Thursday, January 21, 2016

Giá dầu xuống làm hại Putin

Ngô Nhân Dụng
Giá dầu thô rớt xuống 27.70 đô la một thùng vào đêm Chủ Nhật, thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay; ngày Thứ Hai giá lên được thêm 90 xu. Suốt 18 tháng qua giá dầu liên tục xuống, chưa bao giờ cơn xuống giá kéo dài như vậy, kể từ năm 1945 đến nay.

Trong năm 2016, giá dầu sẽ tiếp tục xuống nữa, vì số dầu sản xuất không giảm. Sau khi Mỹ và các nước Tây phương bãi bỏ cấm vận, Iran sẽ bơm lên thêm 500 ngàn thùng dầu mỗi ngày, trong sáu tháng sẽ lên một triệu thùng. Nhưng tuần này, Iran sẽ được phép bán 50 triệu thùng dầu vẫn chứa trong kho, qua các nước Châu Âu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency) ước tính trong năm nay mỗi ngày trung bình số cung sẽ vượt trên số cầu khoảng 1.5 triệu thùng, mặc dầu Mỹ giảm sản xuất vì giá thấp. Các nước sản xuất dầu khác không giảm, vì cần cạnh tranh để bảo vệ thị trường của họ. Nhiều công ty nghiên cứu đoán giá sẽ xuống dưới 25 đô la, có thể chỉ còn 10 đô la một thùng.

Trong thị trường dầu thô, số cung vẫn tăng lên nhưng số cầu lại giảm, một lý do chính là kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc độ và sẽ tiếp tục trì trệ rất lâu. Kinh tế các nước bán nguyên liệu và hàng hóa cho dân Tàu sẽ xuống theo; tất cả sẽ tiêu thụ dầu ít hơn trước. Trong năm 2015 tổng sản lượng nội địa (GDP) Trung Quốc chỉ tăng với tỉ lệ 6.9%, nhưng trong thực tế có thể thấp hơn nữa, khoảng 4%, so với con số trên 7% năm trước. Sản lượng công nghiệp ở Trung Quốc chỉ tăng được 5.9% vào cuối năm ngoái, riêng hai ngành điện lực và thép thì giảm bớt.

Số lượng dầu cất trong kho còn rất cao ở khắp thế giới, từ Mỹ đến Trung Quốc. Kho dầu dự trữ của nước Mỹ, tại Cushing, tiểu bang Oklahoma, đang chứa đầy 64 triệu thùng. Rất nhiều tàu thủy chứa đầy dầu còn đậu ngoài khơi vì chưa có chỗ tiếp nhận.

Giá dầu xuống, nước nào tiêu thụ dầu càng nhiều thì càng được lợi. Dân Mỹ có lẽ được lợi nhất, không những vì giá xăng rẻ (có nơi bán dưới 50 xu một ga lông) mà còn vì người tiêu thụ sẽ có dư tiền để mua các món khác, thúc đẩy sản xuất. Kinh tế Châu Âu sẽ khá hơn, người ta tính cứ giá dầu xuống 10% thì sản lượng cả khu vực Châu Âu sẽ tăng thêm được 0.10%. Dân Nhật Bản chuyên nhập cảng dầu cũng được lợi, nhưng chính phủ Nhật sẽ vất vả hơn; vì Thủ Tướng Abe muốn giá cả tăng lên để kích thích sản xuất công nghiệp; nếu giá xăng xuống thì tỉ lệ lạm phát cũng xuống theo! Trung Quốc là nước nhập cảng dầu nhiều nhất thế giới, họ sẽ được lợi. Ấn Độ phải nhập cảng ba phần tư số dầu sử dụng, giá xăng xuống dân chúng được nhờ mà chính phủ cũng bớt phải lo trợ cấp giá.

Những nước sản xuất dầu sẽ bị thiệt hại, trong đó có các nước Ả rập trong vùng Vịnh, hay Nigeria ở Châu Phi. Nhưng không nước nào đáng lo bằng Nga. Dầu và hơi đốt chiếm 30% GDP và 60% số hàng xuất cảng của Nga. Dân Nga tiêu thụ ít xăng so với dân Mỹ cho nên không được lợi bao nhiêu, chỉ có 30% số dầu sản xuất được dùng ở trong nước. Kinh tế Nga đã bị đẩy xuống thấp vì bị các nước Âu Mỹ cấm vận sau khi Nga chiếm Crimea của Ukraine, giá dầu xuống càng gây thêm khốn khó. Mỗi lần giá dầu thô xuống một đô la thì nước Nga sẽ mất 2 tỷ đô la một năm, Ngân Hàng Thế Giới ước tính GDP của Nga đã sụt giảm 0.7% trong năm 2015.

Vì kinh tế xuống, đồng Rúp của Nga đã mất giá 60% so với đô la Mỹ, hậu quả là giá hàng nhập cảng tăng vọt, vì khi mua phải trả bằng đô la cho nước ngoài, khi bán thì tính ra đồng rúp. Giá sinh hoạt tăng, Ngân Hàng Trung Ương phải tăng lãi suất để ngăn chặn mối đe dọa lạm phát, lãi suất có lúc lên tới 17%. Lãi suất tăng khiến người tiêu thụ cũng như nhà sản xuất khó vay tiền, do đó kinh tế càng suy yếu.

Trong khi đó, Vladimir Putin, tổng thống Nga vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu ở Syria, sau khi đưa máy bay sang hỗ trợ chính quyền Assad đánh lực lượng IS, gọi là Daesh trong tiếng Ả Rập. Các cuộc không tập của Nga cũng nhắm vào tất cả các lực lượng chống Assad và chống IS do các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ yểm trợ. Máy bay Nga đã giết chết cả ngàn thường dân ở Syria, trong khi máy bay các nước Mỹ, Anh, Pháp vẫn tìm cách tránh các khu đông dân cư. Tình trạng này kéo dài thì không những các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng chống Nga mà dân chúng Syria cũng phải coi Nga là kẻ thù.

Không Quân Nga giúp Assad đạt được một số thắng lợi nhỏ, đủ để giúp chế độ độc tài khỏi bị sụp đổ, nhưng không thể tiêu diệt hết các lực lượng IS. Chính quyền Assad càng mất lòng dân vì dựa vào bom đạn của quân ngoại quốc để duy trì một chế độ đã nổi tiếng bạo tàn. Lực lượng IS yếu đi về quân sự nhưng lại mạnh hơn trong cuộc chiến tranh tâm lý. Chế độ Assad ngày càng bi dân chống đối hơn vì dựa vào quân lực ngoại bang. Dân Syria thấy tự ái dân tộc và tôn giáo bị xúc phạm, vì người Nga da trắng và theo phái chính thống Thiên Chúa Giáo. Khi phá nổ chiếc máy bay dân sự làm hai trăm người Nga thiệt mạng, bộ máy tuyên truyền của IS coi đó là một trừng phạt đối với bọn “thập tự quân,” mặc dù trong lịch sử nước Nga không bao giờ dự vào các cuộc chiến tranh thập tự đánh quân Hồi Giáo trước đây một ngàn năm.

Ông Putin vẫn quen chủ trương dùng vũ lực can thiệp vào các nước khác, từ Georgia đến Ukraine, hai nước láng giềng tương đồng về chủng tộc và ngôn ngữ. Cuộc phiêu lưu vào một nước Ả Rập nhằm bảo vệ địa vị của Nga bên bờ Địa Trung Hải, với Tartus, căn cứ Hải Quân Nga duy nhất ở miền nước ấm trên bờ biển Syria. Nhưng việc đem bom giết người Syria để bảo vệ một chế độ độc tài thuộc thiểu số Shi A Hồi Giáo trong một nước đa số dân theo phái Sun Ni sẽ kích thích cả những người Hồi Giáo Sun Ni ở các nước khác, đặc biệt là dân chúng thuộc vùng Caucasus cũng như các nước Trung Á thuộc Liên bang Xô Viết cũ.

Hy vọng từ đầu của ông Putin là vụ can thiệp vào Syria sẽ kết thúc nhanh chóng, đổi lại sẽ được các nước Mỹ và Châu Âu nhân cộng tác trong việc đánh quân IS sẽ nới lỏng cuộc cấm vận kinh tế vì vụ Crimea. Nhưng cả hai viễn ảnh đó cho tới nay vẫn xa vời. Đồng minh của Nga là Iran lại đang thù hận với Ả Rập Saudi và các nước giầu có đang yểm trợ quân nổi dậy chống chính quyền Assad và đánh quân IS. Cuộc hội đàm để chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria sẽ kéo dài khó đạt kết quả. Cho nên không quân Nga sẽ còn phải tiếp tục có mặt tại Syria không biết đến bao giờ, trong lúc ngân sách chính phủ Nga ngày càng thâm thủng vì giá dầu lửa thấp.

Trong khi đó, Mỹ và các nước Châu Âu không cần phải lo tìm ngay một giải pháp ngưng chiến tại Syria vì cuộc nội chiến giữa các nhóm người Ả Rập, Hồi Giáo ở đó không gây ảnh hưởng nào đến nguồn tiếp tế dầu lửa trên thế giới. Nếu Nga và khối Hồi Giáo, Ả Rập trở thành thù địch nặng nề hơn thì các nước Tây phương cũng không phải quan tâm. Vấn đề của các Mỹ và Châu Âu là ngăn chặn khủng bố ở trong nước họ. Do đó, họ cần gia tăng các biện pháp an ninh quốc nội hơn là tham gia vào các cuộc tranh chấp nội bộ bên trong các nước Ả Rập. Khi nào còn các chế độ độc tài bóc lột dân thì các xứ Ả Rập vẫn chưa yên ổn, vấn đề đó chỉ được giải quyết trong nhiều thế hệ.

Nhưng liệu ông Vladimir Putin có chịu thua mà rút máy bay, hỏa tiễn về nước hay không? Ông là một người không sẵn sàng chấp nhận chịu thua. Giống như một người đánh bạc, đánh càng thua thì càng cay cú, ông Putin sẽ cố gắng đến cùng để “gỡ.”

Trong khi Putin đổ thêm tiền vào chế độ Assad, các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Saudi, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ tiền bạc và vũ khí cho các lực lượng chống chính quyền Assad không phải quân IS. Nga có thể đặt thêm tiền vào ván bài Syria thì các nước đối nghịch cũng dư sức theo, không bao giờ chịu ngưng. Không Quân Nga sẽ có ngày phải đối đầu với các loại hỏa tiễn “địa-không” do Thổ Nhĩ Kỳ hay Saudi cung cấp cho phe nhóm của họ. Trong cuộc nội chiến ở Afghanistan vào thập niên 1980, những hỏa tiễn Stinger có thể vác trên vai, do CIA viện trợ cho quân kháng chiến, đã làm tê liệt không quân Nga. Kinh nghiệm của Iran đáng lẽ có thể cho ông Putin một bài học. Chính quyền Iran đã lo cứu chế độ Assad ngay từ lúc bắt đầu vì cả hai cùng theo giáo phái Shi A. Nhưng trong hơn bốn năm qua Iran đã tiêu hàng chục tỷ mỹ kim, chết hàng trăm quân, trong đó có những vị tướng, Assad vẫn xuống dốc. Lực lượng phù trợ của Iran là nhóm Hezbollah, người Lebanon theo đạo Shi A, đã sang Syria giúp Assad, nay đã thiệt mạng tới 1,700 quân.


Bài học Afghanistan vẫn còn in sâu trong ký ức dân Nga. Liên Xô đã đem quân vào xứ này để bảo vệ một chính quyền Cộng Sản, cuối cùng bị sa lầy vì dân Afghanistan nổi dậy chống xâm lược. Khi tinh thần chiến đấu tan rã, quân Nga phải rút về; rồi chính quyền Xô Viết sụp đổ. Nếu ông Putin tiếp tục dấn thân vào Syria thì đó sẽ là một bãi đầm lầy không khác gì Afghanistan. Hiện nay dân chúng Nga vẫn tin tưởng vào lãnh tụ Putin, với giấc mộng đưa nước Nga trở lại địa vị cường quốc hạng nhất như thời Liên Xô cũ. Với tình trạng kinh tế suy sụp, giá dầu lửa tiếp tục tụt giảm, sẽ tới ngày người Nga tỉnh mộng.

Theo Người Việt-01-19-2016 6:40:37 PM 

No comments:

Post a Comment