Friday, December 9, 2016

Nên làm gì để “tiến lên chủ nghĩa xã hội”?

Đào Đức Thông-09-12-2016

(VNTB) - Trong thực tế xã hội của ta hiện tại, việc tập trung trí tuệ là điều bất khả thi, vì quyền được Nói và quyền được Nghe chưa được nhà cầm quyền tôn trọng và kiểm soát đúng với tinh thần của nó.


Nhìn lại nguyên nhân

Mọi khó khăn đều bắt nguồn từ sự chia rẽ xã hội, chia rẽ gia đình, mất định hướng trong từng con người.

Nguyên nhân của sự chia rẽ xã hội và gia đình là do ý thức hệ không đồng nhất, lợi ích nhóm, mất dân chủ.

Nguyên nhân của mất định hướng trong con người là không kiên định, thiếu niềm tin.


Thực trạng hiện nay

Xã hội Việt Nam hiện nay đang tồn tại sự chia rẽ sâu sắc bởi ý thức hệ không đồng nhất, lợi ích nhóm, mất dân chủ.

Trước hết là ý thức hệ không đồng nhất, chúng ta chưa thống nhất được khái niệm và định hướng phát triển xã hội chủ nghĩa, vì chưa có một kế hoạch tổng thể về chiến lược, tầm vĩ mô cho định hướng đó, ngay bản thân những con người chèo lái và quyết định chính sách cũng còn mơ hồ thì làm sao người dân có thể hiểu được cái đích cuối cùng của con thuyền sẽ đi đến đâu?

Trên thế giới chỉ còn vài ba nước có định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng mỗi nước lại có một cách tiếp cận và định hướng khác nhau.


Trung Quốc

Họ phát triển xã hội mang màu sắc riêng biệt của họ, ở nước họ xã hội mở rộng và tăng cường xản xuất, xuất khẩu bằng mọi giá mọi khả năng có thể để cạnh tranh thị trường thế giới, họ có chủ trương phát triển một cách rõ ràng các chiến lược cụ thể.

1- Mở rộng lãnh thổ.
2- Phát triển quốc phòng.
3- Phát triển kinh tế công xưởng, và đa dạng hoá mọi nghành nghề, kể cả hàng giả, hàng nhái từ công nghệ quốc phòng đến mọi sản phẩm dân dụng.
4- Truyền bá tư tưởng thông qua văn hoá và tôn giáo.
5- Chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân và doanh nghiệp mở rộng, bành trướng, lan toả trên toàn thế giới.

Mục đích cuối cùng của Trung Quốc là thực hiện xã hội chủ nghĩa kiểu Trung Quốc trên các quốc gia, cả thế giới đều phải biết đến Trung Quốc và mang lại lợi nhuận cho Trung Quốc. Trên con đường đó kẻ nào cản trở đến sự phát triển của đất nước họ, bất luận là người Trung Quốc hay người nước ngoài dù ở cương vị nào... họ sẽ tiêu diệt.

Rõ ràng họ đã và đang thành công, với tỷ lệ gần 1,4 tỷ dân thì số lượng và đối tượng kể cả lãnh đạo và người dân có suy nghĩ đi ngược lại tư tưởng xã hội chủ nghĩa màu sắc Trung Quốc chắc không quá 5%.


Triều Tiên

Một quốc gia xã hội chủ nghĩa đơn cực, có nghĩa là xã hội và cộng đồng các dân tộc Triều Tiên phát triển theo định hướng của một lãnh tụ, họ không quan tâm và không được phép quan tâm đến mọi sự phát triển bên ngoài thế giới, họ không bành trướng nhưng không cho phép ai động đến quyền lợi của họ, họ có tính đồng nhất ý thức hoặc bắt buộc phải đồng nhất ý thức ở mức độ gần như tuyệt đối.

Họ không lạc hậu, họ thậm chí có một nền khoa học phát triển mạnh đặc biệt là công nghệ quốc phòng, nhưng đất nước họ khó khăn hoàn toàn về kinh tế, khiến người dân nghèo đói.


Cu Ba

Một quốc gia còn nhiều khó khăn và ít được biết đến trên thế giới, mọi hoạt động chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, hoàn toàn phụ thuộc quyết định của lãnh tụ, và những người lái thuyền.


Việt Nam

Xã hội đang bị chia rẽ về niềm tin, các tầng lớp thượng tầng không đồng nhất về ý thức hệ, lợi ích nhóm, không có định hướng chung, xã hội, gia đình và từng con người mạnh ai nấy đi mỗi người một cách, ai cũng chỉ tự lo cho mình, suy nghĩ và làm việc là vì lợi ích của chính mình.

Trên thực tế còn mấy ai lo cho cái chung của đất nước Việt Nam, hình thành dần dần ý thức vô cảm, vô tình, vô trách nhiệm, thậm chí còn nghi kị lẫn nhau, đề phòng lẫn nhau trong từng con người thì làm sao chúng ta có thể “tiến lên xã hội chủ nghĩa”? Trong nhiều năm qua chúng ta đã để hổng những giá trị truyền thống trong giáo dục đạo đức, mà chú trọng đến việc phát triển quá vĩ mô mất kiểm soát khiến cho nước ta chỉ sau 10 năm mà nên nông nỗi tệ hại như thế này, thật là một điều đáng tiếc.


Chúng ta phải làm gì?

Singapore cũng là quốc gia từng tuyên bố theo mô hình xã hội chủ nghĩa nhưng họ đi đúng trình tự : thành lập nước; bảo vệ chủ quyền rồi thì trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Mỗi giai đoạn đều có thời gian dài hay ngắn tùy thuộc vào người lãnh đạo đất nước tuy nhiên giai đoạn cuối không bao giờ đến được mà chỉ là định hướng và cái đích để tới mà thôi trừ khi quay lại thời nguyên thủy. Singapore vẫn đang trong giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Việt nam đã bỏ qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa mà tiến thẳng lên giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội như một đứa trẻ chưa biết đi đã muốn chạy nên cứ bị ngã mà chẳng tiến nhanh được. Đó là nguyên nhân của những thực trạng trong xã hội Việt Nam hiện nay.  

Có ba vấn đề cần làm ngay:

Thứ 1: Cần hoàn thiện cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân là quốc hội, để từng bước điều chỉnh hợp lý về hiến pháp và pháp luật.

Quốc hội là tiếng nói thay mặt nguyện vọng của nhân dân do dân bầu, đó là tinh thần và nguyên tắc dân chủ.

Cả nước có 63 đoàn đại biểu quốc hội thay mặt cho nhân dân ở 63 tỉnh thành. Trong 494 đại biểu hiện tại thì chiếm tới 95,8% là đảng viên. 4,2% là người dân. Trong số đó đại biểu là những lãnh đạo trung ương giới thiệu chiếm tới 182 người, các lãnh đạo tỉnh thành... ?

Do vậy tính chính danh là cơ quan đại diện tiếng nói của nhân dân liệu có đầy đủ không?

Xét về bản chất và định nghĩa của quốc hội thì chúng ta có thể thành lập 64 đoàn quốc hội bao gồm: 63 đoàn đại biểu đại diện nhân dân của 63 tỉnh thành, 01 đoàn đại biểu đại diện cho cơ quan trung ương.

Hiện nay chúng ta đang chia đại biểu trung ương cho các tỉnh để họ đại diện cho người dân tỉnh đó liệu có công bằng?

Một người ngoài Bắc sao có thể đại diện cho tiếng nói của một tỉnh nào đó phía Nam và ngược lại?

Cách bố trí hợp lý là người tỉnh nào chỉ đại diện cho quyền lợi của người dân ở tỉnh đó.

Đại biểu phải được người dân bầu chọn từ cơ sở sau đó họ phải qua tranh cử ở các địa phương từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương, họ phải thực sự do dân tiến cử, do dân bầu, không nên để người dân bị rơi vào tình trạng bắt buộc phải bầu cho một người nào đó có sẵn trong danh sách, đây chính là sự bất cập trong tính dân chủ của cơ quan đại diện nhân dân.

Vì vậy tiếng nói của quốc hội không hoàn toàn là tiếng nói của nhân dân, và đương nhiên quyền lợi của người dân không được bảo vệ một cách công bằng.

Thứ 2:  Hoàn thiện cơ cấu nhân sự ở các cơ quan chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương. Với phương châm tuyển dụng người tài chứ không tuyển dụng người nhà như thủ tướng đã nói, hạn chế tuyển công chức làm biên chế nhà nước để tránh gánh nặng ngân sách, tăng cường tuyển dụng hợp đồng để có thể trưng dụng người tài, thậm chí có thể tuyển dụng cả bộ trưởng hay chủ tịch tỉnh, hoặc các chức danh khác từ cơ quan trung ương đến địa phương, có như vậy mới đảm bảo được chất lượng của lãnh đạo, nếu họ không làm tốt có thể cắt hợp đồng, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa chính là ở chỗ đó, nghĩa là xã hội, là nhân dân tuyển dụng anh chị làm việc, và xã hội hay nhân dân cũng có thể tuyển dụng người khác thay thế khi anh chị không hoàn thành nhiệm vụ của nhân dân.

Thứ 3: Cải cách cải tổ, hoàn thiện, nâng cao hệ thống giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế hội nhập hiện đại, văn minh, quản lý chặt chẽ về việc cấp bằng, chứng chỉ đúng theo chuyên môn, nghiệp vụ, và trình độ của người đó, tránh tình trạng chạy bằng để thêm hồ sơ năng lực hòng thăng quan tiến chức.

Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống và trách nhiệm cộng đồng của từng cá nhân, xử phạt nghiêm minh mọi đối tượng vi phạm luật pháp kể cả nguyên thủ quốc gia.

Giáo dục là nền tảng quan trọng nhất trong việc đào tạo con người, vậy ông bộ trưởng giáo dục phải là người mực thước, gương mẫu, được nhân dân kính trọng như một vị thái sư quốc mẫu của một dân tộc. Bộ trưởng giáo dục là một vị trí khó thay thế không có nhiệm kỳ nếu người đó có tài có đức, việc tìm người kế nhiệm phải chu đáo chặt chẽ vì đó là người có thể mang lại mọi vinh quang cho đất nước và mọi thế hệ tương lai. Sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của người cầm cương giáo dục phải được sánh ngang với tứ trụ triều đình.
Khi quốc hội thực sự của nhân dân, chính quyền làm việc vì dân do dân tuyển dụng, giáo dục là quốc mẫu thông thái của dân thì không còn lý do gì mà dân không giàu, nước không mạnh.


Kết

Trong thực tế xã hội của ta hiện tại, việc tập trung trí tuệ là điều bất khả thi, vì quyền được Nói và quyền được Nghe chưa được nhà cầm quyền tôn trọng và kiểm soát đúng với tinh thần của nó. Đa phần mọi người trong mọi tầng lớp xã hội ở Việt Nam đều chưa thực sự được an toàn khi nói hết chính kiến của mình. Nhưng lại có một số người có trách nhiệm, thuộc giới cầm quyền có thể phát ngôn bất chấp dư luận xã hội, thậm chí còn bất chấp lương tâm, pháp luật và đạo lý mà vẫn an toàn. Và khi có tiếng nói của cộng đồng, xã hội..vv thì Quyền Nghe hay không lại không được những người có trách nhiệm thực hiện. Ở nhiều Quốc gia khác, 90% quyền Nói được pháp luật bảo vệ và họ cũng có cách để buộc những người có trách nhiệm fải sử dụng quyền Nghe của mình. Điều quan trọng nhất hiện nay là nhà cầm quyền phải khôi fục được lòng tin của người dân.

Chính phủ  cần có chính sách khuyến khích người dân có những ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, nêu những điều khó khăn, những điểm yếu kém, và nêu những giải pháp để giải quyết những yếu kém đó. Đóng góp ý kiến là thể hiện quyền tự do dân chủ, và người đóng góp phải có lập trường, mọi ý kiến phải đi đến việc mang lại sự đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước, để phát triển và bảo vệ tổ quốc Việt Nam của chúng ta.

-------------

Bài viết trên mục Diễn đàn thể hiện quan điểm riêng của tác giả

No comments:

Post a Comment