Thursday, January 21, 2016

Tín hiệu gì: Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản không phủ nhận ‘Bộ Luật về Đảng’

Ông Nhị Lê hiện là Phó tổng biên tập của Tạp chí Cộng sản - một kênh phát ngôn đặc biệt quan trọng của đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là một trong những địa chỉ thủ cựu nhất. Trước khi trở thành tổng bí thư đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã từng có thời làm việc tại tạp chí này.


Tạp chí Cộng sản số đặc biệt
Chỉ vài ngày trước khi đại hội 12 khai mạc, trang Viettimes đã có một bài phỏng vấn ông Nhị Lê. Gần như là lần đầu tiên, một trang báo nhà nước dám nêu ra câu hỏi: “Từ khi ra đời đến nay Đảng hoạt động chủ yếu dựa trên Điều lệ Đảng. Theo ông thì Điều lệ Đảng đã đủ chưa? Đảng có cần một Bộ Luật về Đảng không?”.
Hãy nghe ông Nhị Lê trả lời:
Đây là vấn đề không phải bây giờ mới đặt ra. Chúng ta đã đặt ra rồi, và không phải chỉ một lần. Tôi còn nhớ cách đây chừng 7-8 năm, khi đi học tập ở Trung Quốc tôi cũng đã đặt vấn đề này ra với phía Trung Quốc. Nếu pháp luật được coi là thượng tôn thì mọi tổ chức đều phải có luật để ràng buộc.
Không phải “chỉ được làm theo pháp luật” mà “phải làm theo pháp luật”. Không ai được đứng trên và ngoài pháp luật. Đấy chính là cơ sở để đảm bảo dân chủ. Đấy là cả một quá trình tìm tòi. Chân lý không gắn với vận mệnh thì là chân lý suông. Mà vận mệnh không đạt đến mức độ chân lý thì không ai dám chắc vận mệnh sẽ tồn tại được bao lâu”.
Đáng chú ý, tuy không trực tiếp trả lời vào câu hỏi, nhung ông Nhị Lê đã không né tránh câu hỏi này.
Chủ đề “luật về đảng” được coi là đặc biệt nhạy cảm ở Việt Nam, báo chí hầu như né tránh và nội bộ không dám hé môi. Chủ đề này chỉ được giới trí thức phản biện độc lập và giới hoạt động dân chủ nhân quyền trong nước và hải ngoại đề cập. Rất nhiều ý kiến độc lập cho rằng đảng Cộng sản Việt Nam đã có đến hơn bảy chục năm hoạt động “ngoài vòng pháp luật”, không bi điều chỉnh bởi bất cứ luật nào, trong khi chính tổng bí thư đảng này là Nguyễn Phú Trọng lại từng tuyên bố “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”.
Dường như đang diễn ra một sự thay đổi ngấm ngầm trong những quan điểm chủ chốt của giới lãnh đạo đảng ngay trước thềm đại hội 12 - một đại hội xung đột quyền lực lẫn thủ đoạn triệt hạ lẫn nhau chưa từng có, một đại hội mà ngày càng nhiều người tin đó là “cuối cùng”.
Về dư luận nội bộ, được biết ở Hà Nôi vừa xuất hiện một phong trào đòi hỏi “đổi mới lần 2” từ sau Hội nghị trung ương 13 và đặc biệt sau Hội nghị trung ương 14. “Cải cách thể chế” là đòi hỏi của nhiều trí thức, trong đó có cả những cán bộ cao cấp về hưu. Trong khi đó, một số trí thức đang manh nha đòi đổi tên đảng, trở về tên cũ là đảng Lao động.
Từ thái độ ông Nhị Lê không né tránh câu hỏi cực kỳ nhạy cảm “luật về đảng” của báo chí, có thể cho rằng trong và sau đại hội 12, nội bộ đảng cầm quyền sẽ diễn ra một sự thay đổi nào đó về tư tưởng. Tuy nhiên, làm thế nào để  “đưa tư tưởng vào thực tiễn” thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
01/20/2016 - 18:54
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment