăn trong khách sạn và giá quả chuối người nông dân chênh lệch bao nhiêu.
Tất cả lắng nghe và tin như là một chân lý. Cái chân lý được hình thành bằng sự bào mòn bộ não luôn tiếp nhận các thông tin đó ngày này qua tháng khác từ khi lọt lòng đến khi lìa đời.
Tôi còn nhớ, chỉ duy nhất một lần khi học cấp 3, thầy giáo dạy văn say sưa giảng về "thơ bác" rằng thì là tuyệt vời, là vô giá, là tinh hoa. Nhưng, khi đến hai bài thơ:
“Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết mấy dòng
Hỏi thăm các cháu tỏ lòng nhớ thương."
Lúc đó tôi hỏi lại:
- Thưa thầy, bài thơ này chưa đủ ý, bởi sau bốn câu sau là kết thúc bài thơ. Như vậy "bác viết mấy dòng" là những dòng nào? Và thơ Bác có đúng là hay thật mà bọn em không hiểu, hay là bởi nó là thơ Bác nên... nó hay?
Thầy giáo nhìn tôi như một tội đồ từ trên trời rơi xuống, bởi dám đặt câu hỏi nghi ngờ về những "tinh hoa của bác".
Đến câu chuyện chiến tranh tiếp diễn
Tháng 5/1975, Lê Duẩn, Tổng Bí thư đảng CSVN mạnh miệng tuyên bố rằng: Vĩnh viễn từ nay, đất nước ta sạch bóng quân xâm lược,non sông liền một dải... Trong khi mới trước đó chỉ hơn 1 năm, Hoàng Sa của Việt Nam đã bị bọn bá quyền Trung Quốc đã ngang nhiên dùng vũ lực xâm chiếm.
Thế rồi cả đất nước say sưa với "chiến thắng" và những "thành tích tiến thẳng lên Chủ Nghĩa Xã Hội không qua giai đoạn phát triển Tư bản chủ nghĩa" với những thành tựu kỳ quái như phong trào "Đưa mạ vô sân, đưa dân vô rú" (rú - rừng - Tiếng Nghệ Tĩnh) hoặc "mo cơm, quả cà và tấm lòng Cộng sản đi lên CNXH".... và kết quả là nạn đói kém triền miên kể từ 1978 trở đi.
(Hình: Công trường Vách Bắc - Nghệ An. ngày 3/1/1978 khoảng hơn 100 đoàn viên thanh niên bị đất đá vùi lấp dưới công trình này). 
Những năm sau 1975, hầu như báo chí và hệ thống tuyên truyền ít nói đến "Bộ đội cụ Hồ" hoặc anh chiến sĩ quân đội. Chúng tôi lại quen với sự quên lãng những người lính như vậy để say sưa với nạn thủ dâm chính trị: " Quên hết cực rồi. Trời đất đầy hoa/ Bữa rau muối, mà mặt người rạng rỡ". (Tố Hữu).
Thế rồi, bỗng một đêm, chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam có bài bình luận khá dài, nói về những người lính và "vinh quang" của họ. Nghe bài viết đọc qua máy thu thanh, tôi có cảm giác không bình yên, báo hiệu một thời kỳ thay đổi.
Bắt đầu từ đó, những bài viết về những vụ thảm sát ở biên giới Campuchia, rồi chuyện "Nạn Kiều", rồi việc Trung Quốc cắt viện trợ, rút chuyên gia... liên tục được đưa lên với thái độ ngày càng thù địch rõ ràng giữa những người anh em "môi hở, răng lạnh".
Đặc biệt, những vụ xung đột nảy sinh ngày càng nhiều trên Biên giới phía Bắc ngày càng được đưa tin nhiều hơn.
Trên các tờ báo nhà nước, những bài viết, bình luận... liên tục đưa tin về thái độ của nhà cầm quyền Trung Quốc với biệt danh "Bành trướng, Bá quyền, nước lớn"... được nhắc đi nhắc lại với nhịp độ và tần số ngày càng cao. Nhiều bài báo viết, vẽ châm biếm, tuyên truyền như cái chợ cá.
Cả hai nước, theo đúng truyền thống của tuyên truyền Cộng sản xưa nay, thi đua tặng nhau những biệt hiệu và luôn tự xưng mình là "Cộng sản chân chính" còn bên kia chỉ là giả danh Chủ nghĩa Xã hội, là phản bội mà thôi.
Tiếp theo là những công hàm, bị vong lục, sách trắng... là những ngôn từ mới lạ, được cập nhật liên tục trên hệ thống tuyên truyền.
Tất cả căng thẳng như đang trong trận chiến tuyên truyền dữ dội nhất mà chúng tôi lần đầu thấy trong đời mình giữa hai quốc gia cộng sản mà mới đó thôi, thiếu nhi Việt Nam còn thi nhau hát bài Đông Phương Hồng, hay những câu thơ:
- Việt Nam có bác Hồ
Trung Hoa có bác Mao
Nhi đồng cả hai nước
Yêu hai bác như nhau
Hoặc:
Bên kia bên giới là nhà
Bên ni biên giới, cũng là quê hương.
(Còn tiếp)
Hà Nội, 16/2/2016. Kỷ niệm 37 năm cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Cộng  trên biên giới phía Bắc
J.B Nguyễn Hữu Vinh

No comments:

Post a Comment