Monday, February 1, 2016

Quan hệ Mỹ-Việt thời hậu Nguyễn Tấn Dũng: Tiến hay lùi?

Trọng Nghĩa 
Theo RFI-Ngày 01 tháng hai năm 2016
Ông Nguyễn Phú Trọng (P) và ông Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng 12, Hà Nội, ngày 26/01/2016-REUTERS
Đại Hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã kết thúc hôm 28/01/2016. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được bầu lại ở chức vụ cũ, trong một giàn lãnh đạo mới bao gồm 19 người là ủy viên Bộ Chính Trị. Một trong những điểm được các nhà quan sát rất chú ý là sự kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không còn ở trong ê kíp cầm quyền tại Hà Nội. Quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ- và Trung Quốc- sẽ chuyển biến ra sao ?

Sở dĩ câu hỏi được đặt ra là vì theo nhân định của nhiều nhà phân tích, thủ tướng Việt Nam được đánh giá là một người năng nổ trong chủ trương xích lại gần Mỹ, sẵn sàng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trong lúc tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng thường bị xem là bảo thủ, thậm chí thân Trung Quốc.
Trong bối cảnh chung như kể trên, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, thuộc trường Đại Học George Mason, tiểu bang Virginia-Hoa Kỳ, một nhà quan sát kỳ cựu về bang giao Mỹ- Việt, cho rằng với giàn lãnh đạo mới tại Việt Nam, quan hệ song phương Mỹ-Việt vẫn sẽ tiếp tục đà phát triển như đã thấy trong những năm qua.
Sự tăng tiến này sẽ được thấy cả trong lãnh vực kinh tế, với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được ký kết chính thức và phê chuẩn, ít ra là từ phía Việt Nam, lẫn trong lãnh vực quốc phòng, chiến lược với các hành vi lấn lướt của Trung Quốc tại Biển Đông trong tầm nhắm chung.
« Vì quyền lợi chiến lược, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục tăng cường »
Nguyễn Mạnh Hùng : «Tôi nghĩ rằng vì quyền lợi chiến lược của Việt Nam, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiếp tục tăng cường cả về phương diện kinh tế lẫn quốc phòng. Về kinh tế thì ông Nguyễn Phú Trọng [Tổng bí thư vừa tái đắc cử của Đảng Cộng Sản Việt Nam], trong chuyến đi thăm Mỹ năm 2015, đã hứa rằng Việt Nam sẽ làm 'đủ mọi cách' để tham gia Hiệp ước TPP - Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.
Trong Hội nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng lần thứ 14 [họp hôm 13/1/2016], ông Trọng đã đưa vấn đề này ra. Trung Ương Đảng nhận xét là có những khó khăn trở ngại, nhưng cũng có cái lợi và họ sẵn sàng chấp nhận. Và đã có « đồng thuận rõ rệt » về việc ký kết và phê chuẩn hiệp ước đó.
Như vậy về mặt kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Mỹ qua hiệp ước TPP.
Về chiến lược, nhân chuyến thăm Mỹ vào năm 2015, trong cuộc nói chuyện với các nhà ngoại giao và nhân viên Đại Sứ Quán Việt Nam tại Mỹ, ông Trọng đã tuyên bố rằng Mỹ là 'địa bàn hoạt động cực kỳ quan trọng' của ngoại giao Việt Nam. Chỉ căn cứ vào hai điều trên thì chúng ta thấy là Việt Nam sẽ tiếp tục [phát triển quan hệ với Mỹ]. Cũng nên nhớ là một trong những nhân vật được đề cử làm chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang thì cũng có cuộc viếng thăm Mỹ trước chuyến công du của ông Trọng ».
RFI : Liệu xu thế nghi kỵ Mỹ sẽ có cơ hội vươn lên hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Xu thế, suy nghĩ nghi kỵ Mỹ lúc nào cũng tiềm tàng trong lòng các lãnh đạo Việt Nam, nhưng bảo nó tăng lên thì tôi nghĩ không có, bởi vì tất cả lãnh đạo [chủ chốt] của Việt Nam đều tương đối hiểu Mỹ hơn và đều đã qua thăm Mỹ. Cụ thể là 4 người trong « tứ trụ » của Việt Nam đều đã đi thăm Mỹ trong thời gian qua, và đã tiếp xúc nhiều với phía Mỹ. Tôi không thấy xu thế nghi kỵ Mỹ tăng lên ».
RFI : Có nhà phân tích cho rằng với việc ông Nguyễn Tấn Dũng rút lui, đà xích lại gần Mỹ của Việt Nam có thể chậm lại. Giáo sư nghĩ sao ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Tôi không đồng ý với cách nhìn ấy, như tôi đã nêu hai lý do ở bên trên : vì nhu cầu chiến lược của Việt Nam và sự hiểu biết Mỹ hơn của giới lãnh đạo Việt Nam, họ đều đã đi sang Mỹ thăm dò rồi. Về phương diện kinh tế cũng như chiến lược, đà tăng trưởng [quan hệ] vẫn sẽ tiếp tục ».
« Hợp tác quốc phòng có chiều hướng tăng cường »
RFI : Một cách cụ thể, triển vọng của vấn đề hợp tác quốc phòng có thể ra sao ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Trong chính sách xoay trục của Mỹ qua châu Á, người Mỹ đã nói rõ là họ sẽ tiếp tục tìm cách tăng gia tăng khả năng quốc phòng của các đồng minh và đối tác – Việt Nam nằm trong số các nước đó. Điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ tiếp tục giúp Việt Nam tăng khả năng phòng thủ của mình, theo mức độ mà hai bên có thể đồng ý và cũng tùy thuộc vào sự đóng góp của Việt Nam ».
RFI : Về vấn đề TPP, liệu có thể nẩy sinh những cản lực nào không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Đầu tiên là chúng ta thấy rằng Hội Nghị Trung Ương 14 có sự đồng thuận là sẽ ký kết và phê chuẩn Hiệp ước TPP. Nhưng ngược lại thì bên Mỹ mới ký kết, mà chưa phê chuẩn. Do vậy, một trong những vấn đề đặt ra là Quốc Hội Mỹ có thể nhanh chóng phê chuẩn Hiệp Ước đó hay không. Đó là một dấu hỏi.
Ngoài ra, vấn đề chính là nếu có trở ngại, thì đó nằm trong vấn đề thi hành. Vấn đề thi hành không thể nói là sẽ hoàn toàn suôn sẻ. Bất đồng về chi tiết là điều khó tránh, nhưng không phải không thể giải quyết được ».
RFI : Bất đồng trên những chi tiết nào ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Về quyền người lao động chẳng hạn. Rồi việc có mở đủ cửa để cho cạnh tranh công bằng giữa những xí nghiệp quốc doanh, tư doanh, và xí nghiệp có đầu tư ngoại quốc..».
RFI : Sẽ có trở ngại đến từ khu vực Nhà nước ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Tôi không nghĩ như vậy, bởi vì trước kia, giàn lãnh đạo cũ cũng thế, cũng bảo vệ doanh nghiệp Nhà nước. Những năm tháng gần đây họ mới tìm cách cải tổ các xí nghiệp quốc doanh, nhưng về sự cải tổ đó thì tôi chưa thấy kết quả nào rõ rệt, các xí nghiệp quốc doanh vẫn tiếp tục chi phối nền kinh tế Việt Nam.
« Chính sách Biển Đông của Mỹ cứng rắn hay không tùy thuộc vào sự góp phần của Việt Nam »
RFI : Trên hồ sơ Biển Đông, Mỹ có tiếp tục tỏ thái độ cứng rắn hay không, và liệu Việt Nam sẽ bớt cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Chính sách của Mỹ đã rõ rệt rồi, và cố gắng của họ lên đến mức độ nào lại tùy thuôc vào  đóng góp của các quốc gia Á châu, trong đó có Việt Nam. Tức là nếu các quốc gia Á châu đóng góp một phần nào vào việc phòng thủ chung, thì Mỹ sẽ làm, còn nếu để cho Mỹ hoàn toàn gánh vác, thì họ sẽ không làm. Điều quan trọng là sự tích cực đóng góp như thế nào của các nước Á châu đó.
Còn về phía Việt Nam, thì hành động của họ tùy thuộc vào thái độ và hành động của Trung Quốc. Lãnh đạo của Việt Nam, nhất là ông Trọng, đã bị mang tiếng – có hay không thì không biết, nhưng ít nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng, ông ấy đã bị mang tiếng là thân Trung Quốc rồi – cho nên các lãnh đạo mới khó có thể chấp nhận mình có hình ảnh nhường nhịn, lệ thuộc Trung Quốc ».
RFI : Về ông Nguyễn Phú Trọng, dư luận Mỹ đánh giá sao ? Có người cho rằng ông đã thay đổi, bớt giáo điều hơn trước. Ý kiến Giáo sư như thế nào ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Ở Mỹ chưa có cuộc điều tra dư luận về ông Trọng, cho nên tôi chưa thể nói được điều đó. Còn theo ý riêng của tôi, thì, vì quá trình học hỏi của ông Trọng – ông ấy đỗ tiến sĩ về bảo vệ chủ thuyết - và vì vị thế chính thức là tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, ông Trọng tự nhiên phải có khuynh hướng giáo điều. Tuy nhiên, khi ông ấy đã tuyên bố rằng chủ nghĩa xã hội không biết bao giờ mới xây xong được, thì ông ấy không phải là người mù quáng ».
RFI : Còn về quan hệ đối với Trung Quốc ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Như tôi đã nói, ông Trọng bị mang tiếng là thân Trung Quốc, nhường nhịn Trung Quốc, sợ sệt Trung Quốc, thì sự mang tiếng đó rất nguy hiểm, làm mất uy tín của ông ấy, mất uy tín của Đảng Cộng Sản. Cho nên, nếu Trung Quốc có hành động gì quá trớn, thì chắc chắn ông ấy phải đối phó, bởi vì không thể nào chấp nhận thêm [tiếng xấu], không thể để hình ảnh phá bằng những hành động nhân nhượng, thần phục Trung Quốc. Đó là chuyện họ không thể chấp nhận được ».
Một cử chỉ « đẹp » của Việt Nam nhân Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-ASEAN ?
RFI : Sự kiện Việt Nam có giàn lãnh đạo mới sẽ có ảnh hưởng gì đến Hội nghị Mỹ ASEAN ở California ?
Nguyễn Mạnh Hùng : « Nó chỉ có tạo ra một tình trạng éo le. Hiện nay, Việt Nam mới chỉ có lãnh đạo của Đảng, mà chưa có lãnh đạo của chính phủ, bởi vì ba người – ông Quang, bà Ngân và ông Phúc – chỉ mới được đề nghị thôi. Quốc hội tháng Năm mới họp, và tháng Bảy mới quyết định.
Tình trạng đó có nghĩa là từ giờ đến lúc ấy không có giàn lãnh đạo mới về chính phủ, thành ra, người đi dự Hội Nghị đó và đại diện cho chính phủ Việt Nam, thí dụ ông thủ tướng chẳng hạn, thì ông ấy không còn quyền lực như trước, quyền lực chính thức thì có, nhưng quyền lực thực tiễn thì không !
Đó là một trường hợp éo le, nhưng đó cũng có thể là một cơ hội để ông Dũng rút ra một cách đẹp, chẳng hạn như là Đảng có một sự dàn xếp nào đó để ông ấy có thể đi sang bên Mỹ này, đưa ra những lời tuyên bố hay có động thái nào đặc biệt để tạo ra một « thành quả » cho Việt Nam... để ông ấy ra đi một cách êm thấm ».
RFI : Như vậy chúng ta hãy chờ xem... Xin thành thật cảm ơn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, trường Đại Học George Mason, Hoa Kỳ.
*
Báo mạng Nhật Bản The Diplomat ngày 23/01/2016, có bài nói về điều được cho là Trung Quốc tìm cách tác động đến kết quả Đại Hội đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong bài này, tác giả Shawn W. Crispin nêu bật một số phân tích cho là ông Nguyễn Tấn Dũng là người có xu hướng thiên về quan hệ chặt chẽ với Mỹ, trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng thuộc diện bảo thủ hơn, đồng minh với Trung Quốc về mặt ý thức hệ.
Tuy nhiên, nhìn chung các nhà quan sát đều cho rằng không thể nào nói là với việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rời khỏi chính quyền, quan hệ với Mỹ sẽ gặp trở ngại, trong lúc bang giao với Trung Quốc sẽ dễ dàng hơn.
Hãng tin Mỹ AP ngày 29/01/2016, khi nhận xét về tác động của việc Việt Nam thay đổi một phần lãnh đạo, đã nêu ra một số câu hỏi : « Các cải tổ kinh tế mà thủ tướng Dũng đã thúc đẩy có bị dừng lại không ? Liệu Việt Nam có sẽ lại khấu đầu trước Trung Quốc, quốc gia mà thủ tướng Dũng đã có dấu hiệu kháng lại ? (…) Liệu Việt Nam có sẽ xa lánh Mỹ hay không ? ».
Đối với tất cả câu hỏi trên, hãng AP đều trả lời « không ».
Trong một bài viết về chính trị Việt Nam ngày 29/01/2016, tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review đã ghi nhận thay đổi trong thái độ của ông Nguyễn Phú Trọng đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt từ sau vụ giàn khoan HD-981 : « Vào năm 2014, ông Dũng đã lên tiếng mạnh mẽ chống hành vi xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông… Vào lúc ấy, ông Trọng có vẻ như ngần ngại trong việc chỉ trích Bắc Kinh, làm dấy lên quan ngại rằng ông không tin tưởng lắm vào việc xây dựng liên minh với Mỹ (để chống Trung Quốc ở Biển Đông) như một số lãnh đạo khác mong muốn ».
Tuy nhiên sau đó, theo tác giả bài báo, ông Trọng như đã thấy là cần phải xóa bỏ định kiến của ngày càng nhiều người cho rằng ông thân Trung Quốc và ông đã sử dụng chuyến công du Hoa Kỳ để làm điều đó, và đã tuyên bố ngay tại Mỹ rằng Việt Nam rất mong muốn gia nhập khối Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 nước do Mỹ dẫn đầu.
Một số nhà phân tích khác cũng ghi nhận một dấu hiệu cho thấy là về phương diện ngoại giao, chính sách của Việt Nam sẽ không thay đổi. Đó là sự kiện ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã được bầu vào Bộ Chính Trị. Sự hiện diện của người đứng đầu ngành ngoại giao trong cơ chế trên nguyên tắc là bộ phận lãnh đạo cao nhất của Việt Nam có thể là một bảo đảm cho thấy là đường lối đối ngoại của Việt Nam trước mắt sẽ không thay đổi, kể cả trong quan hệ với Mỹ.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng- Đại học George Mason- Hoa Kỳ-01/02/2016http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160201-quan-he-my-viet-thoi-hau-nguyen-tan-dung-tien-hay-lui#

No comments:

Post a Comment