Dắt trâu, bắt bò, tạm thu tài sản và tính lãi cắt cổ… đó là cách mà cán bộ xã, thôn ở Hà Vinh (Hà Trung, Thanh Hóa) thực hiện để ép dân nộp tiền đóng góp.
LTS: Sau khi Trí Thức trẻ đăng tải loạt bài "Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa", phản ánh những vấn đề liên quan đến việc huy động đóng góp của người dân ở xã Trường Sơn (huyện Nông Cống), ngày 17/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra nội dung báo chí phản ánh.
Ngày 5/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ông Nguyễn Đình Xứng đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng về việc này và nghiêm túc xử lý những sai phạm mà Trí Thức trẻ đã nêu.
Nhiều lần trao đổi với phóng viên, một vài vị lãnh đạo Thanh Hoá đã bày tỏ mong muốn Trí Thức trẻ tiếp tục chỉ ra những khuyết điểm, sai phạm xung quanh chuyện huy động đóng góp ở các địa phương để giúp tỉnh khắc phục "vấn nạn" này.
Trên tinh thần xây dựng, cao hơn nữa là để người dân thôn quê còn nhiều cam khó thoát khỏi cảnh còng lưng đóng góp những khoản thu chưa đúng, quá sức, Trí Thức trẻ tiếp thực hiện việc điều tra này ở xã Hà Vinh, huyện Hà Trung.
Phóng viên bị cán bộ "kèm"
Khi chúng tôi thực hiện loạt bài điều tra "Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa" thì nhiều độc giả đã thông tin tới tòa soạn và cho biết, ở Hà Vinh người dân còn phải đóng góp kinh khủng hơn nhiều những địa phương mà chúng tôi từng đề cập.
Xã Hà Vinh nép sau những dãy núi đá vôi và cả hệ thống nhà máy xi măng Bỉm Sơn sừng sững. Đường vào xã quanh co, lắt léo, mấp mô, lởm chởm.
Thấy chúng tôi đến bằng chiếc xe mang biển tỉnh xa, nhiều người đã túa ra ngó nghiêng bằng ánh mắt lạ lẫm, thăm dò.
Theo như lời chỉ dẫn của một độc giả thì địa chỉ đầu tiên chúng tôi tìm đến là thôn 11, một thôn nằm khá xa trung tâm xã. Tiếp chúng tôi là một bác nông dân chất phác, thật thà.
Tuy nhiên, câu chuyện giữa chúng tôi vừa bắt đầu thì đã phải khép lại bởi có sự xuất hiện của một vị khách không mời. Vị này là trưởng thôn 11. Đến nhà, vị này chẳng nói chẳng rằng cứ an tọa ngay cạnh gia chủ rồi hí hoáy bấm điện thoại.
Biết có thi gan cũng chẳng ăn thua, chúng tôi đành rút lui, hẹn chủ nhà hôm khác sẽ đến hỏi chuyện.
Di chuyển sang nhà khác, cách nhà bác nông dân kia một đoạn vài trăm mét, chúng tôi yên chí bởi không thấy có ai theo mình.
Tuy nhiên, cũng vừa mở chuyện thì có hai người phóng xe máy tới. Một người mặc trang phục của công an viên, một người mặc thường phục. Như ở nhà bác nông dân khi nãy, hai người này cũng cứ vô tư xen vào giữa cuộc trò chuyện của chúng tôi với gia chủ.
Theo giới thiệu của hai vị khách không mời trên thì họ là công an xã Hà Vinh, trên đường đi tuần, thấy có xe biển lạ nên họ tạt vào để… nắm tình hình.
Biết có cố hỏi thì người dân cũng chẳng dám nói gì khi có "quan xã" kè bên nên chúng tôi lại phải lùi ra.
Lần này, không muốn những cán bộ mẫn cán ấy bám theo, chúng tôi đã gửi xe lại và rẽ vào những đường ngang lối tắt chằng chịt trong làng.
Kế sách ấy đã phát huy tác dụng, những "cái đuôi" lì lợm đã không còn nhằng nhẵng.
Rẽ vào một nhà dân nằm khuất lấp trong con ngõ nhỏ, chênh vênh trên sườn đồi, hỏi chuyện mới biết chủ nhà là anh Đặng Văn Đoán có vợ là chị Nguyễn Thị Hoa.
Toát mồ hôi với những khoản đóng góp… siêu khủng
Vợ chồng anh Đoán, chị Hoa đông con. Trò chuyện, chị Hoa nói vui, ở quê không có việc làm nên buồn thì đẻ. Bởi "buồn nhiều" nên tuy tuổi mới ngoài 40 nhưng hai vợ chồng đã có tới 7 mặt con. Đứa đầu sinh năm 1994, đứa út mới vừa 3 tuổi.
"Ngần ấy đứa rồi, chẳng biết còn đứa nào muốn chui ra nữa không?", chị Hoa tếu táo.
Ở Hà Vinh nhiều nhà "mắn" như gia đình chị Hoa. Con cái cứ lít nhít bấu lấy bố mẹ mỗi khi nhà có khách.
"Các cụ bảo, có phúc mới đông con nhiều cháu. Tôi thì chả thấy phúc đâu, chỉ thấy trăm đường khổ cực!", sau vài lời pha trò thì chị Hoa trầm tư nét mặt.
"Ở đâu nhiều con thì sướng chứ ở đây nhiều con thì càng thêm khốn khổ. Đóng góp người ta cứ thu trên đầu khẩu, sợ lắm!", anh Đoán thở dài đánh thượt phụ họa.
Hà Vinh người đông đất chật. Mưu sinh, nhiều người đã phải tứ tán khắp nơi. Vợ chồng anh cũng vậy, cũng từng phải tha hương để mong kiếm đủ gạo nuôi bầy con thơ dại.
Nơi khác xa quê thì cồn cào nhớ. Thế nhưng với vợ chồng anh Đoán thì khi xa nhà chỉ thấy xót, thấy thương đám con nheo nhóc.
Còn với nơi cắt rốn chôn nhau thì lúc nào trong đầu cũng vẹn nguyên những ký ức hãi hùng.
"Sợ nhất là là đến mùa đóng góp. Năm hai lần họ thu, lần nào gia đình tôi cũng phải cuống cuồng vay nợ", chị Hoa cho biết.
Lật đật mở tủ lấy xấp giấy "thanh toán các khoản đóng góp" của gia đình cho chúng tôi xem, chị Hoa bảo: "Đấy, tôi xem mà cứ hoa cả mắt, chẳng hiểu họ thu những khoản gì mà thu nhiều thế. Vợ chồng tôi ít học, họ bảo thu bao nhiêu thì cứ thế mà đóng thôi".
Đúng như lời chị Hoa nói, nhìn xấp phiếu thanh toán thu của gia đình, chúng tôi cũng thấy choáng váng, xa xẩm mặt mày. Mỗi vụ, các khoản thu của xã, thôn, hợp tác xã, các tổ chức đoàn thể được viết kín đặc trên mặt giấy A4.
Cũng giống như vợ chồng anh Đoán, chúng tôi không thể "định nghĩa", "chỉ mặt gọi tên" nhiều khoản trên những tờ phiếu thu này.
"Gia đình tôi được sở hữu có 1 sào ruộng thôi. Ở quê không làm ruộng thì cũng chẳng biết làm gì bởi thế gia đình xin đấu thầu thêm 3 sào nữa, nhưng làm cũng chẳng đủ tiền đóng góp đâu!", chị Hoa chia sẻ.
Theo chị Hoa, đến vụ, nếu được mùa, bán tất cả số thóc gia đình thu được cũng chỉ được 5-6 triệu đồng. Ngần ấy, trừ tiền đầu tư, công sức thu gặt đi có khi còn lỗ.
"Ấy thế mà vụ nào gia đình cũng phải đóng góp tới 7-8 triệu đồng. Thậm chí, có vụ còn tới hơn chục triệu", chị Hoa bức xúc.
Vụ chiêm năm 2015, gia đình chị Hoa phải đóng gần 13 triệu đồng. Chưa hoàn hồn sau vụ đóng góp này thì đến vụ mùa, gia đình chị Hoa lại phải xoay hơn 7 triệu đồng để tiếp tục "hoàn thành nghĩa vụ" công dân.
Năm 2016, vụ chiêm, "giấy thanh toán" cũng yêu cầu gia đình chị Hoa nộp hơn 8 triệu đồng.
Tính lãi theo kiểu "chợ đen"
Chị Hoa bảo, nhiều năm nay, cứ sắp đến mùa đóng góp là hai vợ chồng mất ăn mất ngủ.
Như đã nói ở trên, vài năm trước, cũng bởi gánh nặng này mà hai vợ chồng phải thắt ruột gửi con lại cho ông bà chăm rồi vào tận Tây Nguyên trồng sắn với người bà con những mong kiếm chút tiền trang trải nợ nần.
Thế nhưng, vận hạn, mới đi làm được vài tháng thì chị Hoa bị tai nạn và phải trải qua nhiều ngày phẫu thuật, chữa trị công phu.
Sau nhiều năm vất vả, nói như lời chị Hoa, sức khỏe anh Đoán cũng "tụt dốc không phanh". Bệnh tật khiến anh không thể làm việc nặng mà chỉ ở nhà quanh quẩn đuổi gà, trông con.
Bởi nghèo khó, đám con anh Đoán cũng chẳng đứa nào được học hành tử tế.
"Hai đứa lớn có tí da thịt thì đã lấy chồng rồi, đứa thứ ba thì đi làm ô sin cho gia đình người ta. Không có khoản tiền mà nó gửi về mỗi tháng nó gửi về thì chúng tôi cũng chẳng biết xoay xở thế nào", anh Đoán ngậm ngùi.
Chị Hoa bảo, vụ nào cũng phải nộp cả đống tiền nên cứ thấy lúa gục đầu ngoài đồng là hai vợ chồng lại hớt hải lo, cuống cuồng vay mượn.
Thế nhưng, chẳng mấy vụ gia đình chị Hoa "hoàn thành nghĩa vụ đóng góp".
"Hầu như vụ nào gia đình tôi cũng thiếu, cũng phải xin khất để vụ sau đóng tiếp", chị Hoa tâm sự.
Nói là xin khất chứ thực ra số tiền nợ lại sau mỗi vụ gia đình chị Hoa vẫn phải chịu lãi. Và, lãi ấy, so với mặt bằng là cắt cổ!
Cụ thể, trên "giấy thanh toán" vụ chiêm năm 2015, bởi còn nợ lại 2,4 triệu đồng từ vụ trước nên sau mấy tháng, theo cách tính lãi là 1,2% tháng, gia đình chị phải trả thêm 172 nghìn đồng.
Vụ chiêm 2016, không rõ gia đình còn nợ lại bao nhiêu, nhưng chỉ sau 8 tháng, vợ chồng anh chị phải trả thêm 475 nghìn tiền lãi.
"Thật ra nếu vay nóng được ở ngoài thì chúng tôi cũng vay để trả nợ cho xong nhưng ở đây ai cũng như mình cả", anh Đoán chia sẻ.
Đem tài sản đi lánh nạn sau lần bị cán bộ cưỡng chế con bò
Không chỉ vợ chồng chị mà ở Hà Vinh, nhiều người cả đời cũng chẳng thể quên những ký ức hãi hùng đến từ "những mùa đóng sản".
"Ở đây, ai vì quá khó khăn mà chưa đóng được tiền là xã, thôn họ cho người đến thu tài sản. Nhà tôi cũng từng bị họ bắt cả con bò", ánh mắt thất thần, chị Hoa nhớ lại.
Con bò ấy, theo như lời chị Hoa thì vợ chồng chị phải vay ngân hàng để mua.
Vụ đó, gia đình chị Hoa còn thiếu tiền nộp sản 300 nghìn đồng."Khi đó chồng tôi đang vào rừng đốt than củi nên chưa kịp đem tiền về nộp", chị Hoa nhớ lại.
Chồng vắng nhà, không biết xoay đâu tiền để "thanh toán món nợ" trên nên mấy ngày cán bộ thôn, xã thành lập đoàn... truy thu chị Hoa đã đứng ngồi không yên, phấp phỏm lo sợ. Và rồi, nỗi lo lắng của chị đã thành sự thật.
Hôm ấy, đang đi bắt cua ở gần nhà, nhác thấy đoàn cán bộ đến, hoảng hốt, chị Hoa đã chạy lên ngọn đồi gần đó để… trốn. Thế nhưng, chị chạy không thoát.
Một người trong đoàn công tác đã phát hiện ra hành vi đào tẩu của chị nên đã rượt theo. Đuổi được một quãng đuối hơi, người này đã nói với theo, đại ý, trốn lên trời cũng chẳng thoát, trốn thì đoàn vẫn cứ… dắt bò.
Nghe người này nói vậy, hết sợ, chị Hoa lại tất tưởi chạy về. Tới nhà thì đã thấy đoàn công tác đứng kín ngoài sân. Và, mặc chị than khóc van xin, đoàn vẫn kiên quyết dắt bò đi.
Sợ "cả gia tài" của mình bị bỏ đói, hôm sau, cạy cục vay mượn, chị đã mang tiền đến nhà cán bộ thôn xin nộp để chuộc bò về.
Theo lời chị Hoa, ngoài số tiền gia đình còn thiếu thì chị phải nộp thêm 100 nghìn nữa. Khoản này là phí trông coi, chăn nuôi bò trong 1 ngày đêm.
Anh Đoán bảo, sau lần ấy, cứ đến mùa đóng sản, hễ không đóng đủ tiền là hai vợ chồng lại phải tính cách để đối phó với tổ cưỡng chế của xã, thôn.
"Nhà có mỗi cái ti vi cũ thôi, nhưng nhiều lần tôi phải mang đi gửi đấy. Để ở nhà nhỡ họ đến thu mất thì mấy đứa nhỏ lại chẳng có cái xem", anh Đoán tâm sự.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ở Hà Vinh có rất nhiều nhà bị cưỡng chế tài sản do không hoàn thành "nghĩa vụ đóng góp". Kinh hoàng là chuyện tưởng chỉ có ở thời phong kiến này cách đây 2-3 năm vẫn liên tiếp diễn ra.
Hãi hùng hơn, theo như lời một cán bộ xã thì việc dị thường, bất nhẫn này đã được xã thông qua và chính vị này cũng từng nhiều lần dẫn đầu đoàn đi cưỡng chế.
(Còn tiếp)
theo Trí Thức Trẻ
No comments:
Post a Comment