Sunday, November 6, 2016

Việt Nam vẫn chưa dứt khoát với nông thôn mới, thảm họa mới

Nông dân xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, bị ép xây trụ cổng bằng bê tông theo quy cách do chính quyền đề ra để xã được công nhận là “đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.” (Hình: Tuổi Trẻ)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Quốc Hội Việt Nam đã bỏ ra một ngày để thảo luận về chương trình xây dựng nông thôn mới, dù nhiều người chỉ ra đủ thứ bất ổn nhưng không ai kêu gọi chấm dứt chương trình này.
Trong năm năm, từ 2010 đến 2015, Việt Nam chi ra 850 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Việt Nam có 2,016 xã (23% tổng số xã) đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới.” Theo sau đó là 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15,277 tỷ đồng do xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí đã được đề ra và hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả.
Một đại biểu của tỉnh Quảng Bình bảo rằng, nhiều tiêu chí đã được đề ra để xem xét công nhận đạt “tiêu chuẩn nông thôn mới” không hợp lý nên lãng phí vì không hiệu quả, ví dụ như tiêu chí về chợ, về bưu điện trung tâm. Nhiều chợ xây theo “tiêu chuẩn nông thôn mới” đang bị bỏ hoang và vì đã hết tiền nên không thể xây dựng các cơ sở thiết yếu như trường học, trạm y tế.
Các đại biểu cũng đề cập đến tình trạng để đạt thành tích thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền nhiều xã đã ép dân đóng góp quá mức, kể cả ép các gia đình nghèo, người già, trẻ con.
Một đại biểu của tỉnh Bình Phước đề nghị phải xem kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới có tương xứng với chi phí hay không, có gây ra hậu quả nghiêm trọng, lâu dài cho nông dân, đặc biệt là các gia đình nghèo hay không. Đại biểu này đề nghị kiểm tra xem có bao nhiêu gia đình bị ép buộc đóng góp quá mức nên phá sản.
Đại biểu vừa kể cho biết, vốn đầu tư để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại một xã ở Bình Phước khoảng 175 tỷ đồng. Bình Phước hiện có khoảng 100 xã cần hoàn tất chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng vốn sẽ khoảng 175,000 tỷ đồng. Từ nay đến 2025, thời điểm phải hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn Việt Nam là 11 năm, tính ra, riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi năm Bình Phước phải chi 15,000 tỷ đồng. Bình Phước lấy từ đâu ra khoản này trong khi mỗi năm, tỉnh này chỉ thu về được khoảng 4,000 tỷ đồng?
Đáng nói là sau năm năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, dù di họa của nó rất rõ ràng là nông dân oán thán vì bị vắt kiệt. Nợ nần của hệ thống công quyền tăng vọt. Chính quyền nhiều địa phương phá sản, không còn tiền để chi cho các khoản thiết yếu, chẳng hạn như trả lương cho giáo viên. Nhiều doanh nghiệp phá sản vì cung cấp vật tư, nguyên liệu, nhận thầu các công trình trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng không được thanh toán,… nhưng cuối năm vừa qua, trước khi mãn nhiệm kỳ, 436/437 đại biểu Quốc Hội vẫn tán thành việc chi 193,000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 để thực hiện “chương trình xây dựng nông thôn mới.” Trong 193,000 tỷ đồng để thực hiện chương trình này, chính quyền trung ương sẽ chi 63,155 tỷ, chính quyền các địa phương sẽ chi 130,000 tỷ.
Nay, các đại biểu Quốc Hội khóa mới chỉ bày tỏ băn khoăn chứ không ai đòi dẹp bỏ chương trình mà giới lãnh đạo đảng CSVN đã xác định là “mục tiêu quốc gia!” (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment