HÀ TĨNH (NV) – Trong khi cơ quan hữu trách còn loay hoay với việc có tiếp tục cho Formosa xả thải ra biển hay không, thì ngư dân ở 4 tỉnh miền Trung vẫn đang khốn đốn vì hải sản không bán được.
Theo mô tả của phóng viên báo Thanh Niên, chiều 8 tháng 9, tại 2 cảng cá Cửa Sót và Cửa Nhượng của Hà Tĩnh, nhiều tàu cập bến đầy ắp cá, tôm, cua, sò…, song sức mua vẫn ì ạch, khiến thu nhập của ngư dân bị giảm mạnh.
Bà Nguyễn Thị Yến (43 tuổi), ngụ xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, người trực tiếp buôn bán hải sản tại cảng cá Cửa Sót, cho biết, tâm lý người dân còn e dè, chưa dám ăn hải sản như trước nên lượng bán ra sụt giảm. Có nhiều loại cá biển như cá trích, cá lẹp, lòi… không ai mua.
Tại Quảng Bình cũng tương tự. Ông Nguyễn Thanh Điệu, chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, cho biết, đến thời điểm hiện tại tình hình tiêu thụ thủy hải sản vẫn chưa có chuyển biến tích cực, người dân vẫn dè chừng với hàng đánh bắt từ biển. Vì thế, việc mua bán ế ẩm, giá cả rớt xuống bằng 1/3 so với thời điểm chưa xảy ra sự cố môi trường biển do Formosa gây ra. Chưa hết, ngư dân còn bị các đầu nậu thu mua ép giá, nhưng buộc phải bán để có thu nhập, chi phí trang trải cuộc sống.
Từ cuối tháng 4 năm 2016, khi thảm họa cá chết xảy ra, ngư dân 16 xã, thị trấn ven biển của tỉnh Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nghề cá đáy gần bờ dường như đã tê liệt, tàu cá nằm bờ nhiều tháng liền. Họa chăng đánh được ít thì cũng không bán được vì từ lâu người dân đã “nói không” với các loại cá tầng đáy, sống gần bờ.
Trong khi đó, việc đánh bắt xa bờ cũng không khá hơn. Tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh và thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, là hai địa phương có số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất tỉnh Quảng Trị, ngư dân cho biết, những chuyến ra khơi dài ngày của họ đã không mang về lợi ích kinh tế lớn như trước đây mà chỉ có thể là hòa hoặc lỗ vốn.
“Giá nhân công, xăng dầu, đá lạnh, thực phẩm… vẫn như trước hoặc tăng hơn trong khi giá hải sản thì lại xuống thấp. Nhiều khi bán người ta không muốn mua, có lúc phải bán cho các kho lạnh… Nhưng gần đây cũng không bán được vì các chủ vựa cá cũng sợ không dám ‘ôm’ hàng nữa rồi”, ngư dân Bùi Đình Sanh, thị trấn Cửa Việt nói.
Đáng lưu ý, hiện tại chợ Đông Hà, chợ lớn nhất tỉnh Quảng Trị, số tiểu thương tại hàng cá đã giảm đến hơn 50%. Theo ban quản lý chợ, do người tiêu dùng quay lưng với thủy sản, việc buôn bán quá ế ẩm nên các tiểu thương đành phải bỏ việc hoặc chuyển sang bán thứ khác. Thậm chí, Ban Quản Lý chợ đã tìm cách miễn giảm phí thuê mặt bằng cho các tiểu thương bán cá nhưng cũng không thể giữ chân được họ… (Tr.N)
No comments:
Post a Comment