TÂN AN (NV) - Cuối cùng, tòa án Long An phải hủy kế hoạch đưa Nguyễn Mai Trung Tuấn, 16 tuổi ra xử lưu động khi tổ chức phúc thẩm vụ án này.
Trước đó, dù bị chỉ trích kịch liệt, tòa án Long An vẫn khăng khăng sẽ tổ chức phúc thẩm theo hình thức lưu động (xử ở nơi công cộng để “giáo dục, phòng ngừa, răn đe”).
Nguyễn Mai Trung Tuấn trước tòa án huyện Thạnh Hóa. (Hình: Tuổi Trẻ) |
Gần đây, cả dân chúng, báo giới lẫn nhiều luật sư tại Việt Nam đã yêu cầu hệ thống tòa án chấm dứt hình thức xét xử lưu động vì vi phạm quyền con người, vô nhân đạo và gây ra nhiều hậu quả khó lường. Do bị làm nhục, đã từng có một số bị cáo tự tử. Một số vụ xử lưu động khác trở thành bạo động hoặc vì đám đông phẫn nộ với bị cáo, hoặc vì phẫn nộ với hệ thống tư pháp.
Riêng vụ Nguyễn Mai Trung Tuấn, có nhiều dấu hiệu cho thấy, hệ thống tư pháp ở Long An đã hợp tác với chính quyền tỉnh này trả đũa một đứa trẻ. Sự trả đũa lộ liễu và tàn tệ tới mức, ông Ðinh Văn Quế, cựu chánh án Tòa Hình Sự của Tòa Án Tối Cao Việt Nam, phải khuyến cáo, “Ðừng cố chấp với Nguyễn Mai Trung Tuấn nữa”!
Hồi đầu tháng này, do đuối lý, tòa án tỉnh Long An từng phải hoãn xử phúc thẩm Tuấn. Thiếu niên này bị cáo buộc “cố ý gây thương tích” và từng bị tòa án huyện Thạnh Hóa phạt bốn năm sáu tháng tù.
Ngày 14 tháng 4 năm 2014, gia đình Tuấn - ngụ tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An - và hàng xóm đã liều chết kháng cự đoàn cưỡng chế để bảo vệ nhà, đất của họ.
Trong khi chính quyền giải thích, việc tổ chức cưỡng chế là nhằm có mặt bằng để xây dựng đê bao quanh sông Vàm Cỏ Tây thì dân chúng trong vùng tố cáo, mục tiêu chính của việc giải tỏa nhà, thu hồi đất là nhằm lấy đất xây dựng trung tâm thương mại.
Những người bị giải tỏa nhà, thu hồi đất chỉ được bồi thường 300,000 đồng một mét vuông nhưng khi mua đất tái định cư bên cạnh khu vực bị giải tỏa, họ phải trả 25 triệu đồng cho một mét vuông đất. Cũng vì vậy, năm 2013 tại Thạnh An, đã từng xảy ra xung đột giữa những người bị thu hồi đất với lực lượng cưỡng chế.
Trong lần cưỡng chế thứ hai vào tháng 4 năm 2014, do bị đoàn cưỡng chế bao vây với xe ủi mở đường, gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn và hàng xóm đã tự đốt nhà, kích nổ bình ga, tạt acid vào những viên chức tham gia cưỡng chế.
Công an tỉnh Long An thông báo, sự kháng cự của các nạn nhân đã làm 20 viên chức bị thương và bắt giữ 11 người, trong đó có cả ông ngoại, cha, mẹ, chú, cậu của Tuấn. Những người này bị khởi tố về một trong hai hoặc cả hai tội “Chống người thi hành công vụ” và “Cố ý gây thương tích.” Họ đã bị tòa án huyện Thạnh Hóa đưa ra xử sơ thẩm hồi tháng 9 năm 2015 và tòa án tỉnh Long An đưa ra xử phúc thẩm hồi tháng 11 năm 2015. Tất cả đều bị phạt tù. Ông Nguyễn Trung Can, cha của Tuấn bị phạt ba năm tù. Bà Mai Thị Kim Hương, mẹ của Tuấn bị phạt 3 năm 6 tháng tù. Hai vụ xử sơ thẩm và phúc thẩm đều hạn chế người dự xử. Cả 11 người đều không có luật sư vì họ không có tiền để trả phí luật sư.
Nguyễn Mai Trung Tuấn cũng bị bắt nhưng bị điều tra, truy tố và xét xử riêng với cáo buộc đã trực tiếp tạt acid vào viên trung tá tên là Nguyễn Văn Thủy, trưởng công an xã Thạnh Phú.
Cả dân chúng, báo giới lẫn chín luật sư tình nguyện bào chữa cho Tuấn đều tỏ ra bất bình khi hệ thống tư pháp tỉnh Long An tìm mọi cách để nhốt cho bằng được một thiếu niên, bị coi là phạm tội lúc mới 14 tuổi.
Ðiểm mấu chốt để công an đề nghị truy tố, Viện Kiểm Sát đề nghị phạt tù và tòa án huyện Thạnh Hóa phạt Tuấn 4 năm 6 tháng tù là tỉ lệ thương tật mà Tuấn đã gây ra cho ông Thủy khi tạt acid vào viên trung tá này là 35%.
Tuy nhiên các luật sư đã chứng minh rằng cáo buộc đó thiếu tin cậy. Giấy chứng nhận thương tích của bệnh viện Chợ Rẫy cấp cho ông Thủy khi cấp cứu cho ông này ghi nhận, tỷ lệ thương tích vào lúc cấp cứu cho ông ta chỉ có 16%. Sau đó, Trung Tâm Giám Ðịnh Pháp Y của Sở Y Tế tỉnh Long An “giám định lại” và nâng tỷ lệ thương tật lên 35% mà không mô tả thương tật, không xác định diện tích các vết phỏng, không chụp ảnh lưu hồ sơ để minh họa cho kết luận giám định.
Theo các luật sư, acid mà Tuấn sử dụng đã được pha loãng và tỉ lệ thương tích chưa đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự của Tuấn.
Các luật sư cũng phản đối việc tòa án không triệu tập giám định viên và “nạn nhân” là trưởng công an xã Thạnh Phú để đối chất.
Họ còn yêu cầu thay đổi thẩm phán, chủ tọa phiên xử phúc thẩm, bởi trước đây, khi trả lời phỏng vấn của báo giới về bản án sơ thẩm mà tòa án huyện Thạnh Hóa đã tuyên đối với Tuấn, trong vai trò phó chánh án Tòa án tỉnh Long An, ông ta từng khẳng định, tòa cấp dưới đã “xử đúng người, đúng tội.”
Những luật sư này cho rằng, bởi ông ta từng khẳng định như thế nên khi xử Tuấn, ông ta không thể giữ được sự khách quan mà luật pháp đòi hỏi.
Tuấn đã bị tạm giam hai năm và sẽ tiếp tục bị tạm giam cho đến khi tòa án tỉnh Long An tổ chức phúc thẩm trở lại. Tuy các luật sư đã chứng minh, Tuấn hội đủ yêu cầu để được tại ngoại và đã ba lần đề nghị cho thiếu niên này được tại ngoại nhưng hệ thống tư pháp không đáp ứng.
Gia đình Nguyễn Mai Trung Tuấn có bốn người. Sau khi mất nhà, mất đất, gia đình này có ba người vào tù. Chỉ có một bé gái 11 tuổi tự do nhưng không có nơi nương tựa. (G.Ð)
02-16-2016 1:24:26 PM
No comments:
Post a Comment