Sunday, November 6, 2016

‘Gom’ $11 tỷ bằng công cụ tài chính hay in tiền ồ ạt?

Theo Người Việt-06-11-2016
Phạm Chí Dũng
Một nghịch lý quá khó để lấp liếm là dự trữ ngoại tệ quốc gia được khoe khoang đến $40 tỷ, nhưng nợ công và nợ xấu vẫn không hề thuyên giảm, trong khi hệ thống ngân hàng như một quả bom chỉ chờ phát nổ. Không phải vô cớ mà chỉ đến gần đây, một quan chức cao cấp của chính phủ là Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ mới hé môi về khả năng “sẽ thí điểm phá sản ngân hàng.”
“Điểm sáng” hiếm hoi
Trong bối cảnh “sau năm năm tái cơ cấu kinh tế, nợ công và nợ xấu vẫn tăng” và hệ thống ngân hàng thương mại đang đặt mông trên chảo lửa như nhận định của nhiều chuyên gia nhà nước tại diễn đàn kinh tế Việt Nam, một “điểm sáng” hiếm hoi – cũng là một hiện tượng kinh tế được xem là “nổi bật” ở Việt Nam trong thời gian gần đây và được giới tuyên giáo nhiệt tình ca ngợi là quỹ dự trữ ngoại hối được “nâng lên một tầm cao mới:” Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng thông báo rằng trong chín tháng đầu năm 2016, Ngân Hàng Nhà Nước mua vào $11 tỷ, nâng dự trữ ngoại hối lên hơn $40 tỷ.
Trong khi đó, lại xuất hiện những nghi ngờ trong giới chuyên gia về thực chất của con số $40 tỷ dự trữ ngoại hối do Ngân Hàng Nhà Nước công bố. Theo vài chuyên gia phân tích, cho tới nay, lượng vàng dự trữ tại Ngân Hàng Nhà Nước và hệ thống các ngân hàng thương mại đều chưa được công bố qua các báo cáo chính thức.
Gần đây khi xuất hiện thông tin Bộ Tài Chính Mỹ công bố danh sách 50 quốc gia sở hữu nhiều nhất trái phiếu của chính phủ nước này, dư luận đa chiều lập tức xoáy vào con số tối thiểu $12 tỷ giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ mà Việt Nam đang nắm giữ.
Nếu phân tích dựa trên việc tham khảo chéo giữa hai báo cáo của Bộ Tài Chính Mỹ và Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) năm 2015, giới chuyên gia kinh tế có thể hình dung phần nào tỉ trọng và cơ cấu của các loại tài sản trong danh mục dự trữ ngoại hối hiện nay.
Theo thông lệ quốc tế, dự trữ ngoại hối của một quốc gia, thường do ngân hàng trung ương quản lý, sẽ bao gồm nhiều loại tài sản đa dạng như tiền mặt và tiền gửi thuộc nhóm các ngoại tệ mạnh như đồng đô la Mỹ, đồng bảng Anh, euro, yen; vàng; các giấy tờ có giá như trái phiếu chính phủ nước ngoài; tín phiếu; các chứng khoán khác. Các nền kinh tế lớn thường đứng ở tốp trên trong danh sách các quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối mạnh như Trung Quốc ($3,900 tỷ), Nhật ($1,300 tỷ), Saudi Arabia ($672 tỷ), Thụy Sĩ ($600 tỷ).
Dựa theo báo cáo mới nhất của ADB, dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2014 đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm, lên tới $34.6 tỷ, tăng gần bốn lần so với năm 2005. Trong đó, có ba thành phần chính cấu thành nên dự trữ ngoại hối quốc gia gồm vàng (trị giá $380 triệu); ngoại tệ ($33.8 tỷ), và tiền SDRs ($390 triệu).
Như vậy, nếu đối chiếu chéo với báo cáo của Bộ Tài Chính Mỹ thì trong lượng ngoại tệ dự trữ gần $33.8 tỷ trong năm 2014 của Việt Nam, nhiều khả năng gần 30% là trái phiếu chính phủ Mỹ. Tức dự trữ ngoại hối quốc gia có thể chứa đến 1/3 là giấy tờ có giá của các nền kinh tế lớn, chứ không phải hoàn toàn là ngoại tệ tiền mặt.
Điều đó cũng có nghĩa là lượng tiền mặt trong quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện thời chỉ vào khoảng $26 tỷ – thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu cần có cho ba tháng nhập cảng.
Lấy gì để mua vào $11 tỷ?
Cũng như tình trạng kết cấu của quỹ dự trữ ngoại hối là quá thiếu minh bạch (cho tới giờ không công bố có bao nhiêu đô la Mỹ, bao nhiêu vàng, bao nhiêu SDR, bao nhiêu trái phiếu…), những câu hỏi “ Ngân Hàng Nhà Nước lấy gì để mua vào $11 tỷ?” và “tiền trong quỹ dự trữ ngoại hối được dùng làm gì?” đang được nhiều người xoáy vào.
Ngay cả một chuyên gia gạo cội của nhà nước như ông Vũ Đình Ánh cũng không biết thực hư thế nào, tức $11 tỷ là được mua bằng tiền mặt, mua công cụ tài chính hay mua trái phiếu bằng đô la Mỹ.
Một phóng viên chuyên về tài chính của báo nhà nước đã khẳng định rằng chắc chắn ngân sách không còn kết dư để có thể mua ngoại tệ, mà Ngân Hàng Nhà Nước chỉ có thể gom đô la Mỹ bằng cơ chế “phát hành nguồn vốn.” Nhưng “phát hành nguồn vốn” là gì thì vị phóng viên này lại không nói rõ, gây nên một tình trạng mù mờ không chỉ về thông tin tài chính mà còn lập lờ đánh lận về khái niệm.
Chỉ biết rằng, từ giữa năm 2016 đến nay, các ngân hàng thương mại đột ngột dư tiền, thậm chí dư khủng khiếp, trái ngược với tình trạng ngân sách “rỗng túi” kể từ sự cố “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng mà không biết chi cho cái gì” xảy ra vào cuối năm 2015 – thời điểm sát đại hội đảng 12.
Rất nhiều khả năng Ngân Hàng Nhà Nước đã phải bung tiền mặt ra để hút ngoại tệ. Theo cái cách mà thống dốc ngân hàng trước đây là ông Nguyễn Văn Bình đã nhiều lần làm trong giai đoạn 2011-2015 mà đã tống cho các ngân hàng thương mại hàng đống “trái phiếu đặc biệt,” nhiều đến nỗi chính phủ không biết lấy gì để thanh toán.
Vậy nguồn tiền mặt bung ra lấy từ đâu? Nếu ngân sách đang cạn tiền thì còn nguồn nào khác? In tiền và in tiền ồ ạt chăng?
Và $11 tỷ thu gom lại tương đương 250,000 tỷ đồng.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh lo ngại rằng 250,000 tỷ được quy đổi ra là cực lớn, có tính thanh khoản cao, đồng thời gợi nhớ về “kịch bản của năm 2007” khi mà Việt Nam mua về $10 tỷ (tỷ giá lúc bấy giờ là khoảng 18,000 đồng, chưa đến 250,000 tỷ) bị “ngập trong tiền và chết đứ đừ vào năm 2008.”
Ông Ánh nhận định cần phải có biện pháp trung hòa thị trường, nhưng ở thời điểm này chưa ai nói có trung hòa hay không mà dường như đang “ném tiền ra thị trường.” Việc làm này chất chứa nhiều nguy cơ, rủi ro lớn.
Một chuyên gia khác là ông Nguyễn Đình Cung thốt lên: “Cứ mải mê huy động và huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố!”
Khi nào sẽ “quy tiên?”
Quả thực, lạm phát đang là một thực tế mà ngay cả Tổng Cục Thống Kê, cơ quan hiếm khi nào nói thực về chỉ số lạm phát, đang phải thập thò về khả năng lạm phát năm 2016 có thể lên đến 5%.
Nhưng 5% vẫn là quá thấp, nếu so với mặt bằng giá cả ở các chợ đầu mối đang tăng lên vô chừng. Tình hình có thể trở lại năm 2011 với mức lạm phát vọt lên xấp xỉ 20% theo số báo cáo, còn trong thực tế mặt bằng giá cả bình quân tăng đến 50%.
Cũng từ những năm trước, nhiều người đã nói về khả năng Ngân Hàng Nhà Nước cho in tiền để “bù đắp khó khăn ngân sách.” Cho tới nay, không một quan chức ngân hàng nào dám công khai đính chính tin đồn này.
Chỉ biết rằng hiện thời các ngân hàng thương mại đang tồn một đống tiền và có thể cả một đống “trái phiếu đặc biệt” với xuất xứ từ Ngân Hàng Nhà Nước. Các ngân hàng thương mại đang buộc phải giảm lãi suất cho vay để đẩy tín dụng ra lưu thông, bất chấp nợ khó thu hồi sẽ tăng mạnh hơn và biến thành nợ xấu.
Nợ xấu lại nhanh gọn biến thành tử huyệt của hệ thống ngân hàng thương mại và do đó là cú hích lật đổ đối với nền kinh tế. Hiện đang tồn ít nhất 550,000 tỷ đồng nợ xấu, trong khi công ty quản lý tài sản tín dụng (VAMC) mới chỉ “xử lý” được khoảng 10% trong số đó, mà cũng chỉ bằng… giấy.
Còn hiện tại và sắp tới, Ngân Hàng Nhà Nước sẽ làm gì để trả nợ và lãi vay ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại? Lại tiếp tục in tiền đồng? Nhưng làm sao có thể in được ngoại tệ?
Mà nếu không in được ngoại tệ, tất cả vẫn nằm gọn trong vòng bế tắc: tiền từ Ngân Hàng Nhà Nước chạy vào ngân hàng thương mại, rồi lại từ ngân hàng thương mại trở về Ngân Hàng Nhà Nước mà không thể phục vụ lưu thông. Sản xuất và kinh doanh cũng vì thế vẫn tiếp tục trì trệ. Bất chấp lãi suất tiết kiệm giảm, người dân và kể cả một số doanh nghiệp vẫn tiếp tục dồn tiền vào ngân hàng thương mại vì “chẳng biết đầu tư cái gì.” Ngân hàng thương mại cũng vì thế càng ứ tiền. Sẽ ứ dến một lúc phải tràn, nghĩa là ngân hàng thương mại sẽ không đủ lợi nhuận để trả lãi tiết kiệm, để sau đó một số ngân hàng thương mại sẽ phải “quy tiên.”
Không phải vô cớ mà chỉ đến gần đây, một quan chức cao cấp của chính phủ là Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ mới hé môi về khả năng “sẽ thí điểm phá sản ngân hàng.”
Tương lai ấy có lẽ không còn xa nữa…

No comments:

Post a Comment