Theo VNTB -2.2.16
Trúc Mai – Nguyên Bình (VNTB) Có tiếng rao như lời mẹ tôi, như lời chị tôi - Mang quê hương trên đôi vai gầy - Những trái ổi xẻ, những trái me - Đậu phộng luộc, đòn gánh tre - Ai mua, ai không mua, ai mua… (Tiếng rao, sáng tác của Võ Thiện Thanh)
Chiều cuối năm chạnh lòng khi nghe văng vẳng ca sĩ Phương Thanh cất giọng “Tiếng rao” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Một bài hát rất cũ gắn liền với tên tuổi Phương Thanh mà sao nay nghe lại vẫn tràn dâng cảm xúc mới mẻ…
Ai đó đã bức xúc đặt một dấu hỏi to tướng: Nước mắt hàng rong rơi về đâu?. Đồng ý chuyện bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, quanh các trụ sở làm việc của các cơ quan rõ ràng vi phạm luật. Đúng thế, nhưng tại sao bà con mình lại vi phạm? Những người đi bán thường là dân nghèo, vốn ít và học vấn chưa cao (thường do điều kiện từ gia đình không cho phép). Chúng ta giúp dân nghèo nhiều chính sách nhưng xem ra ít ai chú ý đến những bà con nghèo này? Liệu có ai muốn làm những việc phơi sương phơi gió và thức khuya dậy sớm?.
Vậy mà có những người bán rong vỉa hè thuộc tuổi chú bác anh em quản lý trật tự vỉa hè đã bị lấy hàng, rượt đuổi, nặng lời... Rồi có ông tổ trưởng mượn tiền người bán không trả; có anh dân quân trẻ khi tém dẹp đã hất đồ ăn của bà con mình xuống đất rồi nhìn người đáng tuổi bà mình, mẹ mình thách thức... Có tiếng rao sao nghe lạc lỏng giữa phố chiều lao xao - Có tiếng rao nghe xơ xác xanh xao khuất sau hàng phố cao cao - Có phải chị tôi ra đi từng chốn quê nghèo - Có phải mẹ anh bôn ba từ miền Trung xa xôi…
Vậy đó. Người lao động không tay nghề và làm thuê không đủ tiền nên bà con cố bám vào vỉa hè, hàng rong để con ăn học, vì không muốn tương lai con mình như cha mẹ chúng. Bao nhiêu người trong chúng ta đã lớn lên, thành tài từ gánh hàng rong vỉa hè của mẹ, chị... ta?
Sài Gòn trên đường phố, nắng hay mưa, đêm hay ngày, lúc nào cũng vang lên tiếng rao quen thuộc của những gánh hàng rong. Ðiểm tâm thì có gánh bún, gánh xôi, gánh cháo, bánh mì nóng hay ông già đẩy cái xe cọc cạch bán mì, phở hay cháo huyết. Có ai còn nhớ tiếng rao ngọt ngào như món ăn trong gánh hàng rong: “Ai ăn chè đậu xanh, nước dừa, đường cát hôn?”; “Ai ăn vịt lộn không”; “Bắp luộc, bắp nướng đây!”; “Bánh mì nóng giòn mới ra lò...”; “Bánh bò bánh tiêu”; “Bánh gai, bánh giò đê”; “Báo mới đây...”
Những trái ổi xẻ, những trái me - Đậu phộng luộc, đòn gánh tre - Ai mua, ai không mua, ai mua - Chỉ có lũ trẻ - Tí ơi có chua không? - Tèo ơi có đắng không?...
Quê hương với những tiếng rao hàng vẫn còn đó, nhưng ngày nay, vào thời đại văn minh, những tiếng rao hàng đã thay đổi bằng máy những ca khúc “bolero” qua băng casette rồi đến CD. Tội nghiệp cho những giọng ca nổi tiếng ngày nay đi vào lòng quần chúng, trên những xe kẹo kéo, bánh bò, và cả bánh giò, bánh chưng. Nhiều người bán hàng còn trang bị thêm các loại đèn nhấp nháy “hazar light”, “strobe lights” như đèn xe cảnh sát để gây thêm sự chú ý của người mua hàng.
Những tiếng rao hàng phản ánh nếp sống của người dân nghèo khó, bình thường của những người buôn thúng, bán bưng, suốt một đời cực nhọc vì miếng cơm manh áo, nghỉ một ngày là đói một ngày. Có những gánh bún của bà mẹ đã nuôi nổi một đàn con khôn lớn, một mẹt hành, chanh, ớt cũng đủ tiền chợ trong ngày… Còn người muốn ăn quà vặt, còn người muốn mua những món hàng nhỏ đưa đến tận nhà là còn có người bán, người rao hàng.
Với người xa xứ, xuân này nhớ về quê hương Việt Nam trong hồi ức của tiếng rao hàng, những âm thanh đầy kỷ niệm mang theo suốt quảng đời tha hương. Có bao giờ người ta thử trở lại, để khuya nay bất chợt nghe một tiếng rao đêm, vẫn âm thanh ấy không khác chi thuở nào, nhưng nghe như nỗi buồn xa xôi mang theo cả một thời ấu thơ đầy kỷ niệm. Và có nhiều phận người, suốt đời vẫn lam lũ, nhọc nhằn theo chuyện áo cơm.
Có tiếng rao sao nghe lạc lỏng giữa phố chiều lao xao - Có tiếng rao nghe xơ xác xanh xao khuất sau hàng phố cao cao - Có phải chị tôi ra đi từng chốn quê nghèo - Có phải mẹ anh bôn ba từ miền Trung xa xôi - Thôi về đi anh, về đi anh ký túc xá giờ vắng tanh - Tụi nó đã đi cả rồi, lao vào những cuộc chơi - Chỉ còn chúng ta nghẹn ngào chơi vơi…
No comments:
Post a Comment