Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-10-03
Bí thư thành ủy TPHCM, ông Đinh La Thăng, ảnh minh họa chụp trước đây tại Hà Nội. AFP PHOTO
Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện tại, cũng như các quốc gia cộng sản trong quá khứ, các ông bí thư đảng giữ vai trò rất quan trọng. Ở mọi cấp độ của hệ thống quyền lực đều có những ông bí thư, từ bí thư khu phố, rồi phường xã, quận huyện, tỉnh thành, rồi cuối cùng lớn nhất là ông Tổng bí thư. Đương nhiên những ông bí thư ở các thành phố quan trọng thì cũng rất quan trọng trong bộ máy quyền lực đó.
Một ông bí thư đang được các blogger nhắc đến liên tục trong những ngày cuối tháng chính là đương kim Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng.
Ông Thăng từng giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy kinh tế và hành chính của chính phủ do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, như phụ trách Tổng công ty dầu khí, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, trước khi ông được bổ nhiệm làm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, và đắc cử vào Bộ Chính trị của đảng, cơ quan nắm quyền lực thực sự của đất nước.
Trên mạng xã hội bắt đầu bàn tán về ông Thăng sau khi một thuộc cấp của ông trước kia là ông Trịnh Xuân Thanh bị tình nghi tội tham nhũng và biến mất. Một người phó cũ khác của ông Thăng thì bị bắt giam.
Blogger, nhà báo Huy Đức viết liên tục hai bài mang tên Thanh hay Thăng, và Tảng băng nổi, chỉ trích đích danh ông Đinh La Thăng. Trong hai bài viết này tác giả đưa ra rất nhiều những số liệu kinh tế và thống kê, chứng minh rằng ông Đinh La Thăng đã làm tổn hại rất nhiều cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian ông còn phụ trách Tổng công ty dầu khí.
Trong một xã hội khi thông tin, đặc biệt là thông tin về chính trị đã bị bưng bít như ở Việt Nam hiện nay, khi mà các thông tin đều bị định hướng theo hướng có lợi cho nhà cầm quyền và những thông tin bị coi là "nhạy cảm.
-Blogger Kami
Không thấy báo chí chính thống của nhà nước nói gì về câu chuyện này.
Hai bài viết của nhà báo Huy Đức gây nên một trận tranh cãi giữa những blogger với nhau, có blogger nghi ngờ rằng nhà báo viết để ủng hộ ông Tổng bí thư tấn công đối thủ chính trị của ông là cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà nhiều lời đồn đãi cho rằng chính là người đứng sau lưng ông Đinh La Thăng.
Tác giả Lê Dung viết rằng hai bài viết của nhà báo Huy Đức là để bắt đầu một cuộc chiến truyền thông nhằm hủy diệt ông Đinh La Thăng. Ông Bùi Quang Vơm thì lần ngược lại câu chuyện Trịnh Xuân Thanh mà cho rằng có thể câu chuyện một viên chức nhà nước bị truy tố về tham nhũng sẽ trở thành một trận bão táp về chính trị.
Những ý kiến chống nhà báo Huy Đức tập trung ở một ý lớn cho rằng chuyện tham nhũng của ông này hay ông kia không quan trọng mà quan trọng hơn là cả một hệ thống đang bị hư hỏng.
Blogger Đặng Ngữ viết:
Huy Đức hết sức cổ vũ cho việc chống tham nhũng; anh tin rằng bằng việc loại bỏ những "con chuột" cỡ bự thì bộ máy sẽ trong sạch trở lại, tạo tiền đề khởi động cho thể chế dân chủ.Huy Đức hết sức cổ vũ cho việc chống tham nhũng; anh tin rằng bằng việc loại bỏ những "con chuột" cỡ bự thì bộ máy sẽ trong sạch trở lại, tạo tiền đề khởi động cho thể chế dân chủ.
Câu hỏi là, có lý nào Huy Đức không biết rằng, sai lầm ở toàn bộ bộ máy này, toàn bộ hệ thống này; và rằng hệ thống là không thể tự sửa chữa dù đại đa số đảng viên đều là đảng viên tốt.
Blogger Kinh Thư tiếp lời:
Ai cũng biết cái gốc của mọi vấn đề là chế đô. Cá nhân cho dù chức này chức nọ cũng chỉ là 1 con ốc trong guồng máy. Đánh vào cá nhân xấu xí, cũng được đi, nhưng đó chỉ là những cú đánh tranh dành quyền lợi giữa các phe nhóm lợi ích. Thay cá nhân này bằng cá nhân khác thì nhân dân đằng nào cũng ngất ngư và nghèo khổ, chả được gì. Trong cuộc hí trường này nhân dân chỉ là khán giả bất đắc dĩ. Thôi thì thằng nào chết nhân dân cũng vỗ tay..
Bà Hồ Thu Hồng, cũng là một cựu nhà báo ở Việt Nam viết rằng Với các tội danh đó (đối với ông Thanh và ông Thăng) thì có thể truy tố hầu hết các lãnh đạo tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.
Blogger Thiện Ý hỏi rằng liệu chiến dịch chống tham nhũng của ông Tổng Bí Thư có phải là để diệt trừ các phe phái kình địch với nhau trong đảng cộng sản hay không.
Có những blogger ủng hộ nhà báo Huy Đức.
Một blogger viết rằng nhiều người không thích ông Nguyễn Phú Trọng nên phủ nhận hết mọi cố gắng chống tham nhũng của nhà báo Huy Đức.
Blogger Lê Công dù không đồng ý với Huy Đức nhưng cũng nói rằng: Tuy nhiên, nếu điều mà anh làm là đúng, là ích nước lợi dân thì cho ông ngàn lần xin lỗi.
Khi kết thúc bài viết thứ hai liên quan đến ông Đinh La Thăng, tác giả Huy Đức viết:
Tất nhiên, trách nhiệm không chỉ một mình Đinh La Thăng. Nhưng nếu không xử lý ông Thăng thì bao nhiêu tuyên bố về chống tham nhũng cũng trở nên sáo rỗng.
Có nhiều người hỏi, khi viết về Đinh La Thăng tôi có sợ không. Tôi trả lời: Sợ. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn hơn, đó là, tôi sợ tương lai đất nước tôi rơi vào tay những kẻ tham lam và bịp bợm.
Cuộc chiến thông tin mới trong cuộc chiến quyền lực
Trước những lời đồn đãi phe này phe kia trong nội bộ đảng cộng sản, blogger Kami cho rằng điều đó xuất phát từ một nền truyền thông độc quyền, không minh bạch của đảng:
Trong một xã hội khi thông tin, đặc biệt là thông tin về chính trị đã bị bưng bít như ở Việt Nam hiện nay, khi mà các thông tin đều bị định hướng theo hướng có lợi cho nhà cầm quyền và những thông tin bị coi là "nhạy cảm. Điều đó đã càng kích thích sự thèm khát tin tức trái chiều của dân chúng, đó là lý do vì sao các tin tức chưa được kiểm chứng, đặc biệt là các tin tức mang màu sắc của thuyết âm mưu trở thành món ăn “khoái khẩu” của đa số người dân không ưa chế độ.
Tuy vậy không khí truyền thông ở Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi. Nhiều lần báo chí chính thống của nhà nước cũng phải nêu lời giải đáp cho những tin tức được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội sau một thời gian dài im lặng. Thậm chí nhà báo Phạm Chí Dũng còn cho rằng việc kiểm soát truyền thông của đảng đã không còn tập trung như trước đây nữa.
Tình trạng độc quyền chính trị đã làm cho bộ máy quyền lực của Việt Nam trở nên bất lực, không thể giải quyết được các vấn đề của quốc gia.
-Blogger Nguyễn Thị Từ Huy
Trong một lần trao đổi với chúng tôi ông nói:
“Sự phân hóa truyền thông liên quan đến sự phân hóa chỉ đạo, sự phân hóa này liên quan đến lực lượng chỉ đạo truyền thông cũng bị phân hóa nốt. Và tôi cho rằng Ban tư tưởng trung ương, tức là Ban tuyên giáo trung ương không còn đóng vai trò là đầu mối chỉ đạo truyền thông như thời gian trước đây, mà chỉ đạo truyền thông bây giờ bao gồm cả những lực lượng khác.”
Ông Phạm Chí Dũng cũng cho biết thêm rằng lần đầu tiên bài viết của một bí thư thành ủy, kiêm ủy viên bộ chính trị là ông Đinh La Thăng bị gỡ khỏi một tờ báo của nhà nước khi ông trình bày quan điểm của ông về một cựu chiến binh Mỹ.
Theo blogger Lê Diễn Đức thì trong lịch sử đảng cộng sản Việt Nam có hai đương kim Bộ chính trị bị kỷ luật lúc đương chức. Đó là ông Hoàng Văn Hoan bỏ chạy sang Trung quốc vào năm 1979 và bị xử tử hình vắng mặt. Người thứ hai là ông Trần Xuân Bách bị khai trừ đảng vào năm 1990 khi muốn xúc tiến những cải cách dân chủ.
Con đường dân chủ gian nan
Nhận xét về hiệu quả của bộ máy công quyền hiện nay của đảng cộng sản Việt Nam, blogger Nguyễn Thị Từ Huy viết:
Tình trạng độc quyền chính trị đã làm cho bộ máy quyền lực của Việt Nam trở nên bất lực, không thể giải quyết được các vấn đề của quốc gia. Vụ Formosa, thực ra không mấy khó khăn để giải quyết nhưng chính phủ cũng không giải quyết nổi. Chỉ riêng việc chính phủ phải mất đến ba tháng trời mới công bố nguyên nhân của vụ ô nhiễm đã chứng tỏ sự yếu kém của chính phủ đến mức nào. Và việc giải quyết với mức đền bù 500 triệu đô la cho thấy chính phủ bất lực đến mức nào, như nhiều phân tích đã chỉ ra.
Guồng máy chính trị hiện nay không thể che dấu sự yếu kém và bất lực trong việc điều hành quốc gia. Đồng thời lại phạm sai lầm ở chỗ lấy việc đàn áp nhân dân để chứng tỏ quyền lực của mình.
Chống lại bộ máy quyền lực đàn áp đó, theo blogger Song Chi thì hiện nay chỉ là những phản kháng theo kiểu thóa mạ các vị lãnh đạo từ cao tới thấp, và Song Chi nói rằng sự thóa mạ như vậy không đưa đến một sự thay đổi nào.
Trở lại chuyện ông Đinh La Thăng và cuộc tranh cãi nhau giữa các blogger, xin trích lời tác giả Trần Minh Khôi, như lời kết của bài điểm blog này:
Một trong những bí quyết của những kẻ độc tài trong cố gắng duy trì quyền lực độc đoán của họ là làm suy thoái nhân cách của đám có chữ. Khi không còn đủ một lớp người có học và có nhân cách thì những kẻ độc tài không còn lo bị đào thải. Khi đám có chữ vẫn chửi bới nhau, vẫn thóa mạ nhau, vẫn sỉ vả nhau nhân danh những điều tốt đẹp thì chúng ta không có lý do để lạc quan về tương lai tự do. Một đám ma cô có thể nhân danh "quốc gia", "dân tộc" để "giành độc lập", để "thống nhất đất nước" nhưng những kẻ chửi vả, thóa mạ nhau thì không thể nhân danh tự do để giành lại cái gì cả. Đấu tranh cho tự do đòi hỏi nhân cách. Khi bạn nghe ai đó thóa mạ, sỉ vả, chà đạp nhân phẩm của ai đó khác thì bạn phải cảnh giác: họ không xứng đáng để nói đến tự do.
No comments:
Post a Comment