Monday, February 1, 2016

Cà Mau: Cưỡng chế nhà dân để xây cầu "né" nhà chị ruột Chủ tịch thị trấn?

Tuấn Thanh-Thứ Hai, 01/02/2016 - 08:09

Dân trí Một vụ cưỡng chế nhà dân vừa được thực hiện để tiến hành xây dựng cầu nối liền tuyến lộ từ thị trấn U Minh đến rạch Cây Khô (huyện U Minh, Cà Mau). Người dân cho rằng, đúng ra con đường này phải được đi thẳng, nhưng do “né” nhà chị ruột của Chủ tịch thị trấn U Minh nên con đường đã được… bẻ cong.

Những ngày qua, 4 hộ dân vừa bị cưỡng chế nhà, gồm: Hộ ông Lê Văn Lợi, ông Võ Minh Quang, ông Lâm Phước Du và ông Dương Thuận Phát (cùng ngụ khu vực cầu Rạch Chùa, khóm 2, thị trấn U Minh, huyện U Minh, Cà Mau) bức xúc khi bị cưỡng chế buộc tháo dỡ nhà khiến họ không có nơi để ở và đón Tết Nguyên đán sắp đến.
Các quyết định cưỡng chế nhà dân.
Các quyết định cưỡng chế nhà dân.
Theo tìm hiểu của PV, công trình xây dựng cây cầu nối liền tuyến lộ từ thị trấn U Minh đến rạch Cây Khô chỉ mới hoàn thành giai đoạn đóng trụ, khối lượng công trình còn lại là khá lớn, khó mà hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2016. Tuy nhiên, UBND huyện U Minh đã chỉ đạo cho cưỡng chế giải tỏa “khẩn” 4 hộ dân vào ngày ngày 7/1/2016, để tiến hành xây dựng công trình.
Qua hồ sơ mà PV nắm được, trước đây khi họp dân, ông Lê Thanh Triều (nguyên Chủ tịch UBND huyện U Minh) nói với người dân là chỉ xin mỗi bên 0,75m đất để làm lộ và hứa sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân. Trong khi đó, 4 căn nhà vừa bị cưỡng chế vẫn còn cách lộ hơn 1,5 mét.
Hồ sơ thể hiện, cây cầu nối tuyến lộ này được thực hiện sai lệch với bản vẽ, bởi nếu xây dựng cầu đúng thiết kế, ngay tim lộ thì hoàn toàn không ảnh hưởng lớn đến các hộ dân nói trên. Tuy nhiên, công trình lại được “bẻ cong” để “né” một nhà máy xay xát lúa của bà Sáu Cảnh (còn gọi là Hồng Sáng). Theo người dân nơi đây cho biết, bà Sáu Cảnh là chị ruột của ông Nguyễn Minh Cà (hiện là Chủ tịch UBND thị trấn U Minh). Điều đáng nói là nhà máy của bà Sáu Cảnh lại che khuất tầm nhìn của con lộ và là nơi thường xuyên xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Chính quyền địa phương cho rằng, việc cưỡng chế này là đúng quy định pháp luật vì những nhà trên đều vi phạm hành chính (cất nhà ven sông). Gia đình ông Võ Minh Quang (một hộ dân bị ảnh hưởng) cho rằng, nhà họ đã xây dựng cách đây nhiều năm, không có cơ quan nào đến nhắc nhỡ di dời, vậy mà nay đột nhiên đến lập biên bản vi phạm hành chính rồi xử phạt và buộc di dời một cách “hỏa tốc”. Trong khi đó, trên tuyến sông khu vực này còn có hàng chục nhà xây dựng dưới mé sông vẫn hiên ngang ở đó, không bị xử phạt hay tháo dỡ.
Công trình được cho là đã “lấn sông” để “né” nhà chị ruột của Chủ tịch thị trấn U Minh.
Công trình được cho là đã “lấn sông” để “né” nhà chị ruột của Chủ tịch thị trấn U Minh.
Đoạn bị bẻ cong để né nhà chị ruột Chủ tịch thị trấn được người dân vẽ lại.
Đoạn bị "bẻ cong" để "né" nhà chị ruột Chủ tịch thị trấn được người dân vẽ lại.
Trao đổi với PV xung quanh vụ cưỡng chế này, ông Du Bé Ba - Chủ tịch UBND huyện U Minh phân trần, công trình xây dựng cầu không có việc “né” nhà chị của Chủ tịch thị trấn U Minh. “Trước đó, chúng tôi vận động chủ nhà máy xay xát dỡ nhà rồi chúng tôi sẽ vận động nhà thầu hỗ trợ cho bà Cảnh. Tuy nhiên, bà Cảnh không đồng ý và định vị cầu cũng không vướng vào các nhà dân nói trên nhưng khi làm hành lang bảo vệ cầu thì mới vướng”, Chủ tịch huyện U Minh lý giải.
Khi PV đặt vấn đề, đối với những hộ không có chỗ ở lại bị dỡ nhà, trong khi Tết Nguyên đán đang gần kề, như vậy thì liệu họ có nơi nào để ở và đón Tết? Ông Du Bé Ba trả lời rằng: “Công trình có thiết kế, thẩm định làm sao chúng tôi “né” được. Trong các hộ dân đó, có một hộ khó khăn về đất đai thì chúng tôi dự định sẽ cấp cho họ một phần đất trong khu tái định cư dành cho đồng bào dân tộc ở huyện”.
Tuy nhiên, khi PV hỏi có làm thủ tục cấp đất ở khu tái định cho các hộ không có đất nói trên thì vị Chủ tịch huyện lại lập luận: “Hộ không có đất đang đi làm thuê ở Bình Dương, khi nào về chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ”.
Bà Tuyết bức xúc chỉ những căn nhà vừa bị cưỡng chế.
Bà Tuyết bức xúc chỉ những căn nhà vừa bị cưỡng chế.
Gia đình ông Võ Minh Quang cho biết, khi tháo dỡ nhà, chính quyền địa phương hỗ trợ duy nhất 3 triệu đồng, nhưng với hoàn cảnh hiện tại thì gia đình không biết sẽ đi đâu về đâu. “Do nhà cửa lúc bấy giờ còn ngỗn ngang lại không có ai ở nhà, tôi năn nỉ mấy chú ở địa phương là dỡ một khúc trước nhà, còn chừa lại khúc sau để ở tạm, vậy mà họ vẫn cứ cho xe cuốc vào phá làm hư hỏng nhiều đồ của tôi. Quả thật, chính quyền địa phương đã đẩy chúng tôi đến đường cùng rồi”, bà Lê Ánh Tuyết (vợ ông Quang) xót xa.
Trước vụ việc này, dư luận địa phương bức xúc đặt ra nhiều nghi vấn cho rằng, nếu không cho xây nhà ven sông thì tại sao huyện U Minh lại không đồng loạt cưỡng chế mà nhà dỡ, nhà không; ông Chủ tịch huyện nói sẽ hỗ trợ đất nhưng sao đến lúc cưỡng chế người dân không hề hay biết; dù có đất đi nữa thì việc chỉ hỗ trợ có 3 triệu đồng thì đủ để người dân di dời nhà hay không? Một điều nữa là nếu như ông Chủ tịch huyện nói “công trình không né nhà chị ruột của Chủ tịch thị trấn U Minh” thì tại sao con đường lại bị “bẻ cong” ngay tại vị trí đó?

No comments:

Post a Comment