Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tại cảng Đại Liên. Theo Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS, Bắc Kinh sẽ đầu tư ‘nặng ký’ cho công tác phát triển và bố trí nhiều đội tàu sân bay trong khu vực trước năm 2030.
Theo VOA-21.01.2016
Không còn gì để thắc mắc, tới năm 2030, Trung Quốc sẽ là một siêu cường trên thế giới và Biển Đông sẽ trở thành ‘ao nhà’ của Bắc Kinh, theo một phúc trình mới công bố của Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Hoa Kỳ.
Công trình đánh giá độc lập về Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ ở Châu Á-Thái Bình Dương nói Trung Quốc chiếm lĩnh ưu thế trong khu vực nhờ vào việc tiếp tục phát triển các đội hàng không mẫu hạm và việc quân đội nước này chú trọng mở rộng khả năng hoạt động ở nước ngoài.
Trích dẫn Bạch thư Quốc phòng của Bắc Kinh, CSIS lưu ý rằng quân đội nhân dân Trung Quốc trong tương lai gần sẽ vận hành vượt xa ra ngoài phạm vi Chuỗi đảo Thứ nhất kéo dài từ Nhật Bản tới Philippines vươn ra Ấn Độ Dương.
Kế hoạch này, theo CSIS, là mối quan ngại lớn nhất đối với Hoa Kỳ vì nó sẽ giúp dần dần nới rộng tầm tay của quân đội Trung Quốc.
CSIS dự đoán để hoàn thành chiến lược này, Bắc Kinh sẽ đầu tư ‘nặng ký’ cho công tác phát triển và bố trí nhiều đội tàu sân bay trong khu vực trước năm 2030.
Trung Quốc xác nhận đang tiến hành xây tàu sân bay thứ nhì và dự kiến sẽ còn đóng thêm nhiều tàu nữa trong những năm tới.
Những sự điều động này sẽ tăng cường thế mạnh cho Trung Quốc trong các tuyên bố chủ quyền ở Châu Á, đặc biệt là Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Brunei, và Malaysia.
Hiện nay, các công trình xây đảo và đặt lên đó hải cảng, đê chắn biển, hay đường băng cũng giúp Bắc Kinh củng cố sự ảnh hưởng trong khu vực, đồng thời cũng là một báo động đối với các nước láng giềng bao gồm Việt Nam.
Tất cả những yếu tố này, theo CSIS, sẽ đảm bảo là trước năm 2030 Biển Đông sẽ bị biến thành ao nhà của Trung Quốc tương tự như vị trí của vùng biển Ca-ri-bê hoặc Vịnh Mexico đối với Hoa Kỳ hiện nay.
Nghiên cứu của Trung tâm CSIS chỉ ra rằng chính sách cân bằng ‘xoay trục về Châu Á’ của Mỹ hiện chưa được giải thích rõ ràng hoặc chưa được vận dụng hữu hiệu để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên.
CSIS nói chính sách này cần được chú ý nhiều hơn và cần có nhiều nguồn lực hơn nữa giữa bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường nhịp độ ‘uy hiếp’ và Bắc Triều Tiên tiếp tục bành trướng tham vọng hạt nhân.
Ngoài ra, vẫn theo khuyến nghị của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Hoa Kỳ nên gầy dựng khả năng cho các đồng minh và đối tác trong vùng để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Việt Nam hiện là một trong những đối tác của Mỹ tại khu vực trong khi Philippines là một đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment