Monday, December 19, 2016

Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam khốn đốn vì xài máy cũ

Một xưởng sửa chữa tàu đánh cá ở Việt Nam. (Hình minh họa: STR/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Máy của 90% tàu đánh cá tại Việt Nam quá hạn sử dụng. Đó là lý do càng ngày càng nhiều tàu đánh cá bị hư máy, trôi giạt trên biển, ngư dân phó mặc tính mạng cho may rủi.
Chỉ trong vòng bốn ngày, từ 28 Tháng Mười Một đến 1 Tháng Mười Hai, có tới bốn tàu đánh cá của ba tỉnh bị hư máy khi đang lênh đênh giữa biển.
Ngày 28 Tháng Mười Một, tàu QNg 90134 (Quảng Ngãi) bị hư hộp số khi đang đánh cá ở quần đảo Trường Sa và xin hỗ trợ khẩn cấp.
Ngày 30 Tháng Mười Một, tàu đánh cá mang số hiệu QNg 92823 (Quảng Ngãi), bị chết máy khi đang ở đánh cá ở quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 1 Tháng Mười Hai, có tới hai tàu đánh cá bị hư máy. Máy của tàu KG 91864 (Kiên Giang) hư khi tàu này đang ở vùng biển thuộc vịnh Thái Lan và máy của tàu QB 98991 (Quảng Bình) bị hư khi đang di chuyển ở vùng biển giữa miền Trung và miền Nam.
Nếu chỉ tính số liệu do Trung Tâm Phối Hợp Tìm Kiếm – Cứu Nạn Hàng Hải Khu Vực 4, đặt tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, thống kê, số vụ tàu đánh cá bị hư máy chiếm đến 89% số vụ tai nạn xảy ra trên biển từ đầu năm nay cho đến Tháng Mười Một.
Trả lời thắc mắc của tờ Lao Động, tại sao số vụ tàu đánh cá bị hư máy khi đang lênh đênh trên biển càng ngày càng nhiều và hậu quả của tình trạng này rõ ràng là khó lường về mức độ thảm khốc, ông Võ Khắc Én, phó chi cục thủy sản Khánh Hòa, tiết lộ, đó là do đa số tàu đánh cá trên toàn quốc sử dụng máy cũ đã quá hạn sử dụng. Chẳng hạn 90% trong 1,000 tàu đánh cá xa bờ ở Khánh Hòa sử dụng máy cũ.
Ông Én giải thích, sở dĩ rất nhiều tàu đánh cá sử dụng máy đã quá hạn sử dụng vì giá máy cũ chỉ khoảng từ một nửa đến 2/3 giá máy mới. Do tài chính thiếu hụt, chủ các tàu đánh cá luôn có khuynh hướng chọn máy cũ để tiết kiệm chi phí.
Tờ Lao Động đã khảo sát và cho biết, các xưởng chữa tàu đánh cá lúc nào cũng đông nghẹt tàu cần sửa chữa, bảo trì.
Ông Nguyễn Văn Quang, chủ xưởng sửa chữa tàu đánh cá Quang Anh ở thành phố Nha Trang, bảo rằng, cứ biển động là tàu đánh cá bị hư máy thì chắc chắn là do sử dụng máy cũ.
Nếu quá hạn sử dụng, hệ thống nạp khí, hệ thống tiếp nhiên liệu, của máy tàu đánh cá thường bất ổn, khi phải tăng ga vượt sóng, máy sẽ liệt. Do lực tác động của sóng vào chân vịt, nhông, trục hộp số sẽ gãy.
Đáng ngạc nhiên là chính quyền Việt Nam không hề quan tâm đến điều này.
Ông Lê Đình Khiêm, trưởng phòng quản lý tàu cá và cơ sở hậu cần nghề cá của Chi Cục Thủy Sản Khánh Hòa, thú nhận, trước nay, các công ty vẫn thi nhau nhập cảng tràn lan đủ loại máy tàu cũ đã quá hạn sử dụng từ ngoại quốc. Bởi cả khả năng lẫn phương tiên thẩm định chất lượng máy tàu của Việt Nam đều hạn chế nên khi kiểm tra trong điều kiện bình thường thì máy cũ hoạt động ổn định nhưng lúc ở giữa biển, gặp thời tiết xấu, máy cũ liên tục hư hỏng.
Cả ngư dân lẫn các viên chức hữu trách mà tờ Lao Động cho biết chuyện đều xác nhận, không phải ngư dân ham rẻ, họ chọn máy quá hạn sử dụng, giọng tàu ra khơi, liều mạng giữa đại dương vì không đủ khả năng tài chính mua máy tốt để dùng.
Việt Nam có hơn 1 triệu ngư dân và 28,000 tàu đánh bắt xa bờ. Dù chính quyền Việt Nam thường xuyên hứa hẹn “hỗ trợ tối đa” cho ngư dân, nhằm “phát triển kinh tế biển” và “giữ vững chủ quyền,” nhưng ngư dân Việt Nam luôn phải tự lực cánh sinh. Họ phải tự vay nóng, trả lãi cao để có vốn thực hiện các chuyến đi biển. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment