Tuesday, September 6, 2016

Có nên cấm dạy thêm, học thêm?

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-09-06  
IMG_0337-622.jpg
Một lớp học tại một trường tiểu học ở TPHCM, ảnh minh họa. RFA
Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường  là vấn đề lớn được xã hội quan tâm. Đã có các ý kiến khác nhau trong việc cấm hay không cấm việc dạy thêm, học thêm? Dư luận và các chuyên gia nói gì về vấn đề này và cần có giải pháp gì để chấn chỉnh?

Lạm dụng tràn lan

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu học sinh các cấp và việc các phụ huynh học sinh cho con em đi học thêm là điều hết sức phổ biến.
Bên cạnh các tác dụng tích cực, đó là bổ xung thêm kiến thức cho học sinh, thì việc dạy thêm, học thêm tràn lan, thậm chí đã bị lạm dụng làm xấu đi hình ảnh của việc này.
Ông Sáu một phụ huynh học sinh ở Đồng Nai cho biết, thu nhập của gia đình không nhiều, nên việc cho con đi học thêm đã trở thành một gánh nặng, song do điều kiện không thể từ chối nên điều này đã khiến cho nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng. Ông tiếp lời:
Việc dạy thêm học thêm có ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi gia đình rất nhiều. Theo tôi, không nên có dạy thêm.
-Ông Sáu
“Việc dạy thêm học thêm có ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi gia đình rất nhiều. Theo tôi, không nên có dạy thêm.”
Từ Sài Gòn, bà Hiệp, một phụ huynh học sinh ủng hộ việc dạy thêm, học thêm cho học sinh, theo bà việc cho con đi học thêm là điều cần thiết. Bà nói:
“Tôi nghĩ cho con học thêm sẽ tốt hơn, vì khi đó giáo viên sẽ dạy các kiến thức căn bản, đó là những cái trong nhà trường chưa đề cập tới.”
Mới đây Sở GD-ĐT TP. HCM có văn bản số 2941, yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục, thực hiện theo chỉ đạo của Thường trực Thành uỷ và UBND TP cấm việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường phổ thông, từ năm học 2016-2017.
Đánh giá về quyết định này của TP. HCM, từ Hà nội chuyên gia Giáo dục Hoàng Oanh thuộc Trường Quốc tế Nhật Bản nhận định:
“Chuyện dạy thêm, học thêm tôi nghĩ rằng nó là một đòi hỏi tất yếu trong quá trình dạy và học. Từ ngày xưa khi sinh ra nhà trường thì đã có chuyện dạy thêm, học thêm rồi. Bởi vì trong một lớp thì trình độ không ngang nhau và mỗi loại học sinh họ có những đòi hòi khác nhau, cho nên luôn luôn có nhu cầu học thêm và dạy thêm. Chuyện ở Sài gòn cấm dạy thêm thì tôi thấy rất buồn cười, vì cái ấy nó đi trái với quy luật của cuộc sống.”
Một nhà giáo ở Sài Gòn yêu cầu không nêu danh tính thấy rằng, người VN vốn có tinh thần hiếu học và việc dạy thêm, học thêm là điều bình thường trong mọi xã hội. Theo bà, đây là thói quen của phụ huynh các quốc gia ở châu Á, song theo bà vấn đề quan trọng là việc tổ chức quản lý thế nào? Bà nói:
“Bản thân cái chuyện dạy thêm, học thêm nó không có lỗi. Cái việc học sinh phải học thêm mới là cái chúng ta phải loại trừ. Song cần phải nhìn nhận ở dưới các góc độ khác nhau, vì việc học của trẻ thì bao giờ cũng là điều rất cần thiết.”
000_Hkg10094012.jpg
Giáo viên dẫn học sinh lớp 1 vào lớp sau buổi lễ khai giảng năm học mới ở một trường tiểu học tại Hà Nội. Ảnh minh họa chụp trước đây.
Theo báo Đất Việt online ngày 1/9/2016, nói về vấn đề dạy thêm, học thêm, ông Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã cho rằng, dạy thêm, học thêm tự nguyện là quyền con người, không thể cấm. Cần chống tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, bắt buộc học sinh phải đi học thêm.
Theo ông Hoàng Oanh, việc học thêm, dạy thêm bị xã hội nhìn nhận và đánh giá sai lệch, là do một bộ phận rất nhỏ các nhà giáo thiếu đạo đức lạm dụng việc dạy thêm để kiếm tiền. Ông khẳng định:
“Cái mà làm cho việc dạy thêm, học thêm mang tiếng xấu, là do một số người đã dùng quyền để rồi ép họ trò học thêm, mà cái đó là một hình thức bắt các em phải đóng một số tiền hàng tháng. Cái đó thì phải cấm và cương quyết cấm. Hiện nay ở VN, việc đua nhau cho con vào Đại học là một cái xu thế rất không lành mạnh, mặc dù rằng chất lượng học thế nào thì không cần biết. Đó chính là nguyên nhân để cho cái việc dạy thêm kiểu “trấn lột” nó tồn tại.”
Theo báo Pháp Luật, nhà giáo Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường TH Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng đã khóc khi nói về việc ngưng dạy thêm trong nhà trường. Theo ông, "Chúng ta nên tính đến phương án quản lý sao cho tốt chứ đừng vì quản không được mà cấm. Tại sao bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ chạy sô kiếm tiền được mà giáo viên lại không thể sống bằng chính nghề của mình thì còn nỗi buồn nào hơn?"
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia Hoàng Oanh thấy rằng, việc các thầy cô giáo tham gia dạy thêm là điều pháp luật không cấm. Song giáo viên tuyệt đối không được gây sức ép để buộc học sinh phải đi học thêm. Ông bày tỏ:
“Cái việc dùng quyền của mình để ép học sinh phải học thêm, không thể so bì với các công việc chân chính khác được. Cái anh thợ vá xe thì bình thường thì đấy là một công việc chân chính. Nhưng nếu anh ấy cố tình rải đinh ra đường và ngồi trực để vá xe thì đó là một hành vi phạm pháp. Vậy thì hành động các thày cố giáo, mà dùng quyền để ép các em họ thêm cũng là hành động phạm pháp. Vì thế các hành động như thế thì phải được xử lý bằng hình sự chứ không thể bằng hành chính.”

Giải pháp

Trả lời câu hỏi, cần có các giải pháp nào để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm?
Ông Hoàng Oanh cho rằng, việc coi đó là một nguồn thu để giải quyết cuộc sống của giáo viên là không thuyết phục. Theo ông, ở các nước khác, xu hướng giáo dục kỹ năng sống được coi trọng, vì thế việc học hành của học sinh nhẹ nhàng hơn ở VN. Đây là điều nhà nước cần quan tâm để giảm bớt các tiêu cực trong vấn đề dạy thêm, học thêm. Ông đề xuất:
Cái quan trọng và quyết định nhất là phải nâng cao cái liêm sỉ, nâng cao lòng tự trọng cho giáo viên. Cho nên bây giờ nhà nước phải định hướng nghề nghiệp và có một cuộc vận động làm sao để cho nhân dân đừng có chuộng các danh hão, mà để chú trọng đến cái thực tài.
-Ông Hoàng Oanh
“Cái quan trọng và quyết định nhất là phải nâng cao cái liêm sỉ, nâng cao lòng tự trọng cho giáo viên. Cho nên bây giờ nhà nước phải định hướng nghề nghiệp và có một cuộc vận động làm sao để cho nhân dân đừng có chuộng các danh hão, mà để chú trọng đến cái thực tài, chú trọng đến khả năng thực tế để đáp ưng nhu cầu của cuộc sống. Có như thế thì việc học thêm và dạy thêm cũng sẽ bớt xuống.”
Vị nhà giáo ở Sài Gòn cho rằng, việc  dạy thêm về bản chất chủ yếu là việc bổ xung kiến thức cho học sinh, điều đó đòi hỏi giáo viên phải tự phát triển trình độ nghề nghiệp của mình. Đây là nhân tố để tăng cường chất lượng của thầy cô giáo. Bà nói:
“Đây là các khuynh hướng chung mà chúng ta không thể bỏ qua nhu cầu của gia đình, nhà trường và xã hội. Cho nên nhà trường gia đình nên phải ngồi lại bàn bạc với nhau, để các thầy cô giáo có thể tập trung vào việc giảng dạy theo trách nhiệm của họ.”
Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc tới bà Lê Thị Kim Dung Vụ trưởng Vụ Pháp Chế Bộ GD&ĐT, để tìm hiểu về quan điểm của Bộ Giáo Dục trong vấn đề này, nhưng không nhận được sự trả lời.
Ngày 4/9/2016, tại cuộc họp báo nhân dịp khai giảng năm học mới 2016-2017, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, dạy thêm học thêm là nhu cầu, nguyện vọng của không riêng người VN, mà còn là của nhiều nước trên thế giới. Theo đó, Bộ trưởng GD-ĐT thấy rằng “Nên cấm dạy thêm một cách tràn lan, không đúng mức, như cố tình đưa chương trình học chính vào học thêm”.

No comments:

Post a Comment