BẮC KINH (NV) – Bắc Kinh kêu gọi Hà Nội “kềm chế,” “không làm phức tạp thêm tình hình” khi nghe tin Việt Nam cải tạo luồng lạch cho tàu vào đảo chìm Ðá Lát ở quần đảo Trường Sa.
“Trung Quốc thúc giục các nước liên quan tôn trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, chấm dứt các sự chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp, cũng như kềm chế không có hành động nào làm phức tạp thêm tình hình.” Hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Mười Hai 2016, Lu Kang (Lục Khảng), phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc phát biểu phản ứng về tin Việt Nam đang cải tạo luồng lạch cho tàu vào đảo chìm Ðá Lát, tên quốc tế là Ladd Reef mà Trung Quốc gọi là RijiJiao (Nhật Tích Tiêu).
Dịp này, Lục Khảng kêu rằng Trung Quốc có chủ quyền “không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa gồm cả Nhật Tích Tiêu” và kêu gọi các nước liên quan tranh chấp “làm việc với Trung Quốc cho hòa bình và ổn định trên Biển Ðông.”
Tuy tuyên bố có chủ quyền “không thể tranh cãi” với hơn 80% Biển Ðông theo cái vạch 9 đoạn hình “lưỡi bò” nhưng Bắc Kinh chỉ cướp một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa sau cuộc chiến ngắn ngủi hồi năm 1988 ở bãi đá cạn Gạc Ma, trước đó cướp quần đảo Hoàng Sa năm 1974 sau trận hải chiến với VNCH.
Trước các hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Ðông, Hà Nội chỉ lên tiếng tuyên bố Việt Nam có chủ quyền “không thể tranh cãi với các bằng chứng lịch sử và thực tế.” Hoa Thịnh Ðốn nhiều lần kêu gọi các bên tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông kềm chế, tranh các hành động bị coi là khiêu khích, dẫn tới tranh chấp.
“Chúng tôi thường xuyên cảnh cáo các vụ bồi đắp và quân sự hóa tại các khu vực tranh chấp trên biển Ðông sẽ có nguy cơ dẫn đến bất ổn và khuynh hường leo thang căng thẳng.” Bà Anna Richey-Allen, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Mỹ phát biểu, “Chúng tôi khuyến khích các bên tuyên bố chủ quyền thi hành các bước làm giảm căng thẳng và giải quyết các khác biệt một cách hòa bình.”
Trước các hành động Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo khổng lồ xây dựng căn cứ quân sự một loạt trên 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa, Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều chuyến tuần tra “tự do hải hành” thách đố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn không hề giảm bớt nhịp độ xây dựng nhằm thực hiện mưu đồ bá quyền bành trướng trên Biển Ðông.
Bắc Kinh thường xuyên mở các cuộc tập trận quy mô trên Biển Ðông đe dọa Việt Nam cũng như cấm đánh cá 3 tháng vào lúc đại mùa. Lại còn bắn tiếng có thể tuyên bố “Khu Vực Nhận Dạng Phòng Không” (ADIZ) trên Biển Ðông khi tình hình căng thẳng.
Theo một bản tin của thông tấn Reuters, hình ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs của Mỹ chụp ngày 30 Tháng Mười Một, 2016, trong đó thấy một số tàu đậu ở kênh mới được đào sâu thêm trong phạm vi bãi san hô và biển sâu của đảo chìm Ðá Lát, tên quốc tế là Ladd Reef và Trung Quốc gọi là RijiJiao (Nhật Tích Tiêu).
Từ hơn chục năm trước, Việt Nam đã xây dựng một tiền đồn tại bãi đá ngầm Ðá Lát và cho quân đội canh giữ thường trực. Sau đó, cho xây thêm một ngọn hải đăng. Ðảo chìm Ðá Lát nằm cách đảo Trường Sa lớn khoảng 14 hải lý (25.9 km) về phía Tây. Toàn bộ bãi đá ngầm nằm theo trục Ðông Bắc-Tây Nam với chiều dài khoảng 5.9 km, chiều rộng khoảng 1.6 km và diện tích khoảng 9.9 cây số vuông.
Không ai biết đích xác mục đích của Hà Nội nhưng các nhà phân tích cho rằng những việc bồi đắp tương tự là điềm báo trước cho những hành động quy mô hơn ở những bãi đá ngầm khác.
“Chúng ta có thể thấy rằng trong hoàn cảnh này, Việt Nam hoàn toàn không tin ai và họ đang cố gắng cải thiện sự phòng vệ.” Ông Trevor Hollingsbee, một phân tích gia tình báo hải quân đã nghỉ hưu của Bộ Quốc Phòng Anh Quốc phát biểu với thông tấn Reuters.
Giữa Tháng Mười Một 2016, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Hoa Thịnh Ðốn trưng ra một số hình ảnh chụp từ vệ tinh từ 2014 đến ngày 7 Tháng Mười Một 2016 nói rằng Việt Nam đã cơi nới đảo Trường Sa Lớn và kéo dài thêm phi đạo trên đảo này từ 650 mét lên khoảng 1,000 mét. Ðồng thời cũng thấy trên đó hai nhà để máy bay.
Hồi Tháng Tám 2016, tin tức cũng tiết lộ Hà Nội đưa hỏa tiễn Extra tầm bắn khoảng 120km mua của Do Thái ra tấn thủ tại một số đảo ở Trường Sa. Tuy nhiên, tin này bị Hà Nội lên tiếng cải chính.
Ông Greg Poling, một chuyên viên về Biển Ðông tại CSIS nói rằng hiện chưa biết những hành động của Hà Nội tại Ðá Lát sẽ đến đâu. Theo ông, thay vì bồi đắp đảo nhân tạo và thành lập căn cứ, Hà Nội chỉ cố cải tiến luồng lạch để các tàu tiếp tế và tàu đánh cá tiếp cận dễ dàng hơn. Theo ông, trên lý thuyết, tiền đồn tại Ðá Lát có vai trò giúp phòng vệ những đảo và bãi đá ngầm khác ở khu vực hiện Việt Nam đang chiếm giữ 21 cái.
Mấy tháng gần đây, Philippines dưới triều Tổng Thống Duterte không còn cương quyết kình chống Trung Quốc về chủ quyền biển đảo dù đã có sự thuận lợi từ phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế, nay có vẻ chỉ còn Hà Nội không muốn nhượng bộ chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.
Theo tài liệu của CSIS, phía Việt Nam đã bồi đắp thêm khoảng 49 hecta trên tác đảo ở quần đảo Trường Sa. Giới tùy viên quân sự ở khu vực tin rằng các đảo của Việt Nam đều được xây dựng kiên cố, một số có cả hầm trú ẩn và địa đạo nhằm ngăn chống xâm nhập. Dù vậy diện tích mà phía Việt Nam bồi đắp thì chẳng thấm tháp gì so với các đảo nhân tạo khổng lồ mà Trung Quốc làm tại Trường Sa.
Trung Quốc đã bồi đắp tổng cộng 1,300 hecta biến 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa thành 7 đảo nhân tạo mà họ cướp của Việt Nam hồi năm 1988. Các phân tích gia đều tin rằng những nơi này sẽ là các căn cứ quân sự quy mô gồm cả phi trường và cảng biển để Bắc Kinh khống chế toàn bộ Biển Ðông. Việc họ có tuyên bố thành lập “Vùng Nhận Dạng Phòng Không” (ADIZ) hay không, tùy thuộc tình hình tranh chấp và căng thẳng ở khu vực đến đâu.
Không những bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, Bắc Kinh cũng cho bồi đắp cơi nới thêm một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa. Không kể đảo Phú Lâm được cơi nới thêm, đảo Bắc (phía bắc đảo Phú Lâm khoảng 12 km) được Trung Quốc bồi đắp cơi nới thêm từ đầu năm nay
Hình ảnh vệ tinh chụp hồi Tháng Hai và Tháng Ba năm nay thấy các tàu hút cát đang xây dựng một cái cầu dài 700 mét nối đảo Bắc với đảo Giữa ở Hoàng Sa. Nhưng hình ảnh chụp lại gần đây cho thấy sau hai trận bão lớn thổi qua khu vực này hồi Tháng Mười thì thấy dải cát đó đã bị bão thổi bay mất. (TN)
No comments:
Post a Comment