Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, vừa một lần nữa hé lộ về “người lao động được quyền lập hội và họ được tự do tham gia một tổ chức hội nào đó mà họ muốn và chính quyền phải chấp nhận” trên báo chí nhà nước.
6 tháng sau khi đoàn đàm phán Việt Nam “hoàn tất đàm phán song phương và đa phương về TPP với các nước”, một trong những điều kiện tiên quyết để được gia nhập TPP là định chế Công đoàn độc lập mới dần được hé lộ trên mặt báo chí nhà nước Việt Nam.
Tuy vậy, ông Nguyễn Đức Kiên vẫn có thể được coi là có đầu óc tiến bộ hơn nhiều so với rất nhiều viên chức khác khi tối thiểu còn nói vài ẩn ý về “Công đoàn cơ sở”, cho dù vẫn chưa dám dùng thẳng cụm từ Công đoàn độc lập.
Vào tháng 9/2015, ông Nguyễn Đức Kiên đã trở thành viênchức đầu tiên (và cho đến nay vẫn là quan chức duy nhất) gián tiếp thông tin về việc Việt Nam chấp nhận Công đoàn độc lập trong một bài trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet.
Trong khi đó, một viên chức khác là ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ công thương và đồng thời là trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam – cho đến nay vẫn không thốt nổi một từ về Công đoàn độc lập, mặc dù định chế này đã được ghi rõ trong bản văn TPP.
Cũng phải mất đến 6 tháng sau khi kết thúc đàm phán TPP, phía Việt Nam mới chịu công bố bản văn tiếng Việt, trong đó có nội dung Công đoàn độc lập. Hành động này chỉ diễn ra sau ngày 4/2/2016 là thời điểm Việt Nam chính thức ký kết TPP tại New Zealand.
Tuy nhiên tính bưng bít truyền thống của nhà nước Việt Nam vẫn hầu như chưa có gì được khai sáng: trong khi vẫn chưa xuất hiện bất cứ cụm từ “Công đoàn độc lập” nào trên miệng giới quan chức và trên mặt báo chí, tất cả đều chỉ nói về “công đoàn cơ sở”, hoặc cùng lắm đề cập về việc “người lao động có quyền thành lập tổ chức của mình”.
Cố tình không công bố thông tin về Công đoàn độc lập không chỉ là một thủ thuật xấu chơi của giới lãnh đạo Việt Nam, mà hành vi này còn vi phạm chính cam kết về việc phải công khai toàn bộ thông tin mà đoàn đàm phán TPP của Việt Nam đã hứa hẹn và ký tá.
Vào cuối năm 2015, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động Tom Malinowski đã cứng rắn chưa từng có: “Chúng tôi có cách làm cho Việt Nam phải tuân thủ những cam kết trong Hiệp định TPP”.
Chưa biết thái độ và hành động của Mỹ sẽ cứng rắn đến mức nào, nhưng trước mắt vẫn là thái độ và hành vi ém nhẹm thông tin về công đoàn độc lập của nhà nước Việt Nam. Điều này phản ánh một thực tế chưa mấy thay đổi, là còn xa nữa mới có thể chứng kiến thái độ được coi là “thành tâm” của nhà nước này đối với các quyền tự do căn bản của công dân, như quyền tự do lập hội, quyền tự do báo chí, tự do biểu tình…
Cũng vào cuối năm 2015, chính quyền và công an Việt Nam đã đàn áp thô bạo những nhà hoạt động công đoàn độc lập là Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức. Vào giữa tháng 12/2015, một nhà hoạt động công đoàn độc lập khác là luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài đã bị Bộ công an bắt giam, cho đến nay vẫn chưa được thả ra dù bị quốc tế lên án nặng nề về hành vi bắt bớ này.
02/16/2016 - 18:50
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment