Monday, October 3, 2016

Mồ hôi, nước mắt của Việt Kiều đang bị phung phí

(Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
HÀ NỘI (NV) – Hơn một nửa trong số $12 tỷ mà người Việt sống ở ngoại quốc gửi về hàng năm chỉ để tiêu dùng, trả nợ, gửi ngân hàng lấy lãi, do vậy đã trở thành một sự lãng phí lớn.
Đó là nhận định của Ngân Hàng Thế Giới (WB) và các chuyên gia kinh tế Việt Nam.
Kiều hối của Việt Nam tăng đều đặn suốt hai thập niên vừa qua và trở thành một nguồn lực quan trọng giúp chính quyền Việt Nam cầm cự với những khó khăn do kinh tế liên tục suy thoái.
Năm 1991, Việt Nam chỉ nhận được khoảng $35 triệu kiều hối, nhưng đến năm 2015, con số này là $12.25 tỷ. Tính ra, mức độ gia tăng của kiều hồi xấp xỉ 40%/năm.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 10 quốc gia nhận được lượng kiều hối lớn nhất trên thế giới. Còn nếu tính theo khu vực Đông Nam Á, lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được chỉ thua Philippines.
Từ 2013 đến nay, lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm tương đương 7% GDP, xấp xỉ mức đầu tư của các tập đoàn, công ty ngoại quốc vào Việt Nam (FDI) và cao gấp đôi mức giải ngân viện trợ phát triển không hoàn lại (ODA).
Theo các chuyên gia, 80% kiều hối mà Việt Nam nhận được là do những người Việt định cư ở ngoại quốc sau Tháng Tư, 1975 gửi về.
Có tới $7 tỷ trong $12.25 tỷ kiều hối mà Việt Nam nhận năm ngoái được gửi từ Hoa Kỳ về.
Sài Gòn luôn là nơi nhận được lượng kiều hối lớn nhất (từ 45% đến 55% tổng lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm).
Dẫu chính quyền Việt Nam cố gắng nâng số lượng người Việt đi làm thuê ở ngoại quốc lên mức hàng trăm ngàn mỗi năm để đẩy tổng lượng kiều hồi hàng năm lên cao hơn, lượng kiều hối của nhóm này chỉ xấp xỉ 7% tổng lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được hàng năm.
Dù lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm rất đáng kể, cả WB lẫn các chuyên gia kinh tế của Việt Nam đều cảm thấy tiếc khi chính quyền Việt Nam vẫn chưa có chính sách thích hợp để kiều hối trở thành một nguồn lực phát triển kinh tế xã hội.
Cuối tuần vừa qua, Đại Học Kinh Tế Quốc Dân ở Hà Nội phối hợp với Hiệp Hội Nhà Đầu Tư Nước Ngoài (VAFIE) tổ chức thảo luận về “quan hệ giữa kiều hối và hoạt động đầu tư tại Việt Nam.” Người tham dự hội thảo này cũng cho rằng, chính quyền Việt Nam đang phung phí một nguồn tài chính rất quan trọng
Theo kết quả một cuộc khảo sát do Viện Nghiên Cứu và Quản Lý Kinh Tế Việt Nam (CIEM) thực hiện, dù tổng lượng kiều hồi chỉ tăng chứ không giảm, số tiền được dùng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trồi sụt rất thất thường.
Trong giai đoạn từ 2012 đến 2013, tỉ lệ kiều hối được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh chiếm khoảng 30% tổng lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm, nhưng đến năm 2014, tỉ lệ này sụt xuống chỉ còn 16%. Đến năm 2015, tỉ lệ này vọt lên 70%.
Ông Nguyễn Kim Chung, viện phó CIEM, nhận định, sở dĩ lượng kiều hối được dùng để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trồi sụt rất thất thường vì mức độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không ổn định. Đây là lý do lượng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm không được dùng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh mà chảy vào bất động sản, gửi ngân hàng lấy lãi hay chi tiêu.
Ông Nguyễn Mại, chủ tịch VAFIE, cho rằng, trong bối cảnh FDI khó tăng trưởng mạnh, mức độ ưu đãi của ODA giảm thành ra Việt Nam buộc phải giảm vay để nợ nần không quá lớn, chính quyền Việt Nam cần phải có chính sách rõ ràng và hợp lý để “nắn” dòng kiều hối mà Việt Nam nhận hàng năm chảy vào sản xuất kinh doanh.
Tính đến hết năm ngoái, có 52/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam tiếp nhận 2,000 dự án đầu tư, quy mô chung khoảng $8.6 tỷ từ kiều hối. Nhiều chuyên gia kinh tế hy vọng, khi kiều hối hướng vào sản xuất, kinh doanh, nó sẽ trở thành một nguồn lực lớn giúp kinh tế, xã hội Việt Nam phát triển tốt hơn.
Theo họ, muốn được như thế, chính quyền Việt Nam phải tạo điều kiện thuận lợi cho dân chúng ra ngoại quốc làm việc, cư trú, gia tăng thông tin để người Việt cư trú ở ngoại quốc nhìn ra “cơ hội đầu tư” ở Việt Nam, mở rộng quyền mua, bán nhà tại Việt Nam của người Việt cư trú ở ngoại quốc để phát triển thị trường địa ốc. (G.Đ.)

No comments:

Post a Comment