Theo BBC-25 tháng 8 2016
Vụ nổ súng ở tỉnh Yên Bái làm ba quan chức lãnh đạo ở tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam bị thiệt mạng vào hôm 18/8/2016 cùng nguyên nhân, hệ quả tiếp tục nằm trong tâm điểm quan tâm của dư luận xã hội.
Đây là một trong những diễn biến bạo lực hy hữu khiến dư luận Việt Nam xôn xao.
Ngay sau cái chết của hai nạn nhân mà một là Bí thư Tỉnh ủy, một là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tỉnh kiêm Trưởng ban Tổ chức tỉnh Ủy cùng nghi can là Chi cục trưởng Kiểm lâm Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phải tới tỉnh này trực tiếp chỉ đạo, ổn định tình hình.
Cơ quan điều tra, trong một động thái đặc biệt, quyết định khởi tố điều tra vụ án, mặc dù 'nghi can duy nhất' gây ra vụ án mạng bằng súng K59 ngay tại văn phòng Tỉnh ủy đã qua đời trong bệnh viện cùng với các nạn nhân.
Mặc dù tới nay, nguyên nhân của vụ bạo lực giữa các quan chức lãnh đạo ở Yên Bái chưa được công bố, dư luận tiếp tục tỏ ra băn khoăn về mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân xung đột và cách thức lựa chọn bạo lực giải quyết vấn đề 'nội bộ' giữa các quan chức.
Thấy gì qua vụ nổ súng chết người ở Yên Bái giữa các lãnh đạo tỉnh này là đề tài thảo luận tuần này củaBàn tròn thứ Năm của BBC.
Chương trình được phát trực tuyến trên kênh YouTube của chúng tôi từ lúc 19h30-20h00 giờ Việt Nam, hôm 25/8 với các khách mời là các nhà nghiên cứu xã hội, nhà báo, nhà văn, blogger từ Việt Nam và hải ngoại.
Mời quý vị bấm vào đây để theo dõi Tọa đàm.
Thiếu giám sát nội bộ?
Trong một bài viết đăng trên mục Diễn đàn của BBC hôm 22/8, blogger Nguyễn An Dân từ Sài Gòn bình luận về vụ việc và nêu quan điểm:
"Đảng phải có trách nhiệm vì thiếu giám sát nội bộ.
"Việc ông Minh hành động như thế trong khi bản thân ông ta là người thành đạt (đủ sức cho con đi du học và mua nhà ở nơi này nơi kia) chứng tỏ đây là mâu thuẫn tích tụ lâu dài, không phải vì bế tắc cuộc sống mà làm càn.
"Thêm nữa, gia đình ông Minh là gia đình cán bộ nòi (cha vợ là cựu bí thư tỉnh ủy, vợ là cán bộ lãnh đạo đoàn thể), ông là quan chức hàm trưởng phòng, không thể không biết pháp luật và quy chế của Đảng, nhưng ông Minh ứng xử như vậy chứng tỏ ông không còn tin vào pháp luật (do Đảng vận hành) và quy chế xử lý sai phạm trong nội bộ Đảng nữa.
"Quan chức Đảng mà còn không tin Đảng sẽ bảo vệ được mình, thì nhân dân liệu còn tin Đảng sẽ bảo vệ được mình vào bảo vệ được đất nước?" blogger từ Sài Gòn nêu quan điểm cá nhân.
Một blogger khác, ông Trương Nhân Tuấn, trên trang Facebook cá nhân của mình hôm 23/8, đưa ra bình luận:
"Vụ đảng viên giết nhau ở Yên Bái, cốt lõi vấn đề vẫn là "thiết lập lại công lý". Công lý ở đây là theo cách nhìn của người trong cuộc. Hai anh kia "đã làm cái gì" nên mới bị anh nọ bắn.
"Nhưng cái nhìn của người dân, nạn nhân của sộng sản, ba đảng viên bắn nhau chết, trong chừng mực "công lý được thiết lập," ông Tuấn viết.
Mới đây, một cựu quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam, Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ & Môi trường, cũng nên quan điểm của mình về vụ việc.
Được trích dẫn trên truyền thông xã hội, bài viết với tựa đề "Đã đến lúc cần phải đối thoại" của Giáo sư Chu Hảo có đoạn:
"Tiếng súng ở Yên Bái không phải chỉ phơi bày tình trạng tha hóa tột độ trong nội bộ đảng cầm quyền, mà còn chứng tỏ mức độ bất ổn chính trị - xã hội ở nước ta đã đến hồi nguy hiểm.
"Nguy hiểm cho sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng và của chế độ thì đã đành, nhưng đó không phải là mối quan ngại của những người lâu nay công khai bầy tỏ ý kiến bất đồng đối với những đường lối, chủ trương, chính sách sai trái của đảng và nhà nước.
"Những người này, trong đó có chúng tôi, âu lo về sự an nguy của dân tộc khi xẩy sự bạo loạn ngoài tầm kiểm soát," Giáo sư Chu Hảo viết.
'Bức xúc gia tăng'
Trong một số bình luận với BBC từ trước, một số nhà nghiên cứu về bạo lực xã hội ở Việt Nam đã đưa ra các quan sát của mình trước câu hỏi nguyên nhân của bạo hành, bạo lực ở Việt Nam.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng nạn bạo hành trong xã hội đang có chiều hướng phức tạp và khó lường trong xã hội ngày nay ở Việt Nam.
Họ cũng cho rằng bạo lực đến từ nhiều hướng, và đáng lo ngại, tệ nạn này xuất hiện cả ở trong hành vi được cho là lạm dụng của lực lượng thi hành công vụ, như cảnh sát, an ninh, và còn thể hiện qua các phản kháng đám đông khó lường.
Bạo hành, bạo lực diễn ra ở nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong bạo hành ở gia đình mà đang tiến diễn ra cộng đồng và xã hội như một hiện tượng khá rõ ràng, mà gần đây là vụ nổ súng ở Yên Bái giữa các đảng viên, lãnh đạo Tỉnh.
"Bạo lực có cả ở những nơi như những người vi phạm pháp luật bị đánh hoặc đánh người khác, trong những quan hệ xã hội phức tạp của những thanh niên vi phạm pháp, hoặc ở những người vào trong những trại tập trung, họ cũng có thể xảy ra những xung đột hoặc bị đánh đập," theo ông Lê Ngọc Bảo, nhà nghiên cứu về bạo hành ở tổ chức phi chính phủ Child Fund ở Việt Nam, nói với BBC.
"Mấy năm gần đây xã hội đã quan tâm nhiều hơn, nên cũng xuất hiện các hiện tượng này ở trên báo chí hơn. Trong quá khứ đã có các vụ tương tự rồi..., gần đây do mạng lưới truyền thông lan nhanh hơn và báo chí đi sát hơn, nên nó lan được các thông tin, tuyên truyền ra nhanh hơn, nên nhiều người biết đến hơn, chứ không phải trong quá khứ không có."
Về nguyên nhân từ góc độ 'suy giảm niềm tin' của người dân trong xã hội với công lý, một nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sỹ Lê Bạch Dương, trong một trao đổi khác từ trước với BBC, nêu giả thuyết:
"Gần đây những bức xúc xã hội càng ngày càng gia tăng và niềm tin cũng suy giảm ở trong người dân. Trước đây chưa từng thấy những hiện tượng như người dân chống lại người thi hành công vụ đánh lại cảnh sát, lao xe vào cảnh sát.
"Tất cả những cái đó không phải là những hành động mang tính tự nhiên mà có," nhà xã hội học cảnh báo, "Những cái đó bắt đầu trở nên những hiện tượng lặp đi lặp lại, chưa dám nói là phổ biến...
"Nhưng nó thể hiện sự bức xúc của người dân. Và niềm tin vào bộ máy nhà nước có thể bảo vệ người dân hay thực thi luật pháp cho đúng đã bị suy giảm, nên người ta mới có những hành động như vậy," nhà xã hội học nói với BBC.
No comments:
Post a Comment