Tuesday, September 6, 2016

Biển Đông và chuyển biến khó lường

Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-09-06  
035_pbu475903_01.jpg
Bức ảnh lãnh thổ Trung Quốc trên một đường phố ở Trung Quốc, ngày 14 tháng 7 năm 2016.  AFP photo
Hội nghị ngành Ngoại giao Việt Nam lần thứ 29 được tổ chức tại Hà Nội vừa qua là cơ hội để giới quan sát nhìn lại và đánh giá tình hình Biển Đông vốn được xem là cốt lõi của chính sách ngoại giao Việt Nam.
Mặc Lâm phỏng vấn TS Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, nguyên Tổng biên tập tuần báo Quốc Tế thuộc Bộ Ngoại Giao để tìm hiểu thêm quan điểm của một nhà ngoại giao có quan tâm sâu sắc tới vấn đề này.
Quyết định lịch sử: không cần phải đồng thuận?
Mặc Lâm: Trong tuyên bố của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Singapore có gợi ý là Việt Nam có thể sẽ xem xét lại sự đồng thuận của ASEAN, TS có ghi nhận gì về việc này?
TS Đinh Hoàng Thắng: Từ lâu, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc ASEAN cần phải thay đổi nguyên tắc đồng thuận nếu như không muốn khối này tan vỡ. Bởi vì không bao giờ có được đồng thuận tuyệt đối cả. Absolute Consensus không thể tồn tại. Chỉ có thể có một Majority Consensus, đồng thuận của số đông. Đồng thuận tuyệt đối là trái quy luật tự nhiên.
Chính vì vậy tại đối thoại Singapore 38 ở Viện nghiên cứu Đông Nam Á ngày 30 tháng 8, Chủ tịch Trần Đại Quang có đưa ra 2 tuyên bố hoàn toàn mới, mà từ trước tới nay một chủ tịch nước, một trong tứ trụ của định chế quyền lực nhất Việt Nam chưa từng nói như thế bao giờ. Thứ nhất nếu để xẩy ra xung đột vũ trang thì không có người thắng, kẻ thua, mà tất cả cùng thua, xin lưu ý tất cả cùng thua này đây là cảnh tỉnh cho những cái đầu nóng. Thứ hai khả năng xét lại quy tắc đồng thuận trong ASEAN. Hơn 40 năm tồn tại đồng thuận là quy tắc vàng. Nguyên văn: “Với sự phát triển mới của tình hình, chúng tôi có thể xem xét và bổ sung nguyên tắc (đồng thuận) bằng các cơ chế khác”.
Hàng ngàn năm trước đây, chưa có toàn cầu hóa, chưa có ASEAN, cha ông chúng tôi vẫn kiên cường. Ngày nay, không có lý do gì để biện minh cho việc Việt Nam phải nhân nhượng nhiều hơn nữa!
- TS Đinh Hoàng Thắng
Theo dõi từ khi Campuchia làm chủ tịch ASEAN năm 2012 cho đến hội nghị đặc biệt của ASEAN mới đây tại Lào thì thấy tình hình không thể duy trì như cũ, nếu duy trì sẽ dẫn đến sự tan đàn xẻ nghé của tổ chức này.
Đặc biệt là nếu ta chú ý đến bài xã luận trên báo Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây nhất Trung Quốc đã đi xa tới mức không cần phải che dấu một sự thật trần truồng: “Hun Sen và Campuchia có thể giữ vững lập trường (ủng hộ Trung Quốc), hiển nhiên không phải vì các bên đều bỏ tiền mua chuộc, nhưng Bắc Kinh đã trả giá cao nhất. Tất cả đủ nói lên nhu cầu cấp bách cần phải thay đổi nguyên tắc hoạt động của ASEAN.
Mặc Lâm: Rõ ràng Trung Quốc đang lấy Campuchia, Lào để bao vây Việt Nam trong vấn đề Biển Đông thế nhưng cho tới nay vẫn không thấy Việt Nam chính thức lên tiếng, tại sao?
TS Đinh Hoàng Thắng: Trung Quốc không bao giờ từ bỏ chính sách chia để trị, chia để phá nát ASEAN.
Việt Nam chưa chính thức lên tiếng thì cũng không hoàn toàn chính xác. Tuyên bố của Chủ tịch Trần Đại Quang ở Singapore là một cú phản đòn khá mạnh Việt Nam nhận thức rất rõ những thách thức mới và chủ động đề nghị sẽ có những điều chỉnh về nguyên tắc đồng thuận.
Giới quan sát cho rằng tuyên bố trên đây là một bước ngoặt, một khúc quanh khá cơ bản trong nhận thức và hành động, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam luôn bị Trung Quốc o ép, bị Trung Quốc dùng láng giềng của Việt Nam để chống lại Việt Nam. Bước ngoặt này chứng tỏ trong tương quan lực lượng ngày nay, các nước nhỏ có thể đứng trên đôi chân của mình, không nhất thiết phải quy phục bất cứ thế lực nào, dưới bất cứ danh nghĩa gì.
Trước đây, khi bình luận về tình hình bê bối trong ASEAN, tôi có nói đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi chính sách của mình. Bị nước lớn bắt nạt đã đành, nhưng để cả những đối tác mình có quan hệ đặc biệt cũng gây khó cho mình thì rõ ràng là chính sách của mình có vấn đề. Thì nay, như chúng ta đã thấy, Việt Nam tuyên bố sẽ thay đổi và tôi nghĩ Việt Nam sẽ không dừng lại ở đây nếu tiếp tục bị bắt nạt, nếu tiếp tục bị chèn ép. Vì Việt Nam vốn là một dân tộc quật cường. Hàng ngàn năm trước đây, chưa có toàn cầu hóa, chưa có ASEAN, cha ông chúng tôi vẫn kiên cường. Ngày nay, không có lý do gì để biện minh cho việc Việt Nam phải nhân nhượng nhiều hơn nữa!
Chơi với lửa sẽ bỏng tay mình
000_C84L2.jpg-400.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhonn (trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào ngày 22 tháng Sáu năm 2016. AFP photo
Mặc Lâm: Việt Nam và Campuchia có trở thành đối nghịch sau khi hơn 5.000 kiều bào bị đuổi chạy về Việt Nam trong vài ngày qua nhất là thái độ của Hun Sen về vấn đề Biển Đông?
TS Đinh Hoàng Thắng: Ý đằng sau câu hỏi của nhà báo là muốn thăm dò khả năng người ta có chơi lại ván bài cũ, ván bài Khơ me đỏ đối với Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước hay không? Tôi nghĩ, bổn cũ ấy dù được cải biên dưới bất cứ hình thức nào thì cũng khó mà lặp lại.
Khuấy động cho thiên hạ đại loạn, thiên hạ đối nghịch nhau để một mình mình đại trị, hưởng thái bình, kế sách này quá đát rồi. Nhân loại giờ đây không khờ khạo như nhiều người nghĩ. Hơn nữa, người dân Việt Nam và người dân CPC là những dân tộc yêu hòa bình, chán chiến tranh. Nếu ai đó, vì những mục tiêu thiển cận, muốn phục vụ cho một ý đồ xấu nào đấy, tôi nghĩ cũng khó thực hiện. Vì đằng sau khu vực Đông Nam Á ngày nay chúng ta còn có cả thế giới tự do.
Phải nhìn bức tranh Việt Nam-Đông Nam Á trong một khuôn khổ rộng lớn như vậy Việt Nam mới phát huy được mọi ưu điểm để làm tốt hơn nữa, quyết liệt hơn nữa chính sách liên kết khu vực, đường lối đa dạng hóa, chủ trương hội nhập toàn diện để đề phòng mọi bất trắc. Nói thế nào cũng không thể chủ quan, thuốc súng luôn luôn phải giữ khô. Phải cảnh tỉnh những ai muốn chơi với lửa thì phải đề phòng bị bỏng tay!
Nếu Việt Nam có một hậu phương vững chắc, hậu phương ở đây hiểu theo nghĩa rộng hệ thống đối tác chiến lược, toàn diện triển khai tốt. Trong nước dân chủ hóa về mọi mặt, thì có thể kiên trì đấu tranh về pháp lý đối với những ai vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lanh thổ. Nếu Việt Nam kết nối với phần còn lại của thế giới một cách toàn diện và sâu rộng, thì có thể đối phó với các thách thức.
Triển khai vũ khí: một quyết định thức thời?
Mặc Lâm: Trung Quốc và Mỹ đều đã có phản ứng khi Việt Nam triển khai vũ khí tại khu vực Trường Sa, Theo TS tại sao Việt Nam lại triển khai vũ khí trong giai đoạn này?
TS Đinh Hoàng Thắng: Trước hết tôi nghĩ, tin này cần được kiểm chứng, vì khi được hỏi câu này thì người phát ngôn Bộ ngoại giao nói tin Việt Nam đưa vũ khí ra Trường Sa là không hoàn toàn chính xác. Vậy ta cứ cho là nó đúng một nửa đi, đúng 50% đi, thì đây có thể là một động thái Việt Nam khẳng định quyết tâm làm chủ tình hình trong hoàn cảnh mới… Sau phán quyết PCA Việt Nam có 3 chủ trương: thứ nhất, trong khi Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của Liên Hiệp Quốc, coi đó chỉ là “tờ giấy lộn”, có những hành động, tuyên bố quyết liệt hơn thì Việt Nam phải lo chuẩn bị đối phó vói mọi tình huống, mặc dầu biết nổ ra xung đột thì không ai có lợi, tất cả sẽ cùng thua.
2a83448f-a2f6-48af-a5af-9b8aa3a50555.jpg-400.jpg
Sĩ quan quân đội Úc, quân đội Mỹ, Thủy quân lục chiến Mỹ và Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Úc hôm 29/8/2016. AFP
Hai nữa Việt Nam tận dụng môi trường thuận lợi, chuẩn bị cho đấu tranh pháp lý, vì PCA thu hẹp khoảng cách tranh chấp, mở rộng lãnh địa pháp lý; thứ ba, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN bằng cách tăng cường kết nối và có những điều chỉnh nguyên tắc hoạt động khi cần.
Tuy nhiên, để hiểu động cơ thực sự của Việt Nam, tôi muốn nhắc lại một thành ngữ mới của Nam Bộ: “Nói dzậy mà không phải dzậy?”  Phản ứng của Trung Quốc và của Mỹ là hai loại phản ứng khác nhau về chất. Nếu vì mục đích để phòng thủ, Việt Nam có thể triển khai hệ thống hỏa tiễn ngay trên bờ còn an toàn hơn nhiều. Khi Mỹ phản ứng với Việt Nam, chắc Hoa Kỳ đã có những thông tin tình báo về động cơ thực sự đằng sau “cái gọi là” Việt Nam triển khai vũ khí ra Trường Sa.
Mặc Lâm: Mới đây Trung Quốc đã hứa sẽ cho phép ngư dân Phi được đánh cá tại khu vực Scaborough khi TT Phi có những tuyên bố rất khó đoán định lúc mạnh lúc hòa hoãn. Theo Tiến sĩ thì lý do nào Trung Quốc xuống nước? hành động của Phi hay phán quyết của tòa trọng tài PCA?
TS Đinh Hoàng Thắng: Tôi e rằng, đây không phải là việc Trung Quốc xuống nước. Ý đồ chiến lược của Trung Quốc đối với cả Mỹ, chứ không chỉ đối với Phi là không thay đổi, kể cả sau phán quyết của PCA thì Trung Quốcvẫn xây đắp khu vực Scaborough.
Tuy nhiên, tình hình hậu PCA buộc Trung Quốc phải tính đến việc điều chỉnh một số động thái thuộc về sách lược, về chiến thuật. Cụ thể Trung Quốc sẽ lợi dụng chủ trương khó đoán định của Phi để xoay xở sao cho không mang tiếng mình là kẻ đứng ngoài luật pháp quốc tế,  chống lại luật pháp quốc tế, bị mang hình ảnh xấu… cho nên cố ép Phi ngồi lại nhưng phải bỏ qua phán quyết. Phi ngược lại cũng biết tận dụng tính pháp lý của phán quyết, tuyên bố có tính hai mặt, khi nhu khi cương để giảm thiểu rủi ro…
Hơn nữa, vừa qua, Trung Quốc chưa muốn mạnh tay trước Hội nghị G20. Tới đây, Bắc Kinh vẫn sẽ bác phán quyết, nhưng chắc chắn không thể bác hoàn toàn (Ít nhắc tới đường lưỡi bò, ít nhắc nhưng vẫn ngấm ngầm hiện thực hóa ADIZ). Tình trạng mập mờ này sẽ được cả Trung Quốc lẫn Phi duy trì trong một thời gian nữa, vì lợi ích của mỗi bên…
Cuộc chiến sẽ bùng nổ?
Mặc Lâm: Tiến sĩ có tin vào cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc có thể xảy ra tại biển Đông hay không khi mà giới chuyên gia quân sự Mỹ ngày càng cảnh giác lớn hơn về khả năng này? Nhất là cuộc tập dượt PLAN của Trung Quốc nhằm đối phó với nguy cơ nổ ra chiến tranh với Mỹ trên Biển Đông và Hoa Đông.
Quyền lợi hai nước Trung Quốc - Mỹ dính chặt, không phải từ bây giờ, mà từ năm 1949. Tuy nhiên việc đụng độ ngoài biển là hơi khó tránh.
- TS Đinh Hoàng Thắng
TS Đinh Hoàng Thắng: Vâng, vài hôm trước đây vào ngày 30 tháng 8, cựu Phó Thứ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Seth Cropsey đã viết một bài xã luận đại diện cho Viện nghiên cứu Hudson, một think-tank về nội trị và ngoại giao của Hoa Kỳ, dự đoán rằng xung đột giữa hải quân Mỹ với hải quân Trung Quốc là không thể tránh khỏi.
Nhưng đối với phần đông giới phân tích chiến lược, đối với những đầu óc tỉnh táo từ cả 2 phía, giữa Trung Quốc - Mỹ khó có thể xẩy ra chiến tranh. Quyền lợi hai nước Trung Quốc - Mỹ dính chặt, không phải từ bây giờ, mà từ năm 1949. Tuy nhiên việc đụng độ ngoài biển là hơi khó tránh. Mỹ có ưu thế vũ khí, Trung Quốc chủ nghĩa cực đoan, mù quáng nghĩ họ sẽ chiến thắng cho nên cũng khó kìm nén một khi Trung Quốc gây sự với Mỹ hay các nước đồng minh của Mỹ. Nhưng chiến tranh quy mô lớn khó xẩy ra.
Cuộc tập dượt nhà báo nhắc đến tôi cho chỉ là một đòn nắn gân giữa các cường quốc Trung-Nhật-Mỹ. Tôi cho rằng ở đây các nước đang hành động theo tinh thần của minh triết Latinh đó là "nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh".
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc trong khu vực những năm qua bị đẩy lên khá mạnh, đặc biệt là dân tộc đại hán. Đây là một công cụ của lãnh đạo Trung Quốc nhằm để ổn định nội bộ và tiếm quyền cho một cá nhân, một phe phái nào đó. Khi cần Trung Quốc rất dễ đẩy cái dân tộc quá khích này ra bên ngoài. Đây là nhân tố khó lượng định nhất. Bởi vì không chỉ có một Trung Quốc, trong lãnh đạo Trung Quốc cũng có nhiều phe phái, người đứng đầu phải cân bằng giữa các bên, nhất là những đòi hỏi của giới quân sự (PLAN).
Một điểm nữa, các cường quốc họ không thể tỏ ra yếu thế trước các thách thức mới xuất hiện. Nước nhỏ có thể nhân nhượng, chứ đường đường hai lớn mà nhân nhượng quá nhiều, người ta cứ sợ chiến tranh vẫn đến kèm theo nhiều nỗi nhục khác, cho nên họ dóng trống mở cờ là chuyện có thể giải thích được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

No comments:

Post a Comment