Monday, February 1, 2016

Ông Tổng bí thư mới và nỗi âu lo của dân chúng

Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-02-01  
000_Hkg10250079
 Ban lãnh đạo mới được bầu hôm 28/1/2016 tại đại hội đảng 12, từ trái qua: Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, TBT Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân -AFP photo
Đại hội đảng cộng sản lần thứ 12 kết thúc, ông Nguyễn Phú Trọng, 72 tuổi được bầu lại làm Tổng bí thư.
Tổng bí thư và buổi họp báo
Tại buổi họp báo sau khi kết thúc hội nghị, ông nói rằng ông rất bất ngờ và cảm động khi được các đồng chí tin tưởng giao cho ông trọng trách Tổng bí thư.
Blogger Lê Tuấn Huy viết rằng Sự "mộc mạc" thật sự từng góp phần giảm uy thế của ông. Nay, sự khiêm nhường giả tạo sẽ góp phần làm mất danh giá của ông.
Người ta hiểu tại sao Lê Tuấn Huy viết rằng sự khiêm nhường giả tạo, vì những lời đồn đãi rằng ông Trọng sẽ là Tổng bí thư đã có rất lâu sau khi đã có sự sắp xếp trong các cuộc họp trung ương đảng trước đó. Ngoài ra việc ông được đề nghị làm Tổng bí thư cũng đã được các viên chức cao cấp của đảng đề cập đến trong những ngày đầu tiên đại hội đảng diễn ra. Vì thế nhiều blogger, trong đó có Lê Tuấn Huy, đã bị bất ngờ khi ông Trọng nói rằng ông bị bất ngờ.
Còn sự mộc mạc mà Lê Tuấn Huy nói đến được hiểu là những phát biểu rất trào lộng, nhưng không hề cố ý của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ vừa qua của ông.
Sự mộc mạc đó có khi được xem là sự thành thật như blogger Nguyễn Thị Từ Huy đánh giá, nhưng có khi lại bị xem là sự kém cỏi thiếu sắc sảo cần thiết của một nhà lãnh đạo.
Sự thiếu sắc sảo đó được Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc cho là một tiêu chuẩn mà người ta chọn lựa Tổng bí thư đảng trong vài chục năm liên tục cho đến nay. Giải thích lý do đó, Giáo sư Quốc cho rằng khi chọn những người như vậy thì sẽ tránh được sự thay đổi, một tâm lý phổ biến của giới cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam. Ông đưa ra dẫn chứng là nhiều đời Tổng bí thư kế tục nhau là các ông Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, và nay là ông Nguyễn Phú Trọng để chứng minh điều đó. Giáo sư Quốc viết tiếp:
Việt Nam đang là nước yếu, yếu về cả kinh tế lẫn chính trị; điều Việt Nam cần nhất, do đó, không phải là giữ nguyên trạng mà phải thay đổi để tiến bộ.
- GS Nguyễn Hưng Quốc
Tâm lý sợ thay đổi ấy đi ngược hẳn lại xu hướng chung của lịch sử và niềm tin chung của mọi người. Việt Nam đang là nước yếu, yếu về cả kinh tế lẫn chính trị; điều Việt Nam cần nhất, do đó, không phải là giữ nguyên trạng mà phải thay đổi để tiến bộ. Sự quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, khi coi sự “ổn định” là tiêu chí quan trọng nhất để chọn lựa người lãnh đạo là một quyết định hoàn toàn sai lầm.
Những quyết định thay đổi phù hợp với xu thế chung của lịch sử mà Giáo sư Quốc đề cập chính là phẩm chất của những nhà lãnh đạo có viễn kiến, mà tác giả Giáp Văn Dương viết trên trang Viet-studies rằng họ khác với những người cầm quyền chỉ biết những quyền lợi của họ. Trong bài viết đó Giáp Văn Dương cho rằng cái Việt Nam cần hiện nay là những nhà lãnh đạo, và tác giả tự hỏi:
Với Việt Nam, câu chuyện về lãnh đạo và cầm quyền là câu chuyện thời sự. Chúng ta đã từng có nhà lãnh đạo, nhưng chưa bao giờ chúng ta thiếu các nhà lãnh đạo như hiện giờ. Nhìn đâu cũng chỉ thấy nhà cầm quyền, ở mọi cấp độ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu chúng ta có tiếp tục cần các nhà cầm quyền? Hiển nhiên là không, chúng ta cần các nhà lãnh đạo chứ không cần các nhà cầm quyền. Nhưng bằng cách nào để có được các nhà lãnh đạo, và làm sao để tạo ra một môi trường để cho nhà lãnh đạo xuất hiện và thực hiện công việc của mình?
Trong buổi họp báo ông Trọng còn nói rằng đảng của ông đang thực hiện dân chủ tập trung để điều hành đất nước Việt Nam, và điều đó theo ông là tốt hơn những nền dân chủ đa nguyên khác.
Cái nhìn về dân chủ của ông khác với blogger Bùi Quang Vơm viết trên trang blog Bà Đầm Xòe. Theo blogger này nền dân chủ thực sự là nền dân chủ đa nguyên và kêu gọi ông Trọng không nên sợ hãi nền dân chủ đó:
Ông sẽ thấy rằng, dân chủ không hề trái với lý tưởng mà có lẽ ông cũng từng cố gắng bằng cách nào đó đem lại cho người dân. Chỉ có điều cái mà ông hình dung có thể mới chỉ là một phần của cái chung theo nhận thức phổ cập.Và Dân chủ sẽ đem lại cho ông vũ khí kiểm soát quyền lực, thông qua độc lập hoá Luật Pháp và độc lập hóa Tư Pháp. Nếu đã có hai đảng tranh quyền, thì đương nhiên các công cụ bạo lực sẽ buộc phải đứng ở trung gian, không thuộc bên nào. Chỉ bắt đầu bằng những việc như vậy, ông sẽ đem lại cái mà ông, nếu đúng như nhiều người hy vọng, từng thực tâm cống hiến.
Có hay không cuộc đấu đá quyền lực?
image-400
TT Nguyễn Tấn Dũng và TBT Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm 25/1/2016. AFP photo
Nhiều người cho rằng đại hội đảng lần thứ 12 này người ta chứng kiến sự đấu đá quyền lực khốc liệt giữa các phe phái, chứ không như các kỳ đại hội trước. Một trong những người nhận thấy điều đó là blogger Song Chi, khi bà viết nhận xét thứ hai của mình về đại hội lần này của đảng cộng sản rằng Một đại hội mà sự chia rẽ đã trở nên vô cùng nghiêm trọng, đấu đá nhau không chút khoan nhượng.
Song blogger nhà báo Đoan Trang, trong bài Chính trị xưa và nay, nói rằng sở dĩ người ta thấy như vậy thì thời đại thông tin mà chúng ta đang sống, chứ việc tranh giành quyền lực thì không hề khác.
Và theo blogger Viết từ Sài gòn thì sự đấu đá quyền lực khốc liệt ấy lần này lại được dàn dựng thành một vở tuồng rất công phu, đến nỗi khán giả, là số đông dân chúng Việt Nam, theo dõi thời sự qua báo chí chính thống, không biết đâu là thật đâu là giả, đâu là sự căm ghét và thù hận đằng sau sân khấu chính trị Việt Nam.
Việc đấu đá tranh giành quyền lực của đảng cộng sản được Nguyễn Quang Dy, viết trên trang Viet-Studies rằng cũng giống như ở Trung Quốc, là một trò chơi cực đoan và bạo liệt, vì họ không từ một thủ đoạn nào để triệt hạ lẫn nhau.
Trang blog Bauxite Việt Nam của các nhà trí thức phản biện ra tuyên bố về cuộc đấu tranh quyền lực của đảng cộng sản:
Điều quan trọng hơn, chúng tôi hoàn toàn chưa nhìn thấy ở cuộc đua của ĐCS một lợi ích tốt đẹp nào sẽ mở ra cho dân cho nước. Cái “nhiều xấu hơn” cũng như cái “ít xấu hơn” – nếu quả có sự khu biệt ấy – dù cái nào thắng thì cũng chẳng có triển vọng đưa đến một xu thế dân chủ, giúp đất nước có cơ thay đổi theo hướng thoát Trung và thoát Cộng, là điều mà mọi người hằng tâm niệm bấy lâu nay.
Mong đợi trong âu lo
Ông Nguyễn Quang Dy phân tích cụ thể những hiểm họa mà Việt Nam đang phải đương đầu trong lúc đảng cộng sản đang tranh giành quyền lực với nhau ở Hà Nội:
Có lẽ lúc này Việt Nam đang trong tình thế hiểm nghèo nhất (từ sau chiến tranh lạnh), đứng trước một “hiểm họa kép” rất khó hóa giải. Đó là hệ quả của suy thoái kinh tế và thể chế (bên trong) đồng thời với đe dọa chủ quyền (bên ngoài). Nhưng dường như lãnh đạo Việt Nam vẫn đang lúng túng và nhầm lẫn trong việc tìm lối thoát. Muốn thoát hiểm, để trở thành một nền kinh tế “rồng bay” tại Đông Á, vấn đề không phải chỉ phụ thuộc vào lựa chọn lãnh đạo nào (ông X hay ông Y), chọn lối đi nào (TPP hay “Giấc mộng Trung Hoa), mà còn tùy thuộc vào hệ quả của cuộc chiến giành quyền lực đang diễn ra tại Hà Nội. Thay đổi lãnh đạo mà không thay đổi tầm nhìn thì vẫn là bi kịch.
Có lẽ lúc này Việt Nam đang trong tình thế hiểm nghèo nhất (từ sau chiến tranh lạnh), đứng trước một “hiểm họa kép” rất khó hóa giải.
- Ông Nguyễn Quang Dy 
Khi nhận thấy sự chia rẽ và tranh đấu trong nội bộ đảng cộng sản như vậy, blogger Kami đề nghị rằng đã đến lúc đảng cộng sản nên phân chia làm hai với các cương lĩnh, đường lối và chính sách khác nhau để làm cơ sở cho người dân quyết định lựa chọn người lãnh đạo đất nước. Chứ không thể để kéo dài tình trạng Đảng CSVN bên ngoài thì nói đoàn kết thống nhất, song bên trong thì đấu đá tơi bời để tranh giành quyền lực như hiện nay. Điều mà đã làm cho dân chúng hết sức chán nản, từ đó uy tín của đảng cũng sẽ xuống thấp đến mức không thể thấp hơn như hiện nay.
Điều chán nản đó của dân chúng được blogger Song Chi cho là nguyên nhân để cho trong những ngày diễn ra đại hội đảng nhiều người đã lên tiếng ủng hộ ông này hay ông kia trong cuộc chiến quyền lực. Song chi cho rằng đám đông đang mong chờ sự thay đổi, sự mong chờ lớn đến mức mà sử ủng hộ ông này ông kia của họ trở nên rất ngây thơ và viễn vông. Bà nói rằng trong sự tuyệt vọng dường như người dân Việt Nam trở nên dễ bị kích động hơn bằng những hành động ủng hộ phe này hay phe kia trong đảng.
Bà kết luận rằng:
Và một điều mà ai cũng biết, nếu chỉ trông mong, hy vọng vào sự thay đổi của đảng và nhà nước cộng sản thì chẳng bao giờ sự thay đổi ấy đến, bởi đối với một đảng cầm quyền đang nắm giữ quyền lực tuyệt đối trong tay hàng chục năm nay tha hồ muốn làm gì thì làm, tại sao họ lại phải nhường bước, chia sẻ quyền lực.
Còn tác giả Trần Quí Cao cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong sự suy thoái của đất nước Việt Nam hiện nay chính là sự độc tôn chính trị không muốn chia sẻ quyền lực của đảng cộng sản.

No comments:

Post a Comment