Thursday, January 21, 2016

Sự quan tâm của người dân với Đại hội đảng - phần 1

Chân Như, phóng viên RFA 2016-01-20  
000_Hkg10247697-620
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên Bộ Chính trị khác trước phiên họp trù bị Đại hội 12 tại Hà Nội ngày 20 tháng 1 năm 2016. AFP photo
Vào ngày 21 tháng 1, đại hội đảng CSVN lần thứ 12 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Kỳ đại hội này sẽ kéo dài đến ngày 28 tháng 1. Trước khi diễn ra, chính trường Việt Nam đã có nhiều diễn biến thu hút sự chú ý của giới quan sát. Còn sự quan tâm của người dân ra sao, Chân Như trò chuyện cùng Trường Sơn, Anh Tuấn và Minh Hiển.
Chân Như: Theo các bạn, nhận thức của người dân hiện nay về thể chế chính trị, về đảng Cộng sản ra sao? Liệu sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị, đồng bằng và miền núi, Bắc – Trung – Nam có tạo nên sự khác biệt về nhận thức hay không ?
Trường Sơn: Trước hết, em thấy có sự chuyển biến tuy không lớn lắm. Theo thống kê cá nhân và cảm nhận cá nhân khi đến nhiều vùng tiếp xúc nói chuyện với nhiều người, em thấy rằng nhận thức của người dân về tình hình chính trị, về quan chức chính quyền cũng thay đổi khá nhiều. Vì tình trạng tham nhũng bất hợp lý xảy ra trên cấp độ toàn quốc  nên đi đến đâu cũng gặp những sự bức xúc của người dân và họ cũng không ngại trong việc bày tỏ; Tất nhiên vẫn chỉ là bày tỏ trong phạm vi trong nhà. Tuy nhiên, theo em đánh giá, người dân VN bây giờ cũng hiểu khá rõ dựa trên đánh giá bản thân, những gì họ cảm nhận được.  Những thứ họ xem trên TV sau đó người ta so sánh ra bên ngoài được rồi họ thấy hoàn toàn khác biệt, họ không tin lắm những lời tuyên truyền nữa.
Còn chuyện về ĐCSVN, em tiếp xúc nhiều em thấy rằng người ta cũng biết là không tốt nữa, nhưng để có suy nghĩ từ việc không tốt để biến thành chuyện cần phải thay đổi nó hoặc nó cần ra đi thì em nghĩ cũng chưa được phổ biến lắm, cũng không có nhiều người có được ý nghĩ như vậy. Họ cũng chỉ nhận thức được nó hết thời, nhưng động đến chuyện nó cần phải ra đi hay không thì em nghĩ rằng là người dân VN vẫn chưa đạt được mức nhận thức như thế.
Nhiều người họ bày tỏ cảm xúc chính trị nhiều hơn so với trước. Em cho đây là một tín hiệu lạc quan mặc dù rất nhỏ nhoi, nhưng là tiền đề cho việc hình thành ra nhận thức đúng đắn về chính trị và không còn thấy đó là việc xa vời nữa.
- Minh Hiển
Còn ý thứ hai, có sự khác biệt giữa nông thông, thành thị, đồng bằng, miền núi và Bắc, Trung, Nam không? Em nghĩ tất nhiên là có. Bởi chúng ta thấy rằng ở thành phố, con người ta có điều kiện tiếp xúc với thông tin hơn cuộc sống dư giả hơn nên người ta bắt đầu quan tâm đến nhu cầu khác, cao hơn như chính trị. Do vậy,  nhận thức về chính trị ở những người ở thành phố hoặc những nơi có thu nhập cao tất nhiên là tốt hơn. Những người, đặc biệt là những người trên vùng cao, vùng núi em đến thì người ta hầu như không quan tâm gì đến chuyện đại hội đảng, ông nào lên làm bí thư hay thủ tướng; Người ta cũng không biết ông nào đang làm thủ tướng hay chủ tịch nước. Đối với họ nó giống như một thế giới tách biệt.  Còn giữa Bắc, Trung, Nam, em nghĩ trong miền Nam thì ít ra họ cũng có 20 năm sống trong thể chế được gọi là dân chủ, chưa thật sự là dân chủ, nhưng người ta vẫn có kinh nghiệm, có được sự so sánh, nên em tin rằng ở trong miền Nam, người dân có cái gì đó ít có cảm tình với ĐCS hơn, còn ở miền Trung, Bắc cảm tình với ĐCS còn lớn lắm.
Minh Hiển: Theo em cảm nhận, nhiều người họ bày tỏ cảm xúc chính trị nhiều hơn so với trước. Em cho đây là một tín hiệu lạc quan mặc dù rất nhỏ nhoi, nhưng là tiền đề cho việc hình thành ra nhận thức đúng đắn về chính trị và không còn thấy đó là việc xa vời nữa. Còn khác biệt hoàn cảnh và điều kiện sống thì tất nhiên điều này có tạo ra sự khác biệt trong nhận thức rồi. Nhìn chung trong phạm vi quan sát của em thì điều kiện vật chất của mọi người càng phải trải qua những biến động hoặc chịu thiệt hại mất mát, nguyên nhân đến từ chính quyền nhà nước thì người ta càng có xu hướng ý thức hơn; Đặc biệt là những gì thuộc về bản thân người ta bao gồm quyền, tài sản vân vân...
Quan sát từ một số bạn bè và người quen của em trong thời gian gần đây một số người bị thiệt thòi từ một số các dự án xây dựng và giải tỏa và thu hồi đất đai, cái này tạo ra thành một hoàn cảnh bắt buộc họ phải có những thắc mắc khiếu nại tham gia các ý kiến của luật sư, của các chuyên gia về quyền lợi của họ. Em gọi cách thay đổi tư duy này nó ở thế bị động và mang tính cục bộ trong phạm vi hẹp.
Anh Tuấn: Thưa anh với câu hỏi này thì tính ra em lại kém may mắn hơn bạn Sơn với bạn Hiển là ba năm vừa qua em không sống ở VN mặc dù trước đó khoảng thời gian sống ở VN thì cũng đi lại nhiều. Giống Sơn, em cũng hay tìm hiểu xem thử là cái cảm nhận của người dân ở các vùng miền khác nhau về tình hình chính trị, và nhất là vùng sâu vùng xa và nông thôn thông thường họ nhìn chính trị qua những cán bộ xã.  Những gì em biết được cách đây khoảng ba năm (thời gian em ở VN) em rất đồng cảm với cả Sơn lẫn Hiển khi người dân càng lúc người ta tỏ vẻ chán chường với cách thức cầm quyền của hệ thống chính trị hiện nay.
000_Hkg10247497-400
Người dân trò chuyện trong khi uống trà tại một công viên công cộng ở trung tâm thành phố Hà Nội hôm 18/1/2016. AFP photo
Em vẫn nhớ những kỳ đại hội trước, ví dụ năm năm trước hoặc 10 năm trước, thì đâu đâu vẫn có những nhóm người họ thể hiện ra là có chút xíu gì đó kỳ vọng sẽ đổi mới, sẽ thay đổi, nhưng có lẽ tới 2016 này trước kỳ đại hội này dường như số đó nó nhỏ bé lại và gần như biến mất đâu luôn. Em không còn thấy có những người tỏ ra kỳ vọng đó nữa. Đấy là cảm nhận chung của em. Em cũng rất thông cảm ở chỗ mặc dù họ cảm thấy chán chường không nhiều hy vọng là đảng cầm quyền sẽ tự thay đổi, nhưng họ cũng đang gặp bế tắc là không biết bây giờ làm sao để tạo ra sự thay đổi thì em nghĩ đó là không khí chính trị tạm gọi là trước kỳ đại hội lần này.
Chân Như: Các bạn đánh giá thế nào về cách thức và các bài viết mà hệ thống truyền thông – báo đài chính thống trong nước đưa tin về đại hội toàn quốc đảng cộng sản kỳ này và các vấn đề liên quan ?
Anh Tuấn: Em thấy có điểm thú vị về mặt truyền thông, nhất là mặt truyền thông chính thống đáng lưu tâm: Đó là nếu như cách đây năm năm, đặc biệt là 10 năm thì khoảng một năm trước kỳ đại hội mình thấy các cơ quan báo chí chính thống thường mở một chuyên mục và người ta trao đổi về những đường hướng chính trị, người ta tranh luận với nhau. Đặc biệt cách đây 10 năm những loạt bài trên VNnet của Nguyễn Trung vân vân..”thời cơ vàng, hiểm họa đen”. Khi đó không khí tranh luận, trao đổi về đường hướng chính trị đất nước những quan điểm sẽ được đem ra bàn ở đại hội thì không khí rất sôi nổi. Điều đó tuyệt nhiên hiện tại vắng bong.
Điểm qua một số các tờ báo lớn chẳng hạn thì mình thấy trao đổi về đường hướng đường lối chính trị là gần như rất mờ nhạt, và đa phần các thông tin và sự quan tâm của người dân thì tập trung vào những vấn đề đời thường hơn, và ngay cả những trí thức họ cũng không quan tâm đến chủ đề này lắm. Em nghĩ điểm này nó thú vị ở chỗ, có lẽ như phía ĐCSVN người ta đã gặp bế tắc về đường lối chính trị rồi và do đó đại hội lần này, đường lối chính trị không là tiêu điểm mà nó chỉ tập trung vào những chuyện nhân sự.
Em cho rằng đại hội lần này truyền thông quốc doanh ở VN có hai điểm chính, tức là nó tập trung nhiều hơn vào chuyện nhân sự, và cái thứ hai là thiên về chuyện chống trả, phòng thủ, định hướng người dân khỏi những tin tức lề trái...
- Trường Sơn
Điều này thì cũng liên quan tới phát hiện mà ông Carl Thayer, giáo sư bên Úc có nhiều các thông tin mật, có mối quan hệ tốt với giới chóp bu chính trị VN thì ông nhìn nhận rằng, lần này báo cáo chính trị, cũng như về kinh tế xã hội, các văn kiện để trình đại hội được đưa ra cho dư luận chỉ vài tháng trước khi đại hội tiến hành thôi. Điều đó mình thấy được là một đảng đang bế tắc về đường lối, nó đang rất kém tự tin. Do đó không dám trình bày những dự thảo cương lĩnh một cách sớm sủa để mời gọi người dân và những người trí thức, hoặc là những người quan tâm đến tình hình đất nước vào để tranh luận mà nó chỉ làm cho có lệ thôi; Và vì như thế các số ý kiến liên quan tới đường lối tới đây của đại hội rất là ít ỏi.  Đó là về khía cạnh gọi là truyền thông chính thống.
Bên cạnh đó một điểm thú vị thứ hai, mật độ những bài viết trên truyền thông mình tạm gọi là không chính thống, thì quá nhiều, bao gồm cả những bài viết bình luận rồi bao gồm cả tài liệu tố cáo, những tài liệu từ những ông bà lão thành cách mạng vân vân..rồi cả những thư từ giải trình..v.v..;Tức là những tài liệu vốn đều xếp loại mật hoặc tuyệt mật thì bây giờ đều được công bố ra mà mức độ thật hư của nó thì khó ai có thể chắc chắn được.
Tuy nhiên, mình thấy biểu hiện này chắc chắn có những phe phái, thế lực nào đó, bởi vì dựa vào các thông tin đó mình có thể đoán được là phải có những phe phái nào đó bên trong nội bộ tung ra. Và điều đó gợi ý rằng hiện tại truyền thông phi chính thống đang đóng một vai trò rất quan trọng trong những vấn đề hệ trọng nhất của ĐCS.  Đó là hai điểm thú vị mà em thấy được từ cả truyền thông chính thống lẫn phi chính thống được sử dụng trước thềm đại hội lần này.
Trường Sơn: Em chỉ có cái nhìn ngắn gọn thế này, em cho rằng đại hội lần này truyền thông quốc doanh ở VN có hai điểm chính, tức là nó tập trung nhiều hơn vào chuyện nhân sự, và cái thứ hai là thiên về chuyện chống trả, phòng thủ, định hướng người dân khỏi những tin tức lề trái bởi vì bây giờ họ biết chắc người dân họ nương tựa vào truyền thông lề trái facebook, internet, blog, youtube nhiều hơn là tin vào báo đảng. Do họ nhận thấy nguy cơ như vậy đó rõ là hiển nhiên, không còn gì đấy là manh nha nữa nên họ buộc phải đưa ra những cái động thái phòng thủ. Đó là họ hướng dư luận người dân, cố gắng cho người dân thấy những thông tin phi chính thống là những thông tin không đáng tin. Thế nhưng em nghĩ đấy cũng là một nỗ lực vô vọng thôi vì bây giờ người dân tin vào internet rất nhiều. Em thấy đặc điểm của truyền thông VN ở trong kỳ đại hội này nó thể hiện qua hai khía cạnh như vậy.
Minh Hiển: Em hoàn toàn ủng hộ ý kiến của bạn Tuấn, nhận xét rất chính xác. Thứ nhất, đúng là các truyền thông của đảng họ “hết bài”, phải dùng từ là “hết bài” tức là họ không còn dám đưa nhiều các đường hướng rồi những cái như lần trước nữa.  Bởi nó cũng chỉ là những điều sáo rỗng sáo nhắc đi nhắc lại mà đa phần người ta bây giờ không tin, ngay cả trong nội bộ đảng của họ. Chính vì thế nó thúc ép báo lề trái phát triển lên và từ đấy nó đòi hỏi một việc cấp thiết là hình thành nên các tờ báo độc lập. Tờ báo độc lập về mặt chính tác thì vẫn chưa có ở VN, nhưng trước sức ép của sự cần thiết phải có thì nói chung là không cần nhà nước phải cho phép, tự các blogger và các chia sẻ trên facebook  làm những việc đấy, chả cần ông nào cho phép.
Còn thông tin chính thống thì nếu mà để phải phân loại thì em thấy nó nghèo nàn đến mức em chỉ có thể chia nó thành hai loại, thứ nhất là các bài cũ rích, nói về những sự rốt ráo rồi cấp cập, dùng những từ nhân dân, nhiệt liệt hưởng ứng v.v..để chuẩn bị kỳ đại hội. Nói chung cái này cố gắng vớt vát chút nào thể diện và tính chính danh của đảng cầm quyền. Thứ hai là những tin giáo điều. Còn  nghe đâu đấy mình thấy những tin về xe bọc thép rồi chuẩn bị việc nọ việc kia, thì chúng ta lại đồn đoán với nhau đây là một phe này phe nọ đe dọa lẫn nhau. Nói chung lại bất kể là gì thì đại bộ phận người dân trong cuộc chơi này cũng được phải hân hạnh hạnh là người đứng ngoài trong tất cả mọi việc.
Chân Như: Xin cám ơn chia sẻ của các bạn, rất tiếc thời gian không còn, xin tạm ngưng chương trình nơi đây và hẹn lại quý vị vào kỳ sau.

No comments:

Post a Comment