Sunday, January 3, 2016

Dày đặc trạm thu phí từ đầu năm 2016

Vũ Minh Ngọc / SBTN- 01/03/2016 - 09:01
Mặc dù nằm trong những ngày nghỉ dịp Tết Dương lịch, song rất nhiều công ty logistics ở Sài Gòn đã phản ứng rất mạnh trước việc nhà cầm quyền làm lơ, mặc cho các đơn vị thu phí B.O.T (Built-Operation-Transfer xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) thu với mức tăng đụng trần tại Sài Gòn: xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn có mức thu cao nhất là 52,000 đồng/lượt; xe tải trọng 18 tấn trở lên và xe container 40 feet có mức thu phí cao nhất là 200,000 đồng/lượt.


Trạm thu phí Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (ảnh: N.Thịnh)

Hiện nay, trên các tuyến quốc lộ có 96 trạm thu phí đang và sẽ thu phí khi các dự án B.O.T hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng B.O.T). Trong đó có 83 trạm do Bộ Giao Thông Vận Tải ký hợp đồng với các nhà đầu tư B.O.T, 13 trạm do chủ tịch các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư B.O.T.
Đồng ý là lộ trình tăng phí đã có từ trước. Song liên bộ tài chính - giao thông vận tải sẽ ăn nói thế nào đây, khi cách đây khoảng 10 ngày, Bộ Tài Chính có văn bản đề nghị bộ giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hạ giá cước vì giá xăng dầu thế giới đã giảm sâu. Nhưng về phần mình, thì cơ quan quản lý lại “bật đèn xanh” tăng phí qua trạm, tức là buộc nhà xe vừa giảm giá cước, vừa bỏ thêm tiền túi để “mua đường”.
Những ngày cuối tháng 12-2015, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng đã có đề nghị lùi thời hạn thu phí mới đến tháng 6-2016. Nhưng bất chấp, hiện nhiều trạm thu phí mới mọc lên vẫn thu phí bắt đầu từ ngày 1-1-2016. Trạm thu phí dày đặc cùng với mức phí tăng, thu gộp, thu cả những đoạn đường không được thu phí, khiến người dân và doanh nghiệp đều khổ sở. Thứ Hai 04-01-2016, khi mọi hoạt động sản xuất kinh doanh khởi đầu một năm mới, trước việc chi phí vận chuyển tăng chắc chắn sẽ tạo ra những hệ lụy xấu đến nỗ lực cạnh tranh của hàng hóa và cả nền kinh tế vốn đang èo uột.
Bình quân mỗi tỉnh có hai trạm thu phí hoặc một trạm, nhưng thu gộp cho hai, ba dự án. Trong đó, dày đặc nhất là đoạn qua miền Trung từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận. Các trạm có mức phí như nhau: thấp nhất 52,000 đồng (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn, các loại xe buýt công cộng), cao nhất 200,000 đồng (xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet).
Biết nhà xe bất bình, kể cả cư dân sống trong các khu vực có trạm thu phí phản đối vì phi lý song cơ quan hữu trách vẫn cho thu với lý do vì cầu, đường B.O.T đã làm xong rồi, không cho thu lấy gì hoàn vốn. Ngân sách của nhà cầm quyền CSVN không đủ trang trải hết mọi dự án, buộc phải huy động từ nhiều nguồn lực, trong đó có tư nhân và sau đó hoàn vốn bằng cách cho họ thu phí. Tuy nhiên có đấu thầu công khai nhà đầu tư B.O.T hay không, cách nào giám sát được chi phí vận hành, làm sao tính đúng, tính đủ thời gian thu phí… là những câu hỏi mà nhiều địa phương không trả lời được hoặc làm lơ. Thậm chí, có nơi nhà đầu tư chỉ mở mang hay nâng cấp đường sá trên nền lộ sẵn có, vậy mà vẫn thu phí không chừa một cắc, từ năm này qua năm khác.
Một vấn đề nữa cần phải làm rõ, đó là đã đóng phí đường bộ rồi sao vẫn bị thu phí qua tất cả các trạm? Và theo quy định, 2 trạm phải cách nhau 70 km, nhưng có nhiều nơi các trạm rất gần nhau. Thí dụ như ở khu vực thành phố Biên Hòa - huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) có 2 trạm chỉ cách nhau…7 km! Hay tại tỉnh Bình Dương, chỉ trong bán kính 30 km khu vực 2 thị xã Thuận An - Dĩ An có đến 5 trạm thu phí.

No comments:

Post a Comment