Theo VOA-01.02.2016
Tháng Giêng tuyết rơi bất thường năm 2016, cuộc chiến “Hai hoa hồng” thời Trung cổ - như một cách ví von khốc liệt giữa phe đảng và phe chính phủ ở Việt Nam, kéo dài từ những năm 2010-2011 cho đến nay, đã chính thức bước vào thì quá khứ.
Điều có vẻ kỳ lạ là người đứng đầu đảng Nguyễn Phú Trọng đã chiến thắng. Không chỉ chiến thắng, ông Trọng còn được tháng Giêng buốt giá tặng cho món quà tái nhiệm tổng bí thư thêm ít nhất vài năm.
Lần đầu tiên kể từ hình ảnh sụt sùi năm 2012, Tổng Bí thư Trọng tìm lại được nụ cười tươi rói của mình.
Chỉ có điều, đó là một chiến thắng quá nhọc nhằn và hao tâm tổn trí. Thêm nữa, đã không có ranh giới phân biệt về màu sắc của Hai hoa hồng trong đảng, trái ngược với hai niềm tin tôn giáo Đỏ và Trắng thời Trung cổ.
Chỉ có lịch sử mới thấm hiểu được chính sự thoái hóa của nó. Thân thế và sự nghiệp của giới chính khách thời nay đã biến mất hoàn toàn đức tin. Chỉ còn lại lợi ích và quyền lực để bảo vệ cho lợi ích ấy.
Ánh mắt tinh quái
Nhìn vào dàn nhân sự mới của Bộ Chính trị Việt Nam, có thể cho rằng giờ đây đã không còn khái niệm “phe đảng” và “phe chính phủ”. Cũng không còn những cái tên thủ lĩnh cá nhân của từng phe như Nguyễn Tấn Dũng hay Trương Tấn Sang.
Giờ đây, chỉ còn duy nhất cái tên Nguyễn Phú Trọng.
Tháng Giêng năm cũ - 2015, cái tên Nguyễn Phú Trọng bị cho là xếp tận thứ 8 trong bảng thăm dò tín nhiệm ủy viên Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương 10. Tại thời điểm đó, có thể ông Trọng đã thầm kín nuốt nước mắt thêm một lần nữa, sau cử chỉ ông phải rút khăn tay lau lệ tại Hội nghị Trung ương 6 vào cuối năm 2012 vì bất lực không thể kỷ luật được “đồng chí X”.
Nhưng nay thì điều kỳ diệu đã đến. Còn hơn cả kỳ diệu vì chỉ một ngày trước khi khai mạc Đại hội XII, Cụ Rùa Hồ Gươm đột ngột từ trần. Cái chết của một linh vật quốc gia lại kéo theo niềm tin xúi quẩy cho cả một chế độ. Khó mà tránh được tâm tưởng phiền não về một sự sụp đổ.
Nhưng ai và cái gì sụp đổ?
Té ra, ngay trước mắt, không phải là Nguyễn Phú Trọng, mà chính là “đồng chí X”.
Sau đó mới là những sụp đổ khác.
Loại được Nguyễn Tấn Dũng là một thành công quá lớn của cá nhân ông Trọng, cho dù vì thế mà các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Tô Huy Rứa đều phải kéo nhau nghỉ. Tất cả quyền lực giờ đây hầu như tập trung vào Nguyễn Phú Trọng.
Có lẽ lần đầu tiên nhiều người mới nhận ra: sau vẻ nho nhã, hiền lành của một ông giáo làng và tính nhẫn nhịn có phần thái quá của một viên chức hàng đầu chế độ, từ mắt ông Trọng ánh lên một tia tinh quái và đắc thắng.
Không, ông không “lú toàn tập” như người đời tưởng. Phẩm chất chính trị là sự hòa nhập thuyết “Sắc - Không” của Nhà Phật, chuyển từ mất thành còn, từ không thành có.
Có thể không quá để cho rằng từ thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, chưa bao giờ quyền lực lại vào tay một tổng bí thư như Nguyễn Phú Trọng đến mức “rất tập trung” - nói theo từ ngữ mà ông Trọng đã dùng để mô tả kết quả bỏ phiếu của Ban Chấp hành Trung ương đối với “tứ trụ” do Tiểu ban nhân sự của ông xướng ra tại Hội nghị Trung ương 14 - như hiện thời.
Giàn giáo được tăng cường. Bên cạnh Tổng Bí thư Trọng hiện thời là những người tương đối gần gũi về quan điểm, địa lý và lý luận như Trần Đại Quang và có thể cả Tô Lâm, Ngô Xuân Lịch và có thể cả Đỗ Bá Tỵ.
Ban Bí thư và các ban đảng cũng được gia cố hơn. Vương Đình Huệ rốt cuộc đã vào được Bộ Chính trị. Phạm Bình Minh cũng thế. Số lượng ủy viên Bộ Chính trị cũng vì vậy tăng lên tới 19, gần bằng Bộ Chính trị của Trung Quốc, cho dù lãnh thổ Việt Nam chỉ bằng 1/30 lần và dân số bằng 1/15 Trung Hoa.
Làm gì để khỏi vô tích sự?
Đông nhưng còn lâu mới tinh là bức tranh có thể nhận ra rõ rệt ở Bộ Chính trị mới của đảng cầm quyền. Mặc dù quân số được tăng cường, nhưng không có bất cứ một khuôn mặt nào khả dĩ mới hơn, và đặc biệt, không có gương mặt nào sáng tạo hơn.
Tất cả vẫn là những khuôn mặt cũ. Tư duy cũ.
Bức tranh trên đã khiến nhiều người trong giới trí thức và giới cán bộ về hưu ở Việt Nam chán ngấy. Đó cũng là lý do khiến cho nhiều người, cho dù không thể đồng thuận với một Nguyễn Tấn Dũng quá nhiều tai tiếng, nhưng sau này lại dồn tình cảm cho ông ta. Đơn giản là người ta đã quá thất vọng về Nguyễn Phú Trọng, cho dù tổng bí thư được tái cử nằm trong số hiếm hoi ủy viên trung ương được xem là “trong sạch”.
Nhưng đạo đức cá nhân không đủ để làm nên chính trị, nhất là trong một nền chính trị mà quan niệm về đạo đức cá nhân chỉ còn là thứ đồ cúng trên bàn thờ.
Tổng Bí thư Trọng đang phải đối diện với một sự thật quá sức trần trụi và rất dễ bị lật đổ ấy. Ông là một cá thể bị đến hai lớp rào cản vây bọc: một từ số đông đồng chí “ăn của dân không chừa thứ gì”; và từ chính não trạng khó bề đổi khác của ông.
Sau 71 năm tồn tại, đảng Cộng sản của Tổng Bí thư Trọng 72 tuổi đang phải đối mặt với một tình thế còn hơn cả nguy cơ ngoại xâm: một cuộc bùng nổ từ núi lửa uất ức dồn nén quá lâu ngày trong lòng dân chúng.
“Có lòng tin là đã đi được nửa đường” - Tổng Bí thư Trọng đôi khi chịu khó trích dẫn lại kinh viện của Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt để làm đẹp lòng phía đối tác Hoa Kỳ, nhất là khi con sói Bắc Kinh vẫn vươn nanh vuốt xuống Hà Nội. Nhưng làm sao để đi được, dù chỉ một phần nhỏ quãng đường sắp tới, khi đảng cộng sản thất thập cổ lai hy của ông đã khiến nhiều người dân mất sạch lòng tin?
Bằng vào vài vụ án nho nhỏ được coi là “chống tham nhũng” chăng? Vậy Nguyễn Phú Trọng sẽ phải làm gì để đập chuột mà chẳng vỡ bình nhưng vẫn làm cho nhân dân quên rằng đảng Cộng sản đã phản bội chính những người đã sinh ra nó?
Và ông Trọng sẽ làm gì để chuyển biến tình thế chỉ còn ngày một ngày hai ấy? Hay vẫn ôm chặt pho kinh viện Mác - Lê của ông cùng “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”?
Khó mà biết được. Quả là chỉ có lòng tin mới chở được núi lớn.
Một vài trí thức như Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy dường như bộc lộ đôi chút hy vọng vào Nguyễn Phú Trọng về một số thay đổi, dù không lớn. Vài người khác cũng kỳ vọng ông Trọng sẽ “lặng lẽ làm cách mạng”.
Quả thật, chưa có gì chắc chắn cho thấy ông Trọng sẽ thay đổi. Dù cơ sở để an ủi là với vài việc ông đã làm vào năm 2015 như chuyến công du đặc biệt đến Mỹ và còn đặc biệt hơn là chấp nhận định chế Công đoàn độc lập, sự đổi thay của ông có đôi chút rõ rệt so với nhiều nhân vật khác hầu như đã rõ là chưa làm gì cả.
Vậy ông Trọng sẽ muốn hoặc phải làm gì trong ít năm tháng còn lại của hoàng hôn nhiệm kỳ?
Hai lần liên tiếp trong vòng một năm, Tổng bí thư Trọng được thỏa mãn thể diện: lần thứ nhất trong cuộc tiếp đón trọng thị tại Washington bởi “cựu thù” Obama, và lần này - gần 100% phiếu thuận của Ban Chấp hành Trung ương mới - như cảm xúc tự hào “tôi không ngờ” thật đến mức khôi hài của chính ông.
Nhưng điều không ngờ đáng tự hào hơn nhiều của một đời chính khách là họ có thể bất ngờ tạo ra được một thành tích ấn tượng nào đó về cuối đời, dù rằng khoảng thời gian trước đó của họ là hoàn toàn vô tích sự.
Thể diện được tô điểm, quyền lực tập trung chưa từng thấy, nhưng đặc biệt nhất là không còn bị vướng cản bởi chính phủ của “đồng chí X” như trước đây, Tổng Bí thư Trọng đang có được cơ hội ấy.
Nhưng với điều kiện là ông phải hành động vì dân, trước khi nghĩ đến “không biết đến thế kỷ này có chủ nghĩa xã hội hay không”. Hành động thực tâm, làm như thể chưa bao giờ được làm, và nhất thiết không được bỏ quên món nợ của cá nhân ông lẫn đảng của ông về dân chủ và nhân quyền cho nhân dân.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment