SÀI GÒN (NV) – Đó là nhận định của ông Ngô Viết Nam Sơn, một kiến trúc sư, về tình trạng ngập lụt càng ngày càng tồi tệ ở Sài Gòn.
Trước những lời oán thán về việc nhiều trục đường chính, nhiều khu dân cư, kể cả những khu dân cư trước nay chưa bao giờ bị ngập, giờ dễ dàng chìm dưới cả thước nước, sự kiện phi trường Tân Sơn Nhất liên tục tạm ngưng hoạt động vì ngập… các viên chức hữu trách phân bua rằng, sở dĩ Sài Gòn dễ ngập, ngập vừa sâu vừa lâu, thậm chí không ít lần Sài Gòn lụt nặng chẳng phải do mưa mà chỉ vì thủy triều dâng cao là do cống quá nhỏ, xả rác bừa bãi khiến hệ thống thoát nước bị tắc, kênh rạch bị lấn chiếm.
Trong một cuộc trò chuyện với báo điện tử VnExpress, ông Sơn không tán thành lối giải thích này. Theo ông, cống quá nhỏ hay xả rác bừa bãi, kênh rạch bị lấn chiếm vốn là thực trạng cách nay vài thập niên. Cống quá nhỏ có thể làm cho rộng ra, thiếu tiền mở rộng, làm mới hệ thống cống thoát nước thì có thể điều chỉnh dòng chảy không cho nước dồn quá nhanh về một số nơi. Còn chuyện xả rác bừa bãi, kênh rạch bị lấn chiếm có thể ngăn chặn bằng các biện pháp hành chính. Thậm chí có thể thành lập những nhóm ứng cứu vớt rác, nạo vét ở những khu vực rác thường làm nghẽn dòng chảy.
Ông Sơn nhấn mạnh, tình trạng ngập lụt tại Sài Gòn càng ngày càng tồi tệ là do chống ngập sai. Ông phản bác việc cho rằng Sài Gòn càng ngày càng dễ ngập, ngập vừa sâu vừa lâu là vì biến đổi khí hậu (mưa nhiều, vũ lượng lớn). Ông nhắc lại là nhiều khu vực, mưa rất nhỏ cũng ngập. Theo ông, mật độ xây dựng, bê tông hóa bề mặt Sài Gòn trong thời gian vừa qua quá cao, làm nước mưa không thể thẩm thấu vào lòng đất mà chỉ chảy trên bề mặt, tốc độ chảy rất nhanh, ào ạt dồn về chỗ trũng và gây ngập. Với lối chống ngập như hiện nay, có làm cống lớn thì tình trạng ngập lụt của Sài Gòn vẫn tồi tệ vì không hệ thống cống nào đủ khả năng tiêu thoát một lượng lớn nước trong thời gian ngắn.
Giải quyết tình trạng ngập lụt tồi tệ ở Sài Gòn phụ thuộc vào quy hoạch và khả năng phối hợp của nhiều sở, ngành. Nếu có quy hoạch phù hợp, có hồ điều tiết, kênh rạch hợp lý, khống chế được dòng chảy thì Sài Gòn sẽ không bị ngập.
Ông Sơn bảo rằng, giải quyết ngập lụt là một vấn đề khoa học. Nhiều quốc gia đã thành công như Hòa Lan, Nhật, Thái Lan,… người ta có thể tính được vũ lượng thấp nhất và cao nhất là bao nhiêu, mặt đất, hệ thống kênh, rạch hấp thụ bao nhiêu, cần thực hiện hồ điều tiết, hệ thống cống thoát nước ra sao.
Sài Gòn hiện có một trung tâm chống ngập. Trước nay, trung tâm này làm mọi cách để giảm số lượng điểm bị ngập nhưng không hiệu quả vì chọn sai mục tiêu. Mục tiêu lẽ ra phải là thoát nước cho toàn bộ Sài Gòn, tính toán điều chỉnh hướng dòng chảy, tốc độ chảy bằng những khu tạm chứa. Điều này vượt khỏi tầm vóc của trung tâm. Ông Sơn khuyến cáo là chính quyền thành phố Sài Gòn phải xem lại suy nghĩ và phương thức chống ngập. Phải có một kịch bản hoàn chỉnh. Cần phải nghiên cứu lại chiến lược chống ngập một cách toàn diện, với những chương trình chống ngập cụ thể cho từng vùng.
Cần nhắc lại rằng, chỉ trong vòng 10 năm, từ 2004 đến 2014, chính quyền thành phố chi hết 24,300 tỷ đồng để chống ngập nhưng tình trạng tồi tệ hơn. Giống như ông Sơn, nhiều chuyên gia từng khẳng định, vấn nạn ngập lụt của Sài Gòn là vì quản lý tồi!
Năm 2014, một số chuyên gia về thủy lợi, khí tượng thủy văn, tài nguyên môi trường, từng khẳng định, Sài Gòn khó mà hết ngập bởi vì các dự án chống ngập đã lạc hậu với thực tế. Việc chống ngập cho Sài Gòn đang đi theo hai hướng ngược nhau. Đó là các nghiên cứu sâu để tạo nền móng chắc chắn cho tính khả thi của các dự án rất mỏng manh nhưng quy mô các dự án lại rất lớn. Theo họ, các dự án thực hiện theo những quy hoạch được duyệt đều thiếu nghiên cứu sâu trong khi lẽ ra phải làm ngược lại.
Tuy nhiên, giới hữu trách không thèm bận tâm đến những khuyến cáo này. Năm 2015, thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn phê duyệt đề nghị vừa dùng ngân sách, vừa vay tiền, bán đất để tiếp tục thực hiện các quy hoạch đã lạc hậu với thực tế nhằm chống ngập ở Sài Gòn! Chính quyền thành phố đem “đổi” ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngập lụt tại Sài Gòn không giảm mà liên tục leo từ chỗ chưa từng có này lên chỗ chưa từng có khác. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment