Đô đốc Harris phân tích tình hình xây dựng của Trung cộng ở khu Đá Chữ Thập. Ảnh: AP
Ngoại giao CSVN vừa có một cử chỉ gây ngạc nhiên trong mắt giới quan sát quốc tế. Sự việc này xảy ra sau khi Trung Quốc và Maylaysia nhất trí thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên biển Đông thông qua đối thoại và đàm phán song phương. Việt Nam đã lên tiếng phản đối.
Theo đó vào ngày 3/11/2016, Bộ Ngoại Giao Việt Nam khẳng định việc giải quyết tranh chấp trên biển Đông cần phải dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, và bằng biện pháp hòa bình. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình được truyền thông trong nước trích lời nói tại một cuộc họp báo thường niên tại Hà Nội rằng: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề tranh chấp ở biển Đông liên quan đến song phương thì giải quyết qua kênh song phương. Còn các vấn đề liên quan đến đa phương, có nhiều bên thì phải giải quyết thông qua nhiều bên.”
Với tuyên bố trên, đây là lần thứ hai từ đầu năm 2016 đến nay giới ngoại giao Việt Nam tỏ ra một chút “can đảm” khi dám cãi Trung cộng. Vào đầu năm 2016, trước sự kiện một tàu quân sự Mỹ áp sát đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa và bị phía Trung cộng công kích dữ dội, phía ngoại giao Việt Nam đã dè dặt tuyên bố “tàu Mỹ đi qua vô hại”.
Chi tiết đáng chú ý là tuyên bố “tranh chấp ở biển Đông phải giải quyết thông qua nhiều bên” diễn ra hầu như ngay sau chuyến công du có vẻ đột ngột của Đinh Thế Huynh – nhân vật số 5 trong Bộ Chính trị Việt Nam nhưng lại là đương kim “phó đảng” – đến Washington và đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp đón khá trọng thị. Một trong những nội dung mà phía Mỹ đối thoại với “kênh đảng” chính là Biển Đông.
Trong và sau chuyến công du của Đinh Thế Huynh, dư luận bình luận khá trái chiều. Một số dư luận cho rằng Việt Nam vẫn tiếp tục đu dây giữa Mỹ và Trung cộng, và Đinh Thế Huynh đã phải “xin chỉ đạo” từ Tập Cận Bình trước khi sang Mỹ. Nhưng có dư luận lại cho rằng Đinh Thế Huynh đã đám nói với Tập Cận Bình rằng “Hãy làm như nói”. Và sự hiện diện của Tư lệnh Thái Bình Dương – Đô đốc Harry Harris ở Việt Nam trong thời gian Đinh Thế Huynh ở Mỹ cho thấy giữa Việt Nam và Mỹ dường như đã thực hiện một kế hoạch trao đổi nào đó liên quan đến quân sự Biển Đông. Cũng có dư luận cho rằng với chuyến đi của Đinh Thế Huynh, Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam…
Ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Đinh Thế Huynh và chuyến thăn Việt Nam của Đô đốc Harry Harris, 2 tàu khu trục của Hải quân Mỹ đã lần đầu tiên kể từ năm 1975 cập cảng Cam Ranh. Đây được coi là sự kiện mang tính lịch sử.
Có vẻ đang diễn ra những động thái “lạ” trong chính trường Việt Nam, đặc biệt liên quan mảng đối ngoại con thoi và phòng thủ quân sự, trong bối cảnh vẫn đang xuất hiện những tin tức ngoài lề cho biết sau phán quyết về đường lưỡi bò của Tòa án quốc tế, Trung Quốc “sẽ hành động” vào một thời điểm nào đó, mà theo một số dư luận thì rất có thể nhắm vào quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lê Dung / SBTN
No comments:
Post a Comment