Monday, December 19, 2016

Tổng bí thư Trọng có níu giữ được nạn “chảy máu nhân tài PVN”?

Tổng bí thư Trọng có níu giữ được nạn “chảy máu nhân tài PVN”?
Ảnh: Dân Việt
Nhân vật mới nhất có nhiều dấu hiệu tẩu thoát thành công ra nước ngoài là Lê Chung Dũng – thuộc “gia đình” Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Cũng cho đến nay, đảng không biết Vũ Đình Duy ở đâu. Cũng chẳng có dấu hiệu nào hứa hẹn là Duy sẽ trở về “đoàn tụ”, dù “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc” với cảm xúc “đất nước có bao giờ được thế này không” của Tổng bí thư đã lặng lẽ trôi qua.
Những cái tên Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Lê Chung Dũng đầy hứa hẹn cho một con sóng bỏ trốn vô hồi của giới quan chức đã quá no đủ bằng tiền tham nhũng.
Mất bò mới lo làm chuồng, chính trị Việt Nam luôn là vậy. Chỉ sau những vụ bỏ trốn ngoạn mục trên, Bộ Công Thương mới tăng cường kiểm soát việc đi nước ngoài của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành.
Một thông tin úp mở cho biết số lượng cán bộ doanh nghiệp bị hạn chế xuất cảnh hiện nay không phải là con số nhỏ. Dân trí – một trong ít tờ báo có nhiều dấu hiệu được Trung ương đảng của ông Nguyễn Phú Trọng đặc cách cấp tin, dẫn một nguồn tin không tiết lộ cụ thể, cho biết đó là con số khá lớn. “Không thể tiết lộ cụ thể nhưng số người được yêu cầu theo dõi, kiểm soát không dưới 100 người”.
Nhưng trong thực tế, 100 vẫn là ít. Cũng trong thực tế, “Gia đình PVN” đông đúc bất thường. Có dư luận cho biết một bản danh sách điều tra các nhân vật trong PVN dài đến 192 người. Nghĩa là vẫn còn lại đến 189 đối tượng tình nghi.
Nhưng làm sao có thể đoan chắc là con số 189 trên sẽ không bị hao hụt trong những ngày tháng tới, nhất là sau khi Tổng bí thư Trọng đã đích thân tham gia vào Thường vụ Đảng ủy công an trung ương mà Vũ Đình Duy và Lê Chung Dũng vẫn ung dung “ra nước ngoài chữa bệnh”?
Hàng loạt bê bối về “chảy máu nhân tài” từ dàn nhân sự PVN, cộng với thế bế tắc khá toàn diện của chiến dịch liên quan các vụ Núi Pháo, MibiFone đang phác ra một triển vọng quá đáng âu lo đối với Tổng bí thư Trọng: ngay cả có bắt được Trịnh Xuân Thanh cũng chưa chắc làm gì được những nhân vật đứng phía sau Thanh.
Cũng cho tới nay, vụ Vũ Huy Hoàng – sếp của Trịnh Xuân Thanh – đang có chiều hướng lắng lại sau kỳ họp quốc hội cuối năm 2016. Làn sóng báo chí nhà nước đấu tố Vũ Huy Hoàng cũng không còn khẩn trương quyết liệt như trước. Ai cũng hiểu rằng Hoàng chẳng qua là một kiểu “chết thế” cho Thanh, và giờ có bỏ tù Vũ Huy Hoàng thì dù quá xứng đáng nhưng cũng chẳng làm cho Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước để “tiếc thương”.
6 tháng sau khi phát lệnh “việc cần làm ngay”, và ra lệnh điều tra trực tiếp Trịnh Xuân Thanh, chiến dịch được tuyên truyền là “chống tham nhũng” của tổng bí thư Trọng không chỉ được triển khai một cách chậm chạp đáng ngạc nhiên, mà còn xuất hiện những dấu hiệu bị khựng lại, kể cả bế tắc.
Bức tranh “lưới trời lồng lộng” đối với Trịnh Xuân Thanh cũng bởi thế đang thưa lọt đến não nề. Tất cả đều phải chờ… Interpol quốc tế. Nhưng lại chẳng có gì chắc chắn là Interpol quốc tế sẽ ra tay nhanh chóng. Thậm chí, việc bắt Trịnh Xuân Thanh ở nước ngoài còn có thể còn được “quốc tế” tính toán kèm với một điều kiện đánh đổi nào đó đối với chính phủ CSVN.
Ngay cả có truy tố toàn bộ 189 nhân vật còn lại trong PVN, tình hình cũng có thể chẳng mấy khả quan, bởi “cá lớn” đã bơi đi hết.
Lê Dung / SBTN

No comments:

Post a Comment