Tuesday, September 6, 2016

Khai thác nước ngầm vô tội vạ và hệ quả

Gia Minh, PGĐ ban Việt Ngữ 2016-09-06  
040_bkp240615n1.jpg
Nước ngầm được bơm vào một ruộng lúa tại Ban Wat Sai, Thái Lan hôm 23/6/2015.  AFP photo
Chia sẻ nguồn nước dòng Mê kong giữa các quốc gia ven sông là vấn đề gây tranh cãi lâu nay mà các quốc gia liên quan vẫn chưa thể có giải pháp thỏa đáng. Nay lại có quan ngại về nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức ở một nước cũng gây ảnh hưởng đến các quốc gia.
Hậu quả
Tổ chức có tên Circle of Blue vào cuối tháng 8 vừa qua trên mạng của tổ chứa này cho đăng bài của tác giả Brett Walton tựa đề ‘Groundwater shared by countries is knowledge void’, tạm dịch ‘Thiếu kiến thức về nguồn nước ngầm mà các quốc gia cùng chia sẻ’.
Mở đầu bài viết tác giả nhắc lại áp lực mà vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang phải đối diện: chuỗi đập bậc thang trên thượng nguồn sông ở Trung Quốc chặn dòng nước và phù sa nuôi sống vựa lúa. Trong khi đó nông dân trồng lúa lại cần tăng nước tưới tiêu khiến tình hình trở thành một vòng lẩn quẩn không thể nào giải quyết.
Công tác quản trị nguồn nước là nhiệm vụ khó khăn đối với bất cứ quốc gia nào; thế nhưng trong trường hợp hai nước Việt Nam và Kampuchia thì công tác này càng khó khăn hơn khi mà hoạt động sử dụng nước của nước ngày sẽ gây tác động đến nguồn nước của nước kia.
Vấn đề không chỉ là nguồn nước mặt mà cả hệ thống nước ngầm dưới lòng đất. Một khi nước ngầm chỗ này bị khai thác quá mức thì chỗ khác cũng bị xuống thấp, bất kể thuộc lãnh thổ quốc gia nào. Khi mà tầng ngậm nước giảm sút thì chính dòng sông Mê kong cũng bị suy giảm vì tầng đó là một trong những nguồn cung cấp nước cho sông.
Theo đánh giá thì đặc biệt là nông dân ở cả hai quốc gia đều đang bơm nước ngầm lên để tưới lúa; thế nhưng biện pháp quản lý của hai nước đều không có. Đó chính là nguồn cơn của quan ngại ngày càng gia tăng.
Việc làm đó dẫn đến hệ quả là nước ngầm sụt sâu xuống làm cho mặt đất cũng bị ảnh hưởng. Và hiện nay tại nhiều vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, mặt đất đang bị lún xuống.
- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Hồi đầu năm nay, Đại học Stanford ở Hoa Kỳ, công bố nghiên cứu theo đó nếu diện tích đất canh tác thủy lợi ở Xứ Chùa Tháp tiếp tục tăng lên theo tốc độ như hiện nay, tức chừng 10% mỗi năm, thì tầng ngậm nước phía Việt Nam sẽ rút xuống, rồi dòng chảy Sông Mê kong cũng bị yếu đi. Tất cả sẽ dẫn đến mối nguy vào mùa khô cho chừng 1 triệu rưỡi người dân tại khu vực đồng bằng phải sử dụng nước giếng cạn để sinh hoạt. Ngoài ra một khi nước ngầm bị khai thác nhiều cũng khiến cho đất bề mặt bị sụt lún.
Một chuyên gia thủy văn hiện công tác tại Cơ quan Bảo vệ Môi trương Hoa Kỳ và có tham gia nghiên cứu vừa nêu, bà Laura Erban, đưa ra nhận định tình trạng mở rộng diện tích thủy lợi ở Kampuchia là một mối nguy tiềm ẩn chung cho nguồn nước xuyên quốc gia trong khu vực.
Bà này cũng bày tỏ quan ngại về nạn ô nhiễm arsen cũng như tranh chấp giữa các nước.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia về biến đổi khí hậu tại Đại học Cần Thơ, có đánh giá về tình trạng nước ngầm tại khu vực này như sau:
“Theo một số dữ liệu mà chúng tôi có được thì nguồn nước ngầm tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang có xu thế giảm dần. Tức mực nước ngầm sâu hơn, bị hạ xuống do khai thác nước ngầm càng ngày càng nhiều lên.
Lý giải cho tình trạng này như sau: trong những năm gần đây vào mùa khô Đồng bằng Sông Cửu Long phải đối diện với tình trạng thiếu nước và mặn vào sâu trong đất liền. Người dân ở vùng ven biển không còn nguồn nước nào khác nên họ phải gia tăng khai thác nước ngầm.
Việc làm đó dẫn đến hệ quả là nước ngầm sụt sâu xuống làm cho mặt đất cũng bị ảnh hưởng. Và hiện nay tại nhiều vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, mặt đất đang bị lún xuống.
Đây là nguy cơ cần phải xem xét đến về lâu về dài.”
Khu vực Mê kong chỉ là một trong những nơi phải đối diện với thách thức về quản trị nguồn nước trên toàn thế giới.
Theo nhận định thì mặc dù có những chú ý ở cấp quốc tế cao hơn về mặt kỹ thuật cũng như chính trị suốt hơn một thập niên qua, thế nhưng vẫn chẳng có mấy tiến triển trong thỏa thuận giữa các nước nhằm phối hợp giám sát nguồn nước ngầm bên dưới biên giới của các quốc gia với nhau.
Một khi thiếu vắng những thỏa thuận như thế thì giới quản trị nguồn nước ngầm phải hoạt động trong tình trạng như bị mù và tầng ngậm nước quan trọng đối với nghề nông, cho các thành phố, sông ngòi cũng như hệ sinh thái đứng trước nguy cơ bị gây hại và ô nhiễm.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nói về chuyện hợp tác giữa Việt Nam và Kampuchia trong lĩnh vực nước ngầm:
“Gần như là chưa vì thực sự chúng tôi chưa có số liệu trao đổi nước ngầm giữa Kampuchia với Việt Nam. Mặc dù chúng tôi cũng đoán rằng một phần nước ngầm ở Đồng bằng Sông Cửu Long được bổ sung từ một số vùng trữ nước như vùng Biển Hồ chẳng hạn…, hay một phần ở Tây Nguyên đổ xuống.
Nhưng thực ra hiện nay mối quan hệ giữa nguồn nước ngầm, khả năng bổ sung và mức độ  khai thác xuyên quốc gia giữa hai nước chưa có những nghiên cứu gì nhiều.
Chỉ có một số lưu ý của các nhà khoa học về chuyện này, chứ chưa có những hợp tác thực sự.”
Tiến sĩ Dương Văn Ni, một chuyên gia khác về các vấn đề Đồng bằng Sông Cửu Long, cũng trình bày thực tế hợp tác trong vấn đề nước ngầm:
“Chúng ta cũng có phát hiện sự liên kết nước ngầm trong một khu vực ví dụ như khu vực Đồng Tháp Mười, hay khu vực Tây Nam Sông Hậu. Tuy nhiên cũng không có nhiều tài liệu nghiên cứu để cho thấy sự liên thông nước ngầm ở Đồng bằng Sông Cửu Long với bên Kampuchia.
Lý do là nhiều năm nay chuyện nghiên cứu, kết hợp mang tính xuyên biên giới giữa nhiều quốc gia với nhau không được mạnh lắm trong lưu vực Sông Mê kong. Mỗi quốc gia chỉ nhìn vấn đề riêng của mình, không nhìn vấn đề toàn cục của cả vùng sông Mê kong.”
058_608383.jpg-400.jpg
Một trạm bơm nước cho nông nghiệp tại California, Hoa Kỳ chụp hôm 30/7/2008. AFP photo
Tại Việt Nam, vấn đề nguồn nước ngầm cũng chưa được quan tâm thích đáng. Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng những đơn vị chuyên ngành như nơi ông đang làm việc có đưa ra một số giải pháp cho tình hình nước ngầm ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long như sau:
“Chúng tôi cũng đưa ra nhiều ý kiến về việc này. Thứ nhất, một mặt chúng tôi khuyến khích người dân trữ nước mưa trong mùa mưa để giảm áp lực sử dụng trong mùa khô.
Thứ hai khuyến khích người dân tiết kiệm nước hơn. Vì tâm lý của người dân hiện vẫn xem nước là tài nguyên ‘Trời cho’ nên họ xài hơi lãng phí.
Thứ ba chúng tôi cũng đề nghị những vùng ven biển thay đổi cơ cấu loại cây trồng. Thay vì sử dụng những loại cây trồng phải dùng nhiều nước như cây lúa qua những loại cây trồng ít sử dụng nước hơn.
Cuối cùng là gia tăng trữ nước trong mùa lũ hay mùa mưa: tức cho nạo vét những vùng trũng- sông rạch, ao hồ, để tăng lượng nước dự trữ. Việc này giúp giảm áp lực khai thác nước dưới đất.
Tuy nhiên thực sự cũng không thể giải quyết về lâu về dài. Một giải pháp mà chúng tôi đang hướng tới là giải pháp mà người ta gọi là ‘bổ cập nước ngầm’, tức lấy nước trong mùa mưa, lũ bơm lại xuống tầng ngầm để bổ sung để nước ngầm là nguồn dự trữ để khi không còn nguồn nào nữa thì mới dùng đến.”
Những thỏa thuận được đưa ra
Theo giới chuyên gia tình hình tệ hại hơn khi mà kiến thức khoa học quá nghèo nàn về chừng 600 tầng nước ngầm xuyên quốc gia cũng như các khối nước ngầm khác. Người ta chỉ mới phỏng đoán chứ không xác định chính xác được nơi nào đang có khả năng gây xung đột, bị ô nhiễm hoặc đang giảm sút.
Giáo sư Gabriel Eckstein thuộc Đại học A&M ở Texas , Hoa Kỳ, người chuyên nghiên cứu về luật nguồn nước than rằng nếu thiếu dữ liệu và kiến thức chắc chắn sẽ khó có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề.
Tuy vậy, ngày nay nhờ vào vệ tinh và mức độ gia tăng giám sát nên tình trạng nguy hại của hầu hết những tầng ngậm nước lớn nhất trên thế giới cũng được phác thảo một cách chi tiết thêm hơn trước.
Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào mùa thu năm nay sẽ đưa ra thảo luận những nguyên tắc quản trị tầng ngậm nước và nước ngầm tại ba khu vực. Chú trọng thảo luận vào vấn đề hợp tác và dữ liệu.
Hiện nay đối với các dòng sông chung trên thế giới hầu như có được những qui định về mặt luật pháp, trong đó có công ước Liên Hiệp Quốc mang tính ràng buộc kể từ tháng 8 năm 2014 đối với 36 quốc gia đã phê chuẩn.
Một giải pháp mà chúng tôi đang hướng tới là giải pháp mà người ta gọi là ‘bổ cập nước ngầm’, tức lấy nước trong mùa mưa, lũ bơm lại xuống tầng ngầm để bổ sung để nước ngầm là nguồn dự trữ để khi không còn nguồn nào nữa thì mới dùng đến.
- Tiến sĩ Lê Anh Tuấn
Chỉ riêng trong thế kỷ 20, có hơn 145 thỏa ước về các lưu vực sông đã được ký kết. Trong khi đó đối với các tầng ngậm nước chỉ có chưa đầy 10 thỏa thuận chính thức và không chính thức mà thôi. Cụ thể đó là hai thỏa thuận ở Bắc Phi đối với tầng ngậm nước khu vực Nubia và tây bắc Sahara tạo điều kiện cho hoạt động chia sẻ thông tin.
Thỏa thuận được ký kết vào năm 2015 giữa Jordan và Ả Rập Xê Út qui định cấm khai thác nước ngầm tại những khu vực bảo vệ của tầng nước ngầm Al-Sag/Al-Disi. Đây được cho là thỏa thuận đầu tiên của dạng này.
Thỏa thuận về tầng nước ngầm Guarani dưới các nước nam Mỹ Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay cũng được ký nhưng chưa được 4 quốc gia này phê chuẩn.
Chỉ có tầng nước ngầm Genevese nằm dưới hai nước Pháp và Thụy Sĩ là có một thỏa thuận quản trị thật sự. Thỏa thuận quản trị tầng nước ngầm này được ký kết vào năm 2007. Thỏa thuận qui định mức giới hạn khai thác hằng năm và được giám sát bởi một ủy ban hỗn hợp Pháp- Thụy Sĩ.
Giới quan sát cho rằng khi các nhà kỹ thuật và khoa học làm việc với nhau vấn đề không mấy phức tạp, họ sẵn sàng chia sẻ thông tin cho nhau; thế nhưng các nhà chính trị thì vẫn khó có thể thông hiểu vì quyền lợi chung mà phải hợp tác với quốc gia láng giềng của họ.
Một câu hỏi lớn là trong số hằng trăm khu nước ngầm trên toàn thế giới hiện chưa có thỏa thuận quản trị thì khu nào cần phải nên thương thảo trước.
Giám đốc Trung tâm Thẩm định Tài nguyên Nước ngầm Quốc tế- IGRAC, ông Neno Kukuric, cho rằng khó có thể xác quyết phải cần có bao nhiêu thỏa thuận khi mà chúng ta không biết gì về tình trạng của nhiều nơi ngay trong lòng đất.
Đối với một tầng nước ngầm ở nơi không có con người sinh sống hoặc chưa gặp nguy cơ ô nhiễm thì chỉ cần giám sát chứ không phải đến mức cần có những thỏa thuận quản trị chính thức.
IGRAC cho phát hành bản đồ toàn cầu về những tầng nước ngầm và dự án của tổ chức này được Liên Hiệp quốc hỗ trợ. Bản đồ đầu tiên được phát hành năm 2009 với những phát thảo khoanh vùng, và nay là vạch rõ phân định biên giới.
Về mặt luật pháp quốc tế trong chia sẻ nguồn nước ngầm, thông tin nêu rõ vào năm 2002, Ủy ban Luật Quốc tế bắt đầu làm việc về những tầng nước ngầm xuyên biên giới. Đến năm 2008 đưa ra 19 dự thảo. Những dự thảo đó được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bàn vào năm 2011, 2013 nhưng không đạt được tiến triển nào, nay lại được đưa vào chương trình nghị sự.

No comments:

Post a Comment