Theo Người Việt-06-09-2016
Ngô Nhân Dụng
Giáo viên vất vả cõng học sinh qua sông dự khai giảng – Ảnh: Thanh Hoàng
Cả thế giới đang khai trường cho niên khóa 2016-17, tôi nhận được những hình ảnh học sinh tại các tỉnh Sơn La, Yên Bái và Lào Cai, Việt Nam trên đường đến trường ngày đầu tiên, trong một bài phóng sự trên báo Lao Ðộng. Nhìn cảnh các thầy, cô giáo và học trò vất vả leo núi, vượt sông, tới những ngôi trường nghèo nàn, ai cũng phải thương tâm, nhưng cũng vui mừng vì các cháu vẫn còn được đi học. Trong cùng thời gian đó, một ngàn học sinh các trường mầm non và tiểu học tại xã Kỳ Hà, tỉnh Hà Tĩnh phải nghỉ học, vì bố mẹ không có tiền đóng học phí và các khoản phí khác, cũng không đủ tiền mua sách vở. Cha mẹ các em sống bằng nghề làm muối và đánh cá, sau vụ biển nhiễm độc Formosa, tôm cá đánh về không ai mua, muối cũng không bán được vì người ta sợ chất độc.
Nhiều em ra đồng bắt cua, hoặc quanh quẩn ở nhà nhưng trong một thời gian ngắn, chắc các em học sinh xã Kỳ Hà sẽ phải được đến trường. Người Việt Nam không ai nỡ nhìn hàng ngàn trẻ em thất học chỉ vì tai họa do một công ty ngoại quốc gây ra. Cái quỹ 500 triệu Mỹ kim công ty Formosa có thể chia ra một khoản “khuyến học” hay không? Có người ta đã hỏi: “Phải chọn lựa, muốn có thép hay tôm cá?” Chắc không ai dám hỏi, “ Giờ muốn có thép, hay muốn đi học?”
Chắc chắn đồng bào mình sẽ chọn, phải cho con đi học. Nhìn cảnh các em học sinh ở Sơn La, Yên Bái hoặc Lào Cai ngồi xổm trên nền đất sân trường chờ nghe thầy, cô nói, cảnh các thầy cô và học trò lội sông nước đục ngầu, vịn nhau đi trên những con đường đèo đầy bùn trơn, chúng ta tin tưởng vào tương lai. Trẻ em phải được đi học. Dù nghèo, dù đói, vẫn phải học. Ðó là con đường tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn, cho mỗi em cũng như cho cả dân tộc.
Nhưng các em sẽ được học cái gì? Các thầy cô sẽ dạy các em những thứ gì?
Từ ngàn năm trước, người Việt Nam vẫn đồng ý việc học trước hết là để đào luyện trẻ em “cho nên người.” Trẻ em học những quy tắc luân lý từ cha mẹ, khi tới trường được nghe nhắc lại: Thật thà, chăm chỉ, can đảm, trong sạch, lễ độ với người trên, nhân ái với tất cả mọi người khác, vân vân. Khi nhìn hình ảnh các em học sinh đến lớp ở Sơn La hay Lào Cai, hoặc những em chưa được đi học ở Hà Tĩnh, chúng ta có thể tin rằng khi tới trường các em đều được dạy làm sao sống nên người đàng hoàng tử tế. Nếu thầy, cô, vì bị bắt buộc, phải nói những lời sai sự thật, trái đạo lý, chắc cha mẹ các em cũng biết cách sửa lại và giải thích lại cho các em hiểu rằng họ bị bắt buộc phải nói như thế.
Ngày nay, khi bàn đến chương trình giáo dục, người ta thường chú trọng đến các mục tiêu kinh tế. Ðó là một mối quan tâm hữu lý. Hệ thống giáo dục phải đào tạo những người có thể kiếm được việc làm, chứ không phải cho sinh viên ra trường rồi không kiếm ra việc. Vì vậy, giáo dục cũng phải đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế của quốc gia.
Nói đến kinh tế, điều đầu tiên cần ghi nhớ là cả thế giới đã thay đổi và còn đang thay đổi với tốc độ nhanh hơn. Trước đây nửa thế kỷ, người ta vẫn nghĩ rằng các nước nghèo như nước ta phải tiến từ kinh tế nông nghiệp qua một thời kỳ công nghiệp hóa, rồi mới phát triển lãnh vực thứ ba là cung cấp các dịch vụ. Ðó là con đường các nước Tây Âu và Mỹ đã đi qua. Chương trình giáo dục các nước chưa mở mang thường được hoạch định cho phù hợp với quá trình phát triển đó.
Nhưng hiện nay quá trình phát triển đã thay đổi, vì các tiến bộ tin học khiến máy móc được tự động hóa ngày càng nhiều hơn. Vào những năm đầu thế kỷ 20, quá trình công nghiệp hóa ở Anh Quốc lên cao cực điểm, giới lao động trong công nghiệp chiếm tỷ lệ 43% của tổng số những người đi làm. Sau đó, tỷ lệ này bắt đầu giảm. Khi Trung Quốc bắt đầu đổi mới kinh tế, họ cũng dồn nỗ lực vào các công nghiệp nặng, theo gương Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng bây giờ, đầu thế kỷ 21, Trung Quốc phải chuyển trọng tâm từ công nghiệp sang dịch vụ, như ông Tập Cận Bình đang hô hào. Các nước Ấn Ðộ, và Brazil cũng vậy, mặc dù tỷ lệ nhân dụng trong các ngành công nghiệp chỉ mới chiếm 15% tổng số lao động. Nếu không chuyển nhanh thì sẽ lỡ bước chân, không theo kịp các nước Tây phương trong thế kỷ này.
Kinh tế thế giới thay đổi, lúc đầu vì máy móc được sử dụng thay bàn tay lao động, nay càng thay đổi mạnh và nhanh hơn, vì các nhà máy được tự động hóa.
Chương trình giáo dục trước đây hơn nửa thế kỷ, thời 1950, thường chú trọng tới đào tạo chuyên viên, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa. Bây giờ, sau khi sinh viên ra trường năm, mười năm, một kỹ thuật chuyên môn có thể trở thành lỗi thời, vô dụng. Bao nhiêu máy móc bị thay thế bằng những hệ thống tự động hóa. Các chuyên gia phải đi học lại để thích ứng với thị trường nhân dụng luôn luôn thay đổi. Những người 50, 60 tuổi ở Mỹ không thể tưởng tượng con cái họ đang đến trường học cái gì, vì trước đây 30 năm chưa ai tưởng tượng được có những thứ kỹ năng hay nghề nghiệp đó!
Cho nên, khắp thế giới, các học sinh và sinh viên hiện nay đều biết trước rằng các em sẽ phải học, học lại, suốt đời! Trong hoàn cảnh đó, điều gì quan trọng nhất cần huấn luyện cho học sinh, sinh viên? Phải đào tạo một “khả năng toàn diện,” đáp ứng mọi hoàn cảnh. Ðó là khả năng tự học, sẵn sàng đi học trở lại, và học những cái mới. Chúng ta phải bắt đầu suy nghĩ về chương trình giáo dục nước ta theo chiều hướng đó. Nếu không, kinh tế sẽ tiếp tục chậm lụt theo đuôi người ta trong 30, 50 năm nữa.
Ðiều quan trọng là “khả năng toàn diện” này có thể được đào tạo ngay từ những lớp mầm non, từ bậc tiểu học. Phải khuyến khích trẻ em tự tìm tòi thay vì chờ thầy, cô lên lớp. Tập cho các em tự suy nghĩ, không sợ có sáng kiến táo bạo, không sợ phạm sai lầm rồi bị phạt. Hiện nay các nhà giáo ở nước ta chưa phải ai cũng có thói quen chấp nhận lối giáo dục này. Nhưng nếu họ yêu trẻ, nghĩ đến tương lai đất nước, thì họ có thể cố gắng tự mình thay đổi quan niệm dậy dỗ. Dậy trẻ không phải là truyền cho các em những gì mình biết; mà phải là tập cho các em đi tìm hiểu biết, cùng đi tìm với thầy giáo, cô giáo. Một bài toán thầy, cô biết đáp số rồi, nhưng vẫn yêu cầu các em đi tìm “cách giải,” chứ không phải chỉ tìm đáp số. Những em tìm ra đáp số sai nhưng có sáng kiến về cách giải đều được khích lệ.
Một đóng góp quan trọng của các thầy, cô giáo từ lớp mầm non lên tới trung, tiểu học, là đào tạo tánh khí cho trẻ. Nhưng đào tạo tánh khí đóng góp cho phát triển kinh tế hay không?
Ðóng góp rất nhiều. Có đầy chứng cớ. Các nhà nghiên cứu kinh tế đã chứng minh rằng sự thành công của mỗi cá nhân liên quan chặt chẽ với tánh khí, đến nỗi họ gọi tánh khí là một kỹ năng (character skill), không khác gì trí thông minh, được đo bằng chỉ số IQ. Một nước phát triển cần có rất nhiều người đi làm và thành công trong công việc.
James Heckman, giải Nobel Kinh tế học năm 2000, đã tìm thấy rằng điểm số của sinh viên ở Mỹ cao hay thấp có thể được tiên đoán bằng tánh chu đáo (conscientiousness) nhiều hay ít, không khác gì điểm thi trắc nghiệm SAT. Ông cho biết nhiều cuộc nghiên cứu chứng tỏ tánh khí, nói chung, báo trước một người sẽ thành công hay không, trong trường đại học, trong cuộc đời làm việc, cũng như cả sức khỏe, giá trị tiên đoán ngang với chỉ số thông minh IQ. Heckman nêu ra mấy đặc điểm của người có “kỹ năng tánh khí” như Tánh chu đáo, làm việc đến nơi đến chốn; Tánh tò mò, không sợ những điều mới, và tử tế thân thiện với mọi người.
Cả ba đức tính trên có thể học từ tuổi nhỏ, các lớp mẫu giáo có thể bắt đầu tập là vừa! Với những đức tính đó, các em lớn lên có thể đáp ứng với một cuộc sống kinh tế luôn luôn thay đổi.
Một công trình nghiên cứu của Paul Gertler và nhiều người khác, năm 2013, đã theo dõi một số trẻ em người Jamaica, trong khoảng thời gian 20 năm. Họ thấy những em từ 2 tuổi trở lên được săn sóc, khích lệ nhiều hơn khi lớn lên đã thành công hơn, mặc dù phải sống trong những khu nghèo nàn nhất. L. M. Gutman và I School, năm 2013, cho thấy những người có “kỹ năng tánh khí” làm việc hiệu quả hơn, tự tin mình có khả năng đạt mục đích hơn, và có khả năng tự cải thiện hơn. Kinh tế nước nào cũng cần rất nhiều người như vậy.
Những quy tắc đạo đức cổ truyền của dân tộc chúng ta bao gồm tất cả những thứ mà các nhà kinh tế trên gọi là “kỹ năng tánh khí.” Chúng ta có thể tin rằng những thầy cô giáo ở nước ta hay bất cứ nước nào, khi họ chọn nghề dạy học thì họ sẽ sinh lòng yêu trẻ. Nếu được trả lương đủ sống, họ có thể hy sinh chăm sóc việc giáo dục tánh khí cho trẻ. Những đứa trẻ lớn lên thành công trong nghề nghiệp càng nhiều, thì các em sẽ càng đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển kinh tế.
Ba năm trước, vào Tết Giáp Ngọ tôi nhận được một email của một vị độc giả, tự giới thiệu là một sinh viên Ðại Học Việt Trì, anh viết: “…, tôi đã 20 tuổi, suốt mười mấy năm đi học,… tôi chỉ ước sao thầy cô tôi đừng nói dối, vì tôi có thể cảm nhận được sự dối trá từ trái tim tôi, tôi chỉ ước được gặp một người thầy đáng kính và làm cho tôi tin tưởng.” Hy vọng các học sinh Việt Nam bây giờ được gặp nhiều vị thầy, cô đáng kính, cho các em tin tưởng.
No comments:
Post a Comment